Đàm phán giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban đạt kết quả tích cực

Cuộc đàm phán giữa các phái đoàn của Chính phủ Afghanistan và phiến quân Taliban tại Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Trong cuộc đàm phán được tổ chức tại thủ đô Tehran của Iran, các phái đoàn của Chính phủ Afghanistan và phiến quân Taliban đã nhất trí cần phải chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhiều thập kỷ qua ở Afghanistan.

Cuộc gặp do Tehran làm trung gian được xem là cơ hội củng cố một giải pháp chính trị cho vấn đề Afghanistan.

Hãng Spunik (Nga) đưa tin trong một tuyên bố chung ngày 8/7, hai phái đoàn nêu rõ hai bên đã nhất trí về nguy cơ chiến tranh tiếp diễn cũng như thiệt hại mà chiến tranh sẽ gây ra đối với sự thịnh vượng của đất nước.

Hai bên khẳng định rằng "chiến tranh không phải là giải pháp cho vấn đề Afghanistan và tất cả các nỗ lực đạt được một giải pháp chính trị và hòa bình cần được chứng minh".

Tuyên bố còn nêu rõ cuộc đàm phán diễn ra trong "bầu không khí thân mật", đề cập tất cả các vấn đề "một cách chi tiết và rõ ràng".

Hai bên nhất trí tiếp tục đàm phán về một cơ chế cụ thể nhằm đạt được hòa bình lâu dài và xây dựng nhà nước Hồi giáo trong cuộc họp tiếp theo, dự kiến sẽ được tổ chức trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, phát biểu với các đại diện của Chính phủ Afghanistan và Taliban tham gia đàm phán tại Iran, Ngoại trưởng nước chủ nhà Javad Zarif khẳng định sẵn sàng hỗ trợ nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia Tây Nam Á này, đồng thời kêu gọi người dân và các chính trị gia Afghanistan đưa ra "các quyết định khó khăn" cho tương lai.

Theo ông, "giải pháp chính trị là lựa chọn tốt nhất" và "Iran sẵn sàng hỗ trợ quá trình đối thoại giữa các phe phái ở Afghanistan nhằm giải quyết cuộc xung đột và khủng hoảng hiện nay".

Trong diễn biến liên quan, hãng tin Reuters đưa tin một phái đoàn của văn phòng chính trị thuộc Taliban đã tới thủ đô Moscow của Nga trong ngày 8/7 để đàm phán, tuy nhiên không cung cấp thông tin chi tiết.

Trong khi đó, phát biểu cùng ngày 8/7 tại thủ đô Kabul, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani khẳng định quá trình chuyển tiếp chính trị tại quốc gia Tây Nam Á này "hiện đang ở một trong những giai đoạn phức tạp nhất".

Các nỗ lực thúc đẩy hòa đàm Afghanistan diễn ra trong bối cảnh quốc gia Tây Nam Á này đang chứng kiến làn sóng bạo lực gia tăng trong bối cảnh các binh sĩ nước ngoài rút khỏi nước này.

Ngày 8/7 là ngày thứ hai liên tiếp xảy ra đụng độ ác liệt giữa quân Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban tại TP Qala-i-Naw thuộc bang Badghis ở phía tây bắc, địa phương đầu tiên bị lực lượng Taliban tấn công tổng lực sau khi Mỹ rút số binh sĩ còn lại khỏi Afghanistan.

Hàng trăm binh sĩ chính phủ đã được triển khai tới thành phố này nhằm đối phó với lực lượng Taliban mà không có sự trợ giúp của không lực Mỹ.

Taliban đã chiếm đóng lại nhiều khu vực, chủ yếu ở miền Bắc - nơi sinh sống của các nhóm sắc tộc thiểu số.

Trong khi đó, chính phủ Afghanistan gần đây là mở chiến dịch tổng động viên quân, trang bị vũ khí cho dân thường và các lực lượng dân quân địa phương để đối phó với sự tấn công của Taliban.

Trước tình hình bạo lực leo thang ở Afghanistan, Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh Nick Carter cảnh báo hoàn toàn có khả năng nổ ra một cuộc nội chiến trong vòng chưa tới 6 tháng sau khi các lực lượng nước ngoài rút hết.

Trong diễn biến khác cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sứ mệnh quân sự của Mỹ tại Afghanistan sẽ kết thúc vào ngày 31/8 tới, gần 20 năm kể từ khi phát động cuộc chiến chống khủng bố tại quốc gia Nam Á này sau vụ tấn công khủng bố ở Mỹ ngày 11/9/2001.

Phát biểu với phóng viên tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden khẳng định quân đội Mỹ đã đạt được các mục tiêu tại Afghanistan, theo đó làm suy yếu mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và ngăn chặn nhiều cuộc tấn công nhằm vào Mỹ.

Ông Biden nhấn mạnh: "Chúng tôi đang kết thúc cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ" và sẽ hoàn thành trước ngày 31/8, sớm hơn thời hạn đặt ra ban đầu là ngày 11/9.

Lầu Năm Góc cho biết hiện kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan đã hoàn tất 90%. Theo ông Biden, Mỹ "không đến Afghanistan để xây dựng đất nước" và người dân Afghanistan cần phải tự quyết định tương lai của họ. Ông Biden khẳng định sẽ không gửi một thế hệ lính Mỹ khác tới tham chiến ở Afghanistan.

Ông nói: "Mỹ không thể tiếp tục theo đuổi các chính sách được tạo ra để phản ứng với tình hình thế giới 20 năm trước đây. Chúng ta cần đáp ứng những mối đe dọa hiện tại".

Thừa nhận rằng khả năng Afghanistan sẽ có một chính phủ đoàn kết kiểm soát được toàn bộ đất nước là rất khó khăn, song ông Biden bày tỏ tin tưởng Chính phủ Afghanistan hiện tại có năng lực duy trì hoạt động, cũng như tin tưởng năng lực của các lực lượng Afghanistan đã được Mỹ huấn luyện nhiều năm chống phiến quân Taliban.

Ông Biden cam kết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ chính phủ và các lực lượng an ninh Afghanistan sau khi rút quân khỏi nước này. Ông cũng cho hay Washington sẽ duy trì hiện diện ngoại giao tại Afghanistan, cũng như đảm bảo an ninh cho sân bay quốc tế Kabul và theo đuổi một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt bạo lực.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/260928/dam-phan-giua-chinh-phu-afghanistan-va-taliban-dat-ket-qua-tich-cuc.html