Đam Rông: Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP

Sản xuất nông nghiệp Đam Rông đã có những thay đổi theo hướng tích cực sau 15 năm phát triển, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn có sự thay đổi rõ rệt, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả và giá trị cao, từng bước nâng cao thu nhập cho nông hộ.

Áp dụng VietGAP giúp đầu ra sản phẩm của người dân Đam Rông ổn định hơn

Áp dụng VietGAP giúp đầu ra sản phẩm của người dân Đam Rông ổn định hơn

Ông Nguyễn Huy Thanh ở thôn Tân Tiến (xã Đạ Rsal) trồng hơn 4.000 cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP với hơn 10 loại, trong đó có 2 loại cho giá trị kinh tế cao, gồm 300 gốc bưởi da xanh đã cho thu hoạch với giá bán tại vườn khoảng 50 nghìn đồng/quả và 2.000 gốc chanh đào, giá 40 nghìn đồng/kg tại vườn. Trung bình mỗi năm từ cây ăn quả, gia đình ông Thanh thu lãi trên 500 triệu đồng. Ông Thanh chia sẻ: “Do cây cà phê trồng lâu năm nên già cỗi, hiệu quả không cao, hơn 4 năm qua, gia đình tôi đã chuyển 2 ha đất sang chăn nuôi, lấy phân bón cho cây trồng, đồng thời chọn những loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao để canh tác. Tất cả diện tích này tôi đều thực hiện theo quy trình VietGAP, nên chất lượng quả rất đảm bảo an toàn”.

Dựa trên nền tảng hiểu biết về nông nghiệp của mình cộng với tìm hiểu về thị trường nông sản an toàn, anh Phí Văn Thìn (ở thôn Trung Tâm, xã Phi Liêng) đã xây dựng nhà kính sản xuất, làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp ở đây. Anh Thìn cho biết: “Để làm kinh tế và nhất là làm kinh tế dựa trên nền nông nghiệp công nghệ cao thì kiến thức đơn thuần là chưa đủ. Sau những trăn trở đó, tôi đã quyết định vay vốn, thiết kế xây dựng một hệ thống nhà màng để sản xuất. Cuối năm 2018, tôi bắt tay thực hiện và chỉ trong một thời gian ngắn, vùng đồi núi heo hút ngày nào mọc lên 2 khu nhà kính, có diện tích 6 sào với khoản đầu tư trên 2 tỷ đồng. Nhiều loại rau như cà chua, ớt chuông, dưa leo baby... lần lượt được tôi đưa về trồng, cho thu nhập ổn định từ 100 - 120 triệu đồng/sào mỗi năm. Đặc biệt, để liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp nhằm đưa nông sản của mình vào hệ thống siêu thị, cửa hàng nông sản sạch, toàn bộ diện tích của gia đình tôi đều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, theo dõi nhật ký đồng ruộng được tích hợp trên điện thoại thông minh”.

Sau thành công với mô hình phát triển kinh tế của mình, anh Thìn mở rộng quy mô sản xuất và thành lập HTX Ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao Phi Liêng, hiện các thành viên HTX đang tiến hành trồng trọt với diện tích 3 ha theo tiêu chuẩn VietGAP (do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông hỗ trợ thực hiện), từ đó nông sản đạt chất lượng và liên kết tiêu thụ ổn định với doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông cho biết: Những năm qua, huyện đã tổ chức nhiều đợt tham quan để bà con nông dân học hỏi kinh nghiệm các mô hình phát triển kinh tế, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đưa các cây con giống mới vào sản xuất. Nhờ vậy nhiều hộ nông dân đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, từ năm 2018, ở xã Đạ Knàng, Phi Liêng xuất hiện mô hình sản xuất rau, quả theo hướng VietGAP có ứng dụng công nghệ cao, tạo năng suất, chất lượng và hiệu quả vượt trội so với việc canh tác sản xuất theo lối truyền thống.

Ngoài ra, việc lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm để hỗ trợ cây, con giống, vật tư phục vụ sản xuất từ nguồn ngân sách huyện và chương trình mục tiêu quốc gia, huyện cũng đã đầu tư hỗ trợ cho người dân thực hiện VietGAP. Qua đó, từ chỗ không có năm 2016 đến nay đã tăng lên 60 ha và ngày một tăng thêm, người dân tích cực chủ động sản xuất có liên kết với HTX và doanh nghiệp để từ đó nâng dần chất lượng cũng như ổn định về thị trường.

Ông Chính nói thêm, để nâng cao giá trị sản phẩm gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, trước mắt, huyện tập trung duy trì bền vững và mở rộng các vùng sản xuất, đưa vào các giống mới năng suất, chất lượng cao; đồng thời, tiến tới xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản sạch của địa phương. Để đạt được mục tiêu trên, ngành sẽ tập trung thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, gắn với tái cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bảo đảm phát triển bền vững, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả.

HOÀNG YÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202107/dam-rong-day-manh-san-xuat-nong-nghiep-theo-huong-vietgap-3070256/