Đắm đuối mùa Ning nơng

Sau cuộc đâm trâu, cột gơng được để nguyên và mọc thành cây pơ lang đại thụ, mỗi mùa Ning nơng lại đơm hoa đỏ rực trời. Cây pơ lang như dấu ấn, như chứng tích của những lễ hội, những cuộc vui. Làng nào nhiều cây pơ lang là làng giàu có sung túc! Làng có nhiều cuộc đâm trâu, nhiều cuộc ăn năm uống tháng!

Với Tây Nguyên, mùa khô là khoảng thời gian rất đẹp. Lúa đã thu hết vào các nhà chòi kho. Nương rẫy trải qua những ngày tháng nghỉ ngơi hoang hóa. Trời hiu hiu, mưa vừa dứt, nắng chỉ mới bắt đầu. Gió đông khô tần ngần nổi lên nhè nhẹ. Ngày chưa đủ nóng, đêm chưa đủ lạnh.

Một ngày nắng, khô và gió, hoa quỳ vàng bất ngờ bung nở, sắc vàng lấp lánh giữa hoang vu. Lạ, chẳng thấy thứ hoa nào càng nắng càng nở, càng khô càng rực rỡ như dã quỳ. Một màu vàng miên man... ngỡ hóa thân giữa bazan khô khát! Như những mặt trời bé nhỏ thắp sáng cao nguyên. Như những cặp mắt tròn xoe ngây ngô trước gió!

Giữa mùa khô, hoa pơ lang rực đỏ trên nền trời. Người Tây Nguyên quen gọi cây gạo là pơ lang gai (vỏ dày màu nâu có gai nhọn), cây bông gòn là pơ lang trơn (vỏ màu xanh không có gai).

Mùa nở hoa, cây pơ lang như một cành hoa khổng lồ cắm giữa trời đất cao nguyên mênh mông. Nụ hoa pơ lang gai khá to và đỏ như những trái tim dâng lên vòm trời. Hoa ấy nở rực rỡ kéo dài cả tháng. Pơ lang trơn nở hoa đỏ nhưng nhỏ như chiếc mào của chim rừng, sau đó thì kết trái màu xanh trông giống những quả dưa chuột xinh xắn treo lơ lửng giữa không trung.

Cũng thời khắc này, những đồi cà phê đã cương nụ màu ngà xanh sau đợt tưới nước thứ nhất. Chỉ chờ được tưới nước đợt hai là cả vạt cà phê đồng loạt bung hoa.

Hoa cà phê trắng tinh khiết nở kín cành, xây kín gốc. Đặc biệt, loài hoa ấy ướp đất trời cao nguyên bằng một thứ hương thơm thổn thức. Hương hoa cà phê thơm ngọt dịu dàng-mùi thơm đặc thù của nắng gió hoang dã thoang thoảng như hoa dành dành ven bờ suối vắng, như hoa cau thơm phảng phất bờ ao...

Vòng xoang ngày hội. Ảnh: Đức Thụy

Vòng xoang ngày hội. Ảnh: Đức Thụy

Thời khắc ấy, người Tây Nguyên mở lễ pơ thi (bỏ mả). Đây có thể coi là lễ quan trọng nhất trong vòng đời con người. Đó là mùa Ning nơng.

Trước ngày bỏ mả, những cây gỗ rừng được chặt về, nghệ nhân bắt tay tạc tượng mồ. Đó là những bức tượng thô ráp mộc mạc nhưng mang hồn vía của khoảnh khắc thăng hoa thương nhớ. Tượng mồ được dựng lên xung quanh nhà mồ để thay con người đến với hồn ma, làm vui hồn ma.

Từ khi bỏ mả, hồn ma sẽ rời bỏ thế giới con người đến với cõi mang lung, một thế giới lộn ngược, không còn vương vấn ràng buộc gì nhau nữa. Đây có lẽ là dấu tích cổ sơ của hình nhân thế mạng trong nhiều nền văn minh cổ đại! Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từng có những câu thơ về lễ bỏ ma rất đắm đuối và ma mị: “Ăn với ma đêm nay/Uống với ma đêm nay/Ngày mai chia tay!”.

Rồi những đêm lửa trại bập bùng, những ngày đâm trâu háo hức. Những cuộc cồng chiêng, rượu cần mê đắm. Những vòng xoang xoắn xuýt tình người được khởi lên, miên man trôi giữa cõi núi rừng hoang lạnh. Gió như thôi miên, rút rỗng trời đất. Người ta say bên nhau bất tận...

Để đâm trâu, các làng dựng cây nêu trang trí cột gơng, cần tre tua hoa ngũ sắc... Cột gơng thường là những cành pơ lang to cỡ bắp đùi, chôn chặt xuống đất làm cột tròng cổ trâu. Sau cuộc đâm trâu, cột gơng được để nguyên và mọc thành cây pơ lang đại thụ, mỗi mùa Ning nơng lại đơm hoa đỏ rực trời.

Cây pơ lang như dấu ấn, như chứng tích của những lễ hội, những cuộc vui. Làng nào nhiều cây pơ lang là làng giàu có sung túc! Làng có nhiều cuộc đâm trâu, nhiều cuộc ăn năm uống tháng!

Cuối mùa khô, khi trái pơ lang trơn (bông gòn) bung những sợi bông bay, mang cái hạt nhỏ bé bồng bềnh trong trời đất, người Tây Nguyên bắt đầu một mùa vỡ đất gieo hạt mới. Hẹn một mùa Ning nơng say đắm năm sau...

PHẠM ĐỨC LONG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202012/dam-duoi-mua-ning-nong-5714721/