Đảm bảo tính tuyệt đối trong xây dựng công trình xăng dầu, khí đốt

Hiện nay, việc xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp các công trình cấp xăng dầu, khí đốt là việc làm cấp thiết, tuy nhiên, thực tế chưa có một quy chuẩn nào để áp dụng, dẫn đến nhà đầu tư, các đơn vị quản lý gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết thực trạng này, Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn các công trình hạ tầng kỹ thuật công trình cấp xăng dầu, khí đốt (QCVN 07-06:2016/BXD).

Việc cải tạo, xây dựng mới các công trình cấp xăng dầu, khí đốt cho thấy sự cần thiết của quy chuẩn QCVN 07- 06:2016/BXD (Ảnh internet)

Quy định chặt chẽ về công trình xăng dầu

Trong những năm gần đây, nhiều vụ việc đáng tiếc xảy liên quan đến cháy nổ gây mất an toàn cây xăng như vụ cháy nổ cây xăng tại số 2B Trần Hưng Đạo (Hà Nội) khiến dư luận bàng hoàng. Sở Công Thương Hà Nội cũng đã nhiều lần ra quân kiểm tra đồng bộ các của hàng kinh doanh xăng dầu không đủ điều kiện, tuy nhiên, thực tế vẫn thiếu các chế tài xử lý. Quy chuẩn QCVN 07-06:2016/BXD quy định việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp xăng dầu, khí đốt ra đời chính là để giải quyết thực trạng này.

Quy chuẩn theo đó đã đưa ra các quy định cụ thể về quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu công trình cấp xăng dầu và khí đốt phải được xem xét, xác định ngay từ giai đoạn lập quy hoạch đảm bảo cung cấp xăng dầu, khí đốt ổn định, an toàn, hiệu quả đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng của dự án. Việc lựa chọn các công nghệ, vật liệu, thiết bị, phụ kiện phải đảm bảo sử dụng công nghệ tiên tiến đáp ứng quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy, chống sét, chống tĩnh điện và bảo vệ môi trường. Cụ thể, kết cấu và vật liệu cho khu bán hàng, mái che cột bơm và các hạng mục xây dựng khác của cửa hàng xăng dầu phải có bậc chịu lửa I theo quy định tại QCVN 06:2010/BXD; Cửa hàng xăng dầu tiếp giáp với công trình xây dựng khác phải có tường bao bằng vật liệu không cháy. Chiều cao của tường bao không nhỏ hơn 2,2 m.

Quy chuẩn cũng đưa ra những quy định chặt chẽ đối với bể chứa xăng dầu. Theo đó, bể chứa phải được áp dụng những quy chuẩn khắt khe, không được đặt trong hoặc dưới các gian nhà bán hàng của trạm. Bể chứa xăng dầu đặt ngầm dưới mặt đường xe chạy phải áp dụng các biện pháp bảo vệ kết cấu bể dưới tác động tải trọng trong quá trình hoạt động. Ngoài ra, bể chứa đặt ngầm phải được bọc chống gỉ, bể đặt nổi phải được sơn bảo vệ. Bề mặt ngoài của bể chứa phải bằng chất liệu thép, được lắp đặt ngầm có lớp bọc chống ăn mòn với cấp độ không thấp hơn mức tăng cường quy định tại TCVN 4090:1985.

Để đảm bảo mức độ an toàn, hệ thống cấp thoát nước của cửa hàng xăng dầu cũng phải được cung cấp đủ nước sinh hoạt và nước chữa cháy. Nước thải, nước mưa của cửa hàng xăng dầu phải được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu của QCVN 29:2010/BTNMT trước khi thải vào hệ thống thoát nước chung. Công trình rãnh thoát nước mưa trong khu bể chứa xăng dầu nổi được phép làm kiểu hở...

Đảm bảo an toàn về công trình khí đốt

Song song với các tiêu chuẩn kỹ thuật về các công trình xăng dầu, quy chuẩn cũng quy định rõ các yêu cầu kỹ thuật đối với công trình cấp khí đốt. Theo đó, hệ thống cấp khí đốt đô thị phải được thiết kế đảm bảo cung cấp liên tục, đáp ứng nhu cầu và áp suất của các đối tượng sử dụng trong điều kiện hoạt động bình thường và vào giờ cao điểm, có tính đến các nhu cầu của từng loại hình đối tượng sử dụng (dân cư, thương mại, công nghiệp) và nhu cầu có thể phát triển sau này.

Quy chuẩn cũng quy định rõ về việc phân loại trạm khí đốt đô thị như Trạm khí dầu mỏ hóa lỏng (trạm cấp LPG); Trạm khí thiên nhiên nén (trạm cấp CNG); Trạm khí thiên nhiên hóa lỏng (trạm cấp LNG); Trạm giảm áp (nếu cung cấp bằng đường ống vận chuyển khí thiên nhiên cao áp)…

Theo đó, trạm khí thiên nhiên nén thì các chai chứa, bồn chứa CNG phải đặt cách đường, đường đi bộ, địa điểm công cộng khác hoặc các công trình được bảo vệ không nhỏ hơn 3m. Cụm tồn chứa CNG, thiết bị tồn chứa CNG di động chuyên dụng phải đặt cách thiết bị phân phối xăng hoặc nhiên liệu lỏng tối thiểu 5m. Khoảng cách an toàn tối thiểu từ cụm tồn chứa CNG đến bồn chứa chất dễ cháy khác đặt nổi không nhỏ hơn 6m, khoảng cách đến đường ray xe lửa không được nhỏ hơn 15m.

Để hạn chế những bất cập xảy ra, quy chuẩn cũng quy định chặt chẽ về đường ống dẫn khí đốt. Cụ thể, đường dẫn khí đốt phải được đặt ngầm, đường ống đặt nổi (lộ thiên) chỉ thực hiện trong trường hợp cá biệt - khi qua sông, hồ, khe, suối, hoặc các công trình nhân tạo khác; Đối với ống thép đi ngầm phải có biện pháp bảo vệ chống ăn mòn; Đoạn ống dẫn khí đốt đi ngầm qua đường có xe cơ giới chạy qua phải được đặt trong ống lồng bảo vệ…

Vấn đề quan trọng hơn cả là việc đảm bảo an toàn của đường ống ngầm trong các khu đô thị. Quy chuẩn quy định đường ống đi ngầm trong khu đô thị phải bố trí van chặn trên đường ống tại vị trí sau: trước khi kết nối với đường ống cấp vào tòa nhà; trước và sau van giảm áp; trước và sau đoạn ống vượt sông... Phải bố trí van chặn phải đảm bảo khả năng cô lập từng khu vực phục vụ công tác bảo dưỡng sửa chữa (xả khí, lắp đặt và thử kín) hoặc xử lý khi có sự cố xảy ra.

Trao đổi về các quy định an toàn phòng chống cháy nổ, đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết: Để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra, hệ thống dây, cáp điện và trang thiết bị điện cho cửa hàng xăng dầu và trạm khí đốt phải phù hợp với tiêu chuẩn TCVN 5334:2007. Được phép sử dụng máy phát điện cỡ nhỏ làm nguồn điện dự phòng, ống khói của máy phát điện phải có bộ phận dập tàn lửa và bọc cách nhiệt. Cáp điện lắp đặt trong cửa hàng xăngdầu và trạm khí đốt phải bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ phù hợp với phân vùng nguy hiểm cháy nổ…

Phía Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trướng cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại các địa phương có trách nhiệm tổ chức kiểm tra sự tuân thủ các quy định của quy chuẩn trong hoạt động đầu tư xây dựng công trình cấp xăng dầu, khí đốt trên địa bàn nhằm đảm bảo tính tuyệt đối theo quy chuẩn.

Thành Luân

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/phap-luat/dam-bao-tinh-tuyet-doi-trong-xay-dung-cong-trinh-xang-dau-khi-dot.html