Đàm phán đình trệ làm dấy lên lo ngại về sức mạnh của Trung Quốc

Các cuộc đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông bị đình trệ trong đại dịch Covid-19, gây lo ngại cho một số quốc gia Đông Nam Á rằng, Trung Quốc sẽ khai thác sự chậm trễ để củng cố sự hiện diện của mình ở vùng biển tranh chấp, Nikkei đưa tin.

ASEAN lo ngại sự đình trệ của đàm phán Bộ quy tắc ứng xử và tình hình Covid-19 có thể làm tăng sự hiện diện của Trung Quốc tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông - Ảnh: Reuters

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN trực tuyến vừa tổ chức mới đây tại Việt Nam đã thừa nhận bế tắc trong việc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Một số nhà quan sát hiện đặt câu hỏi liệu vấn đề này có thể thống nhất vào năm 2021, do thủ tướng Trung Quốc Lý Quốc Cường đề xuất hay không.

Việt Nam là nước ủng hộ hàng đầu cho bộ quy tắc ứng xử. Mặc dù là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực có ổ dịch Covid-19, nhưng Việt Nam đã đề xuất tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tiếp, để gửi một thông điệp mạnh mẽ về quy tắc ứng xử - một bản nâng cấp được tìm kiếm từ lâu cho một tuyên bố không ràng buộc mà các nhà phê bình nói rằng thiếu các quy tắc rõ ràng đối với Biển Đông.

Tuy nhiên, thay vào đó, hội nghị thượng đỉnh ASEAN trực tuyến do Việt Nam đề xuất đã diễn ra, để đề phòng lây nhiễm Covid-19. Hiện tại một số quốc gia Đông Nam Á như Indonesia và Philippines, vẫn đang cố gắng kiềm chế sự lây lan của virus Corona.

Trong bối cảnh dịch bệnh lây lan, đàm phán bế tắc, Trung Quốc đang gia tăng sự hiện diện ở Biển Đông.

ASEAN và Trung Quốc đã hoãn các cuộc họp về bộ quy tắc ứng xử dự kiến trong năm nay, bắt đầu bằng một cuộc họp mặt tháng Hai ở Brunei. Một hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng Tư cũng đã được tổ chức trực tuyến.

"Chúng tôi gần như không thể đàm phán về điều này, vì vậy chúng tôi chỉ có thể đợi cho đến khi tình hình được cải thiện", một quan chức Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết.

Các nước ASEAN tin rằng, bộ quy tắc ứng xử sẽ giúp giảm nguy cơ đụng độ vũ trang ở Biển Đông.

"Những lo ngại đã được bày tỏ về việc cải tạo đất, những phát triển gần đây, như các hoạt động và sự cố nghiêm trọng" ở Biển Đông, tuyên bố của chủ tịch tại hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Sáu. Tuyên bố nhấn mạnh "sự cần thiết phải duy trì và thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho" các cuộc đàm phán về quy tắc ứng xử.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi kêu gọi nhanh chóng nối lại đàm phán tại một cuộc họp báo hồi tuần trước.

Khối 10 quốc gia sẽ tổ chức Diễn đàn khu vực ASEAN vào mùa hè, gồm cả các bộ trưởng ngoại giao từ Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga và Nhật Bản, cũng như có thể tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á hàng năm vào mùa thu.

Hội nghị thượng đỉnh Đông Á là một diễn đàn quan trọng để ASEAN thảo luận về Biển Đông với các quốc gia lớn, mặc dù không rõ liệu các nhà lãnh đạo có thể gặp nhau trực tiếp hay không.

"Các cuộc gặp mặt trực tiếp truyền thống rất quan trọng đối với ngoại giao", Ngoại trưởng Indonesia Retno nói.

"Để thúc đẩy chương trình nghị sự ngoại giao của chúng tôi, trước tiên chúng tôi cần tập trung vào việc kiềm chế đại dịch trong biên giới của chúng tôi", một nguồn tin của ASEAN cho biết.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dam-phan-dinh-tre-lam-day-len-lo-ngai-ve-suc-manh-cua-trung-quoc-post84515.html