Đảm bảo sự ổn định các cơ sở giáo dục trong năm học mới

Học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Tuy Hòa) nghe phổ biến nội quy trong ngày tựu trường năm học 2020-2021. Ảnh: TRUNG HIẾU

Trước thềm năm học mới 2020-2021, Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng xung quanh vấn đề dạy và học trong năm học 2020-2021. Đồng chí Phan Đình Phùng cho biết:

- Năm học 2020-2021 đã khởi động và khai giảng vào ngày mai (5/9). Đây là năm học hết sức đặc biệt, đặt ra nhiều yêu cầu đối với ngành Giáo dục cả nước nói chung và ngành Giáo dục Phú Yên nói riêng. Vì năm nay, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và là năm học đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đưa sách giáo khoa mới của lớp 1 vào giảng dạy. Để đạt được những yêu cầu, kế hoạch cho năm học mới, ngành Giáo dục phải tiếp tục chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cả về phương tiện học tập, về sách giáo khoa và tâm lý học sinh. Đồng thời, ngành Giáo dục cần theo dõi thường xuyên để kịp thời điều chỉnh chương trình giảng dạy và có những đề xuất kịp thời để Bộ GD-ĐT chủ động xử lý, chỉnh sửa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng

* Năm học 2020-2021 với nhiều thách thức, nhất là tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, theo đồng chí, ngành Giáo dục Phú Yên cần có những giải pháp gì?

- Bước vào năm học mới 2020-2021, ngành Giáo dục Phú Yên cần tổ chức, sắp xếp hoạt động giảng dạy, học tập, cũng như sinh hoạt trong các cơ sở giáo dục thích nghi với tình hình mới, đảm bảo sự ổn định trong các cơ sở giáo dục. Để làm tốt điều này, ngành Giáo dục phải phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan chức năng khác. Năm học 2020-2021, yêu cầu đặt ra là vừa đảm bảo chất lượng giảng dạy và học tập, nhưng phải thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19.

Vì vậy, ngành Giáo dục cần chủ động trong tất cả các biện pháp, trở thành ý thức tự giác từ cán bộ quản lý, giáo viên đến học sinh. Đặc biệt, có sự kết nối với phụ huynh cũng như môi trường xã hội xung quanh nhà trường để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học. Trong công tác phòng chống dịch COVID-19, đòi hỏi ngành Giáo dục phải nỗ lực cao gấp nhiều lần so với năm học 2019-2020.

* Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đòi hỏi phải đáp ứng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên... Tỉnh chuẩn bị những vấn đề trên như thế nào, thưa đồng chí?

- Để đảm bảo đủ giáo viên của các cấp học trong năm học 2020-2021, UBND tỉnh đã có kế hoạch giao nhiệm vụ cho ngành Giáo dục Phú Yên xét tuyển đặc cách giáo viên theo Công văn 5378 của Bộ Nội vụ. Sau khi xét tuyển đặc cách, hiện UBND tỉnh đang chỉ đạo rà soát nắm rõ nhu cầu và sẽ tổ chức thi tuyển viên chức ngành Giáo dục. Vừa rồi, chúng tôi đã họp với các huyện, thị xã, thành phố thống nhất đợt thi viên chức lần này sẽ tổ chức thi tập trung. Sở Nội vụ cùng Sở GD-ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố đang tích cực cho việc này và sẽ hoàn thành trước ngày 30/12/2020. Đối với cơ sở vật chất, hiện các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các phòng, lớp học mới, nâng cấp phòng lớp học cũ, xây dựng các phòng chức năng, đầu tư trang thiết bị dạy và học… để đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

* Hiện nay trẻ từ 3-4 tuổi ở Phú Yên ra lớp còn hạn chế, nguyên nhân là thiếu giáo viên bậc mầm non. UBND tỉnh và ngành Giáo dục có hướng giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Để giải quyết vấn đề này, tỉnh đang tích cực thực hiện Thông tư liên tịch 06 giữa Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT để đảm bảo đủ giáo viên bậc học mầm non theo vị trí việc làm được xác định để đáp ứng cho công tác dạy và học trong thời gian tới.

* Xin cảm ơn đồng chí!

TRUNG HIẾU (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/245185/dam-bao-su-on-dinh-cac-co-so-giao-duc-trong-nam-hoc-moi.html