ĐẢM BẢO TÍNH CẠNH TRANH, MINH BẠCH TRONG VIỆC CẤP GIẤY PHÉP QUYỀN SỬ DỤNG TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện sẽ được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Quan tâm đến dự án Luật này, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cần quy định rõ ràng và cụ thể về hình thức cấp phép băng tần hướng tới đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch trong thực tiễn triển khai…

Luật Tần số vô tuyến điện đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần được điều chỉnh, sửa đổi.

Luật Tần số vô tuyến điện đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần được điều chỉnh, sửa đổi.

Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 có ý nghĩa to lớn trong việc quản lý hoạt động và phát triển lĩnh vực vô tuyến điện, đánh dấu mốc quan trọng về sự nỗ lực của ngành Thông tin và Truyền thông nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực thông tin vô tuyến điện của đất nước. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần được điều chỉnh, sửa đổi.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện bảo đảm tính thống nhất với các Luật và Điều ước quốc tế có liên quan. Trong đó, bổ sung 2 điều, sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo với những nội dung chủ yếu: Nhóm các vấn đề về quy hoạch băng tần, cấp giấy phép sử dụng tần số và chế tài xử lý vi phạm; Nhóm vấn đề về khoản thu từ việc sử dụng tần số; Sửa đổi quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên; Nhóm vấn đề về kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng an ninh; Nhóm vấn đề về sửa đổi thẩm quyền quy định văn bản để phù hợp, thống nhất với các Luật có liên quan; Điều khoản chuyển tiếp bổ sung quy định để xử lý việc cấp lại, xử lý vi phạm cam kết triển khai mạng viễn thông đối với các giấy phép sử dụng băng tần được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực, bảo đảm tính khả thi, liên tục của pháp luật.

Việc lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật thông qua hình thức hội nghị, tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học cũng như các đối tượng chịu sự tác động. Đánh giá cao sự cần thiết cũng như nhiều nội dung sửa đổi tại Dự thảo, một số chuyên gia kiến nghị cần quy định rõ ràng và cụ thể về hình thức cấp phép băng tần hướng tới đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch trong thực tiễn triển khai…

Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam Đoàn Quang Hoan

Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam Đoàn Quang Hoan

Theo Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam Đoàn Quang Hoan, một trong những chính sách quan trọng nhất thể hiện trong Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 là áp dụng cơ chế thị trường trong việc cấp phép băng tần có giá trị cao thông qua đấu giá hoặc thi tuyển. Chính sách này nhằm vào các băng tần dành cho thông tin di động trong bối cảnh thị trường thông tin di động nở rộ trong thời gian trước 2009 với nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch cổ phần hóa.

Mục tiêu quan trọng nhất của chính sách này là minh bạch hóa quy trình cấp phép để cấp phép tài nguyên tần số cho những doanh nghiệp thực sự có năng lực phát triển hạ tầng viễn thông và cung cấp dịch vụ viễn thông, sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số. Mục tiêu thứ hai mới là thu tiền sử dụng tài nguyên cho ngân sách. Tuy nhiên, từ ngày ban hành đến nay chính sách này chưa được thực hiện thành công. Hơn chục năm qua chúng ta không cấp phép được băng tần nào cho thông tin di động, trong khi nhu cầu của thị trường rất lớn…

Vì vậy, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam Đoàn Quang Hoan kiến nghị, trong Dự thảo sửa đổi lần này cần quy định minh bạch và dứt khoát trong Luật hình thức cấp phép băng tần cho thông tin di động là đấu giá hay thi tuyển. Như vậy, Luật quy định hình thức gì thì Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông phải quyết tâm thực hiện hình thức đó.

Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam Đoàn Quang Hoan cũng lưu ý, nếu hình thức đấu giá được lựa chọn thì cần có các điều khoản cụ thể quy định cách thực hiện, nhất là quy định những nội dung không áp dụng được Luật đấu giá tài sản, việc giao cho Chính phủ quy định những nội dung đấu giá tần số khác với Luật Đấu giá tài sản cần được xem xét thấu đáo. Trường hợp khác, nếu muốn duy trì quy định về thi tuyển thì nên chăng bỏ hẳn quy định về đấu giá. Nhiều nước có thị trường di động phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc không đấu giá tần số. “Việc sửa đổi, bổ sung phải làm cho nội dung này trong Luật rõ ràng hơn, gỡ được những nút thắt của Luật hiện hành, để Luật dễ dàng đi vào đời sống hơn”, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam lưu ý.

Ông Nghiêm Xuân Bạch, Nguyên hàm Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Ông Nghiêm Xuân Bạch, Nguyên hàm Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Quan tâm đến nội dung này, ông Nghiêm Xuân Bạch, nguyên hàm Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, nếu tần số, băng tần vô tuyến điện là tài sản công thì việc đấu giá tần số, băng tần sẽ phải tuân theo quy định của pháp luật đấu giá tài sản công. Trong Dự thảo Luật dự kiến sẽ giao cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định về đấu giá. Việc quy định như vậy là không đúng với thẩm quyền vì Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể trái với Luật đã ban hành.

Ngoài ra, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, cần phân tích thêm, đánh giá kỹ tác động của phương án đấu giá băng tần và phương án không đấu giá băng tần. Đồng thời, quy định tách bạch, rõ ràng giữa phương thức đấu giá và phương thức thi tuyển, quy định nguyên tắc tính toán mức thu và các quy định quản lý, sử dụng đối với thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện trong Luật, quy định rõ khái niệm băng tần có giá trị thương mại cao, nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ được phép đấu giá hoặc thi tuyển để tránh trục lợi, đầu cơ; ..../.

Lan Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=64557