Đắm say câu hát Soọng côĐến Tuyên Quang ăn gì?Những điểm đến hấp dẫnTinh hoa bánh trung thu truyền thốngVượt lên từ 'vực thẳm'Nghề làm đèn trung thu truyền thốngSản vật xứ Tuyên

Hát Soọng cô của người Sán Dìu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là một trong 26 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay, ở các xã Sơn Nam, Thiện Kế và Ninh Lai (Sơn Dương) là nơi những làn điệu Soọng cô vẫn được giữ gìn, hiện diện trong cuộc sống hàng ngày.

HỒN CỐT CỦA NGƯỜI SÁN DÌU

Chúng tôi đến thôn Cây Đa 1, xã Ninh Lai, được tham gia một lớp dạy chữ và hát Soọng cô cho các em nhỏ trên địa bàn xã do UBND xã phối hợp với CLB hát Soọng cô tổ chức. Lớp học chia thành 2 lớp học với 50 học sinh, diễn ra từ tháng 7 - 2019 đến nay, do ông Lục Văn Bảy chủ nhiệm và 3 thành viên trong CLB đứng lớp giảng dạy. Ông Bảy đang truyền dạy cho các em nhỏ bài hát “Ninh Lai đổi mới”. Thấy chúng tôi đến, ông niềm nở đón tiếp và nói, đồng bào dân tộc Sán Dìu luôn tự hào với giai điệu Soọng cô. Trong câu hát đằm thắm, dịu ngọt là ruột gan của người hát.

Ông Lục Văn Bảy, Chủ nhiệm CLB hát Soọng Cô xã Ninh Lai (Sơn Dương) dạy trẻ em đến chữ số bằng tiếng Sán Dìu.

Ông Lục Văn Bảy, Chủ nhiệm CLB hát Soọng Cô xã Ninh Lai (Sơn Dương) dạy trẻ em đến chữ số bằng tiếng Sán Dìu.

Rồi ông nhẹ nhàng kể cho chúng tôi và các em nhỏ nghe về truyền thuyết “Truyện quả bầu” nói về nguồn gốc dân tộc Sán Dìu. Thuở xa xưa, trời đất còn gần nhau, có một làng quê đông đúc trù phú soi bóng xuống dòng sông thơ mộng. Bỗng một hôm ông trời nổi giận, cho nước sông dâng cao làm chết muôn loài. Trong làng có hai người (chị và em trai họ) nhanh chân chui vào quả bầu khô, nổi lên theo dòng nước nên sống sót. Khi nước rút, vì trong vùng không còn ai, họ bèn lấy nhau, sinh nhiều con cháu làm cho người Sán Dìu hồi sinh trở lại. Tuy làng đông người nhưng toàn con cháu cùng huyết thống, không thể lấy nhau được nên phải sang làng khác tìm hiểu. Để bạn tình ở làng bên rung động, họ dùng tiếng hát diễn tả lòng mình. Hát Soọng cô ra đời từ đó và tồn tại cho đến nay.

Một giờ học hát do thành viên CLB hát Soọng cô xã Ninh Lai (Sơn Dương) hướng dẫn.

Một giờ học hát do thành viên CLB hát Soọng cô xã Ninh Lai (Sơn Dương) hướng dẫn.

Soọng cô là một thể loại hát ví, đối đáp gắn liền với sinh hoạt văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc Sán Dìu, gồm có 2 dạng thức, hát giao duyên gắn với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất và hát đối đáp trong ngày lễ hội, lễ cưới. Khi tiếng hát cất lên nghe dặt dìu, réo rắt, lúc ngân cao, lúc trầm bổng làm say mê lòng người, những câu hát ca ngợi tình yêu đôi lứa, vẻ đẹp thiên nhiên, tình yêu thủy chung vợ chồng, công lao ông bà cha mẹ, răn dạy con cháu sống có nhân, có đức…

Một buổi học viết chữ Sán Dìu của trẻ em xã Ninh Lai.

Một buổi học viết chữ Sán Dìu của trẻ em xã Ninh Lai.

Soọng cô được lưu truyền từ đời này sang đời khác, trở thành một nhu cầu tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người Sán Dìu. Lo lắng nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc mình sẽ bị mai một, ông Bảy cùng một số người cao niên trong CLB đã đứng lên dạy chữ và hát Soọng cô cho các cháu nhỏ.

GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA

Hiện nay, dân tộc Sán Dìu chiếm hơn 15% tổng dân số trên địa bàn huyện. Trong đó, các xã Sơn Nam, Ninh Lai, Thiện Kế có tỷ lệ Sán Dìu cao nhất. Đây cũng là 3 xã vẫn còn lưu giữ được làn điệu Soọng cô, những câu hát với ca từ mộc mạc, trữ tình làm say đắm lòng người. Hiện nay, đã có xã Ninh Lai và Sơn Nam tổ chức được các lớp dạy hát Soọng cô cho trên 100 em, độ tuổi từ 5-16, vào các ngày trong tuần, nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ông Hoàng Lục Thái, Chủ nhiệm lớp học của xã Sơn Nam nói, mở lớp dạy viết và hát Soọng cô là dạy cho các cháu biết cái chữ và làn điệu của đồng bào dân tộc mình. Mỗi cháu sẽ được CLB tài trợ cho vở và bút viết. Mỗi ngày thầy soạn bài theo giáo án của từng hôm như: Học đánh vần chữ cái; cách xưng hô tên, ăn uống, vật dụng; cách đếm từ 1 - 50, học hát về chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đổi mới… Mỗi một ngày là một điều mới mẻ giúp các em học sinh thêm hứng thú và gắn bó với lớp học. Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ niềm vui khi con em mình biết thêm chữ viết, lời ca của dân tộc, từ đó bồi đắp trong các em tình yêu quê hương, đất nước và tự hào với văn hóa truyền thống.

Ông Hoàng Lục Thái, Chủ nhiệm CLB hát Soọng cô xã Sơn Nam (Sơn Dương) dạy hát cho các em nhỏ thôn Đồng Cháy.

Ông Hoàng Lục Thái, Chủ nhiệm CLB hát Soọng cô xã Sơn Nam (Sơn Dương) dạy hát cho các em nhỏ thôn Đồng Cháy.

Em Nguyễn Bảo Duy, lớp 5A3, Trường Tiểu học Sơn Nam nói, được sự hướng dẫn của các thành viên trong CLB dạy hát, dạy chữ của dân tộc mình em và các bạn đã biết viết được nhiều từ mới theo tiếng dân tộc mình. Em sẽ cố gắng học thật giỏi, hát thật hay những ca khúc Soọng cô để luôn tự hào với các dân tộc khác về nét văn hóa đặc sắc của người Sán Dìu.

Tiết mục hát ru do học sinh xã Ninh Lai (Sơn Dương) biểu diễn tại buổi tổng kết lớp học.

Tiết mục hát ru do học sinh xã Ninh Lai (Sơn Dương) biểu diễn tại buổi tổng kết lớp học.

Em Trịnh Thị Tâm, thôn Hội Tân, xã Ninh Lai chia sẻ, em tham gia lớp học đã được gần 2 tháng. Đến đây em được các thành viên trong CLB dạy hát nhiều làn điệu Soọng cô. Vào năm học mới, em sẽ tích cực tham gia vào đội văn nghệ và biểu diễn hát Soọng cô để thầy, cô giáo và nhiều bạn biết đến nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Sán Dìu chúng em.

Bên cạnh đó, các CLB còn tổ chức cho các em học sinh tham gia giao lưu tại địa phương, các xã bên và các tỉnh bạn. Vừa qua, CLB hát Soọng cô xã Ninh Lai đã đưa một số em học sinh trong lớp học tham gia Liên hoan hát Soọng cô tổ chức tại Quảng Ninh và giành được giải xuất sắc với tiết mục "Hát ru em". Đây cũng là động lực để các em thêm yêu và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Minh Thủy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/media/e-magazine/dam-say-cau-hat-soong-co-122464.html