Đảm bảo tiền hỗ trợ sớm đến tay từng người có hoàn cảnh khó khăn

Lần đầu tiên, Chính phủ ban hành gói hỗ trợ quốc gia về an sinh xã hội với quy mô 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 20 triệu người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm lúc này là làm thế nào để triển khai gói hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, không bỏ sót, chính sách không bị lợi dụng, trục lợi? Đó là nội dung mà phóng viên Báo Lào Cai trao đổi với bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.Phóng viên: Bà đánh giá thế nào về ý nghĩa cũng như tác động của gói hỗ trợ an sinh xã hội vừa được Chính phủ ban hành đối với người dân trên địa bàn Lào Cai?Bà Đinh Thị Hưng: Đây là gói hỗ trợ nhằm giúp người dân bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19, hỗ trợ phần nào cho các doanh nghiệp trả lương người lao động như vay vốn với lãi suất 0% và không cần tài sản đảm bảo.

Trao hỗ trợ cho người dân thị trấn Phố Lu (huyện Bảo Thắng).

Trao hỗ trợ cho người dân thị trấn Phố Lu (huyện Bảo Thắng).

Các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước lúc này có ý nghĩa thiết thực, cấp bách sống còn và nhân văn nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa góp phần phòng, chống dịch, nhưng phải tiếp tục tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội với quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đối với tỉnh miền núi, còn nghèo như Lào Cai, gói hỗ trợ an sinh xã hội càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được xem là “phao cứu sinh” kịp thời giúp nhiều lao động thu nhập thấp, người nghèo có thêm điều kiện vượt qua đại dịch.Phóng viên: Với ý nghĩa như vậy, tỉnh đã vào cuộc như thế nào để triển khai gói hỗ trợ này?
Bà Đinh Thị Hưng: Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42 ngày 9/4/2020, UBND tỉnh họp triển khai thực hiện và giao nhiệm vụ cho các ngành, đơn vị có liên quan; tổ chức tuyên truyền nghị quyết; ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Tỉnh xác định, khẩn trương triển khai đến các đối tượng thụ hưởng theo phương châm: Những chính sách hỗ trợ đã xác định được đối tượng cụ thể cần triển khai ngay; những chính sách hỗ trợ các đối tượng còn lại nhưng chưa xác định rõ về tiêu chí, điều kiện hỗ trợ hoặc hồ sơ, trình tự thực hiện thì sẽ chờ hướng dẫn.
Do vậy, Lào Cai đã rà soát và chi trả trợ cấp cho 3 nhóm đối tượng trước 30/4/2020, gồm: Người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng tại cộng đồng; người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo. 4 nhóm đối tượng còn lại, tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương rà soát, lập hồ sơ, danh sách để có thể hỗ trợ ngay trong tháng 5 và tháng 6/2020.
Phóng viên: Theo nội dung nghị quyết đề ra, nguồn lực thực hiện sẽ do các địa phương cân đối ngân sách và Trung ương hỗ trợ theo tỷ lệ đã quy định. Vậy, với một địa phương miền núi, còn nghèo như Lào Cai, vấn đề này được xác định như thế nào, thưa bà?
Bà Đinh Thị Hưng: Triển khai gói an sinh xã hội trong thời điểm này là việc làm cần ưu tiên và có tính cấp bách. Lào Cai là tỉnh được phân bổ nguồn lực hỗ trợ theo nguyên tắc ngân sách Trung ương hỗ trợ 70%, ngân sách địa phương đảm bảo 30%. Do đây là nội dung mới phát sinh, chưa có trong dự toán ngân sách của tỉnh nên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Sở Tài chính rà soát, tổng hợp đối tượng và lập dự toán kinh phí đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bổ sung từ ngân sách tỉnh cho ngân sách các huyện, thị xã, thành phố để triển khai thực hiện.
Phóng viên: Thưa bà, đây là gói hỗ trợ lớn, chưa có tiền lệ nên việc triển khai sẽ không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc nảy sinh?
Bà Đinh Thị Hưng: Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42 chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, vướng mắc do đối tượng triển khai rộng, đặc biệt là các nhóm đối tượng quy định tại điểm 1, 2, 3, 4 mục II của nghị quyết 42, ví dụ như việc rà soát ở các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn do phải thực hiện giãn cách xã hội; người lao động đã trở về gia đình...
Thời gian rà soát, thống kê, lập danh sách các đối tượng ngắn và cần phải tổ chức chi trả hỗ trợ ngay, trong khi đó một số nhóm đối tượng tiêu chí xác định chưa rõ ràng, như việc xác định lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, nên khó định lượng được nhóm đối tượng này.
Phóng viên:Làm thế nào để tiền hỗ trợ đến tay người dân đúng đối tượng, không bỏ sót và không có độ trễ, thưa bà?
Bà Đinh Thị Hưng: Quyết định số 15 ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quy định các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, quy định rất cụ thể: Sau khi quyết định của chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ và kinh phí hỗ trợ được ban hành có hiệu lực thì trong 3 ngày làm việc, cấp huyện phải chi trả hỗ trợ cho các đối tượng.
Để đảm bảo việc hỗ trợ đúng đối tượng, không bỏ sót và không có độ trễ, cần có sự giám sát của cơ quan chuyên môn, tổ chức đoàn thể các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở và người dân. Do vậy, một trong những yêu cầu bắt buộc là danh sách các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ phải được niêm yết công khai để mọi người dân biết; thành lập đường dây nóng kịp thời tiếp nhận phản ánh của người dân.
Để thực hiện chính sách hiệu quả, tránh bị lợi dụng, trục lợi thì vai trò giám sát của các tổ chức là điều kiện cần thiết, cụ thể thông qua 3 kênh sau: Ủy ban MTTQ và các tổ chức hội, đoàn thể từ thôn, bản, tổ dân phố trở lên; HĐND các cấp; công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau thực hiện chi trả chính sách hỗ trợ này.
Cùng với đó, tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức cố tình gây khó khăn, làm chậm tiến độ, thời gian các nhiệm vụ được giao; lợi dụng, trục lợi chính sách khi thực hiện công vụ.
Với các giải pháp trên, tỉnh Lào Cai tin tưởng rằng, từng đồng tiền hỗ trợ sớm đến tận tay từng người có hoàn cảnh khó khăn để người dân có thêm nghị lực, đồng lòng vượt qua đại dịch.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!
Thanh Nam (thực hiện)

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/dam-bao-tien-ho-tro-som-den-tay-tung-nguoi-co-hoan-canh-kho-khan-z5n20200504083351926.htm