Đám tang nghệ sĩ và sự phấn khích từ đám đông
Phải dùng chính xác từ 'phấn khích', tất nhiên là trong ngoặc kép để nói về không khí ồn ào xung quanh những đám tang nghệ sĩ thời gian gần đây.
Có tiếc thương không? Có. Có đau xót không? Có. Nhưng có "phấn khích", "náo nhiệt" như kiểu đang tham dự một lễ hội nào đó không? Rất tiếc là có nốt. Có quá nhiều gương mặt được nhận ra một cách rõ rệt hơn sau đám tang những nghệ sĩ. Sự ồn ào đã quá mức cần thiết, thay vì lặng lẽ, nghiêm cẩn tỏ lòng tiếc thương họ.
1. Tôi không biết đã đếm được bao nhiêu bài viết trên các phương tiện truyền thông về đám tang của nghệ sĩ hài Chí Tài và những câu chuyện xung quanh cuộc đời nghệ sĩ này, cùng những chia sẻ của các diễn viên, nghệ sĩ khác, về những kỷ niệm của họ với người quá cố. Không ai vi phạm pháp luật ở đây hết, chia sẻ những câu chuyện đó cũng không có gì thuộc phạm trù đạo đức cần phải lên án.
Nhưng, có một chữ "nhưng" ở đây, như là cái gì đó không biết đặt thành tên, nó gờn gợn, nó ám ảnh, khi tự đặt mình trong vai trò là người thân của người quá cố thì sẽ như thế nào? Chắc chắn là rất mệt mỏi, thậm chí phiền toái bởi chưa chắc những gì được chia sẻ đã đúng 100%.
Nhưng tần suất dày đặc của các bài báo cũng không ám ảnh bằng hàng nghìn facebooker livestream đám tang của nghệ sĩ, chia sẻ những hình ảnh lẽ ra cần phải giữ bí mật vì nó thuộc phạm vi được bảo vệ vì xâm phạm hình ảnh riêng tư. Rất tiếc trong số ấy lại có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng được công chúng mến mộ lâu nay. Điều này đã gây nên những phản ứng gay gắt từ những nghệ sĩ chân chính và những công chúng tử tế, biết lắng lại một giây để nhìn nhận sự việc chứ không hùa theo đám đông.
Chưa hết, ăn theo đám tang này đáng lên án nhất phải kể đến một số kẻ đã có những hình ảnh và bình luận thiếu ý thức nếu không muốn nói là vô đạo đức. Trong khi tâm trạng của gia đình người quá cố còn đang rối bời, thì có những kẻ lợi dụng đám tang để câu view, câu like, mong được tăng lượng theo dõi, thậm chí bỡn cợt, chế giễu, trách móc... người thân của nghệ sĩ, thậm chí họ biết sẽ nhận được phản ứng phẫn nộ của người hâm mộ nhưng họ vẫn làm thế chỉ vì mục đích được nổi tiếng, được nhiều người biết đến hơn, phục vụ lợi ích cá nhân của mình. Đó là hành động gây bất nhẫn, xúc phạm người quá cố cũng như những người thân và công chúng yêu mến họ.
Điển hình trong số này là một kẻ khá nổi tiếng trên các trang mạng xã hội, quản lý một phòng tập gym, đã có livestream và có những lời lẽ xúc phạm, suy đoán vô căn cứ một số tình tiết của đám tang mà tôi không tiện nêu ra đây, cũng như nói liên thiên sai sự thật về chuyện tình cảm riêng tư giữa vợ chồng nghệ sĩ Chí Tài.
Ngay lập tức, kẻ này đã nhận được sự phẫn nộ từ rất đông nghệ sĩ cũng như người hâm mộ. Kết cục của những phát ngôn câu view rẻ tiền đó là một đoàn nghệ sĩ nổi tiếng đã đến "hỏi thăm", livestream những lời xin lỗi của kẻ này, như một cách bảo vệ người quá cố và lấy lại danh dự cho anh.
Nhưng ngược lại, một bộ phận dư luận cũng ngay lập tức không ủng hộ cách hành xử của những nghệ sĩ này, bởi nó hơi nghiêng về "luật rừng". Có người nhận xét, cách hành xử này càng tạo thêm những ồn ào không cần thiết bên cạnh một đám tang vốn đã quá "náo nhiệt".
Chúng ta đã được chứng kiến trên tất cả các phương tiện truyền thông, từ các báo chính thống, các trang mạng xã hội, lá cải cũng như lá ngón, hình ảnh của đám đông hiếu kì ồn ào náo nhiệt, tiếc thương thì ít mà cố đưa cái mặt mình vào ống kính thì nhiều.
Có kẻ vừa livestream đám tang vừa kêu gọi mọi người chia sẻ, bấm like và đăng ký theo dõi kênh, với một thái độ hớn hở, cực kỳ phản cảm. Nhiều người còn nhân cơ hội tranh thủ chụp ảnh với các nghệ sĩ nổi tiếng đến dự đám tang, dù nhiều nghệ sĩ trong số này tỏ ra khó chịu khi họ bị "cưỡng bức" vào trong khuôn hình.
2. Những ồn ào từ đám đông sau đám tang của nghệ sĩ Chí Tài chưa lắng xuống thì người ta tiếp tục phải chứng kiến những ồn ào trong và sau đám tang của ca sỹ Vân Quang Long. Vì anh này mất ở bên Mỹ nên nhiều kẻ không có cơ hội livestream đám tang của anh, nhưng không vì thế mà dư luận chịu im lặng.
Nếu như trong đám tang của nghệ sĩ Chí Tài, nhiều kẻ xưng danh nghệ sĩ bên Mỹ đã lợi dụng triệt để hình ảnh trong đám tang, thậm chí quay cận cảnh mặt người quá cố để phục vụ mưu đồ cá nhân và sau đó livestream tranh cãi, xỉ vả nhau về chuyện hậu sự, thì câu chuyện cuộc sống riêng tư của ca sỹ Vân Quang Long lại được khai thác theo khía cạnh triệt để từ vợ cả, vợ hai đến người vợ bên Mỹ.
Từ việc tranh chấp giữa vợ cả vợ lẽ đến việc gia đình Vân Quang Long có chấp nhận hay không sự có mặt của người vợ lẽ cũng như hai đứa con chung của họ... đã được triệt để khai thác, khiến nhiều người có cảm nhận, không biết đây là đám ma hay là một cuộc tranh chấp về tình cảm, tài sản..
Vì thế, lẽ ra thay vì bày tỏ niềm tiếc thương thì nhiều người lại hướng đến một tư duy khác, một cách nhìn nhận khác về cuộc sống riêng tư của ca sĩ này và đưa ra những phán xét bất chấp đạo đức cũng như không tự đặt ra cho mình một giới hạn. Điều đó thực sự bất nhẫn!
Cuối cùng thì, người ta xem đám ma thì ít, chứng kiến những cuộc cãi vã, mổ xẻ, lên án nhau thì nhiều. Lẽ ra cần dành cho gia đình người quá cố một khoảng lặng và chia sẻ nỗi đau với họ, thì đằng này nhiều người lại chọn cách làm loạn câu chuyện bằng những thêm thắt, tự thổi dầu vào đám cháy.
Nghệ sĩ thì mục đích là để ăn theo sự nổi tiếng và dây máu ăn phần, như kiểu "nếu không có tôi thì đám tang không thành công". Còn những kẻ kiếm ăn trên các trang mạng xã hội nhân cơ hội cũng đu bám để được nổi tiếng hơn, để có nhiều người biết hơn, từ đó doanh thu cũng cao hơn. Một bộ phận còn lại là những kẻ rỗi việc, vô công rỗi nghề, hóng hớt hùa theo số đông, không để làm gì, chỉ để được hưởng cái không khí ồn ào, mà nói thẳng là hóng hớt... cho vui.
Dù là với mục đích gì thì cũng vô cùng đáng lên án!