Đạm Cà Mau mang về hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận sau 9 tháng, hoàn thành 133% kế hoạch năm

Nhờ tối ưu chi phí, Đạm Cà Mau ghi nhận lợi nhuận 9 tháng tăng 71,1%, qua đó vượt 33% kế hoạch lợi nhuận năm...

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau – mã chứng khoán: DCM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024 với nhiều tín hiệu tích cực, mặc dù doanh thu có phần giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, trong quý vừa qua, doanh thu thuần của Đạm Cà Mau giảm 12,5%, xuống còn 2.634 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ vào việc tối ưu hóa giá vốn hàng bán, công ty đã ghi nhận mức lợi nhuận gộp tăng mạnh 111,3%, lên 374,7 tỷ đồng. Đây chính là yếu tố then chốt giúp công ty đạt được tăng trưởng lợi nhuận đáng kể trong kỳ.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của công ty sụt giảm mạnh 80,4%, chỉ còn 39,1 tỷ đồng, do lãi suất tiền gửi giảm. Đồng thời, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng gia tăng, với mức tăng lần lượt là 53,2% và 6,2%, đạt 13,8 tỷ đồng và 90,5 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí bán hàng lại giảm nhẹ 3,5%, còn 185,5 tỷ đồng.

Cuối cùng, sau khi trừ đi tất cả các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Đạm Cà Mau đã tăng trưởng mạnh mẽ 62,7% so với cùng kỳ, đạt 120,6 tỷ đồng.

Xét lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2024, Đạm Cà Mau đạt 9.241 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức tăng 71,1%, lên tới 1.055 tỷ đồng.

Về kế hoạch tài chính hợp nhất cho năm 2024, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt hơn 11.878 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 841,4 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế gần 794,8 tỷ đồng. Đến nay, Đạm Cà Mau đã hoàn thành 77,8% mục tiêu doanh thu và vượt 33% mục tiêu lợi nhuận cả năm chỉ sau 9 tháng.

Tính đến ngày 30/9/2024, quy mô tài sản của Đạm Cà Mau đạt 15.419 tỷ đồng, tăng 1,2% so với đầu năm. Trong đó, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm phần lớn với 6.503 tỷ đồng, và hàng tồn kho đạt 3.172 tỷ đồng, tăng gần 47%.

Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của công ty tính đến cuối quý 3 năm 2024 đạt khoảng 5.525 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn với 4.590 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Đạm Cà Mau ghi nhận 9.894 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,7% so với đầu năm.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 28/10, cổ phiếu DCM đang giao dịch quanh mức 37.100 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa của doanh nghiệp phân bón trên thị trường đạt khoảng 19.640 tỷ đồng.

 Thị giá cổ phiếu DCM trong thời gian gần đây

Thị giá cổ phiếu DCM trong thời gian gần đây

Trong năm 2024, ABS Research cho rằng biên lợi nhuận gộp mảng phân ure của Đạm Cà Mau sẽ cải thiện mạnh mẽ lên 28,5% so với mức 22,6% của năm 2023, chủ yếu là do chi phí khấu hao giảm xuống đáng kể từ năm 2024 khi nhà máy sản xuất đạm ure đã hết khấu hao từ quý 4/2023.

Chi phí khấu hao nhà máy mỗi năm thường dao động quanh 1.200 tỷ đồng/năm. Do đó, việc hết khấu hao sẽ giúp Đạm Cà Mau có thể tiết kiệm 800 - 900 tỷ đồng trong năm 2024. Điều này sẽ giúp cải thiện đáng kể lợi nhuận năm 2024 của Đạm Cà Mau, ABS Research nhận định.

Năm 2024, ABS Research dự phóng doanh thu mảng ure đạt 8.605 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp đạt 2.456 tỷ đồng, tăng 30,8%, biên lợi nhuận gộp đạt 28,5%.

Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ ure của Đạm Cà Mau dự kiến đạt 880.000 tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Trong giai đoạn 2025 - 2029, ABD Research giả định sản lượng tiêu thụ sẽ đi ngang với tốc độ tăng trưởng khoảng 1- 2%/năm.

Song song với đó, nếu dự thảo áp dụng mức thuế VAT 5% được thông qua, các doanh nghiệp phân bón nói chung và Đạm Cà Mau nói riêng sẽ được hưởng lợi nhờ được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào thay vì trích lập vào chi phí sản xuất kinh doanh.

Tùng Linh

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/dam-ca-mau-mang-ve-hon-1000-ty-dong-loi-nhuan-sau-9-thang-hoan-thanh-133-ke-hoach-nam-post555617.html