Dân 2 nước Hàn – Trung tiếp tục tranh cãi nảy lửa vì kim chi
Giới chức Hàn Quốc vừa đưa ra hướng dẫn mới về một thuật ngữ và phiên âm món kim chi ra tiếng Trung Quốc. Động thái này đã nhận nhiều chỉ trích kịch liệt từ cộng đồng mạng Trung Quốc.
Một quầy bán hàng chục loại kim chi tại chợ Hàn Quốc. Ảnh: The Guardian/ Getty Images.
Cụ thể, trong một tài liệu đăng tải trên trang web của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc ngày 22/7, giới chức nước này cho biết họ đã quyết định dịch tên và phiên âm món kim chi sang tiếng Trung Quốc là “xinqi”.
Bản dịch mới dựa trên một nghiên cứu thực hiện vào năm 2013 của Bộ Nông nghiệp Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc. Nghiên cứu đã phân tích 4.000 âm thanh có liên quan trong tiếng Trung, so sánh cách phát âm giữa 8 phương ngữ khác nhau, đồng thời tham khảo ý kiến của các chuyên gia trước khi đưa ra kết luận rằng “xinqi” là bản dịch tiếng Trung thích hợp nhất, do trong tiếng Trung không có ký tự nào cho âm “ki” và “kim”.
Trước đó, cơ quan này đã từng đề xuất dùng từ “pao cai” để làm bản dịch và phiên âm tiếng Trung cho món kim chi, theo South China Moring Post.
“Bằng cách sử dụng từ ‘xinqi’ làm bản dịch tiếng Trung cho kim chi, chúng tôi hy vọng có thể phân biệt rõ ràng món kim chi của Hàn Quốc với pao cai của Trung Quốc”, thông báo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc viết.
Theo cơ quan này, chỉ thị mới sẽ được áp dụng cho các trang web, tài liệu quảng cáo của chính phủ, chính quyền địa phương nhưng không có tính bắt buộc đối với tư nhân.
UNESCO thêm kimjang (hành động muối kim chi) vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2013. Ảnh: Zila.
Trước đó, vào tháng 12/2020, Bắc Kinh nhận được chứng nhận từ Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) cho pao cai – vốn là một món rau ngâm xuất xứ từ Tứ Xuyên.
Tuy nhiên, tờ Global Times của Trung Quốc vào thời điểm đó đưa tin đây là “tiêu chuẩn quốc tế về ngành công nghiệp kim chi do Trung Quốc dẫn đầu”. ISO sau đó đã bác bỏ tuyên bố trên, đồng thời làm rõ rằng chứng nhận được cấp cho món pao cai, không phải kim chi.
Thông báo trên đã khơi lại cuộc tranh cãi dai dẳng giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, thậm chí làm ảnh hưởng đến thương mại và chính trị giữa hai nước, theo South China Moring Post.
Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, chủ đề về quyết định dịch kim chi là xinqi của giới chức Seoul đã thu hút hơn 160 triệu lượt xem với nhiều ý kiến trái chiều về cách gọi mới này.
Truyền thông Hàn Quốc cũng cho rằng động thái nhận kim chi có xuất xứ từ Trung Quốc cũng phần nào thể hiện tham vọng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc. Thậm chí, Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cũng vào cuộc khi cho rằng tuyên bố tiêu chuẩn đã được ISO phê chuẩn “không hề liên quan đến kim chi”.
“Việc đưa tin paocai được cấp tiêu chuẩn ISO mà không đưa ra định nghĩa phân biệt kim chi với pao cai của Tứ Xuyên là không phù hợp”, Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc nhấn mạnh.
Liên Hợp Quốc dường như cũng đồng ý rằng kim chi là của Hàn Quốc, khi tổ chức văn hóa UNESCO thêm kimjang (muối kim chi) vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2013.
Thời điểm đó, cơ quan này cho rằng kimjang “là một phần thiết yếu của bữa ăn người Hàn Quốc, vượt qua khác biệt về đẳng cấp và vùng miền. Hành động kimjang tập thể cũng tái khẳng định bản sắc văn hóa của Hàn Quốc và là cơ hội tuyệt vời để tăng cường sự kết nối trong các gia đình”.
Trong khi đó, người dùng mạng Trung Quốc lại cho rằng họ có quyền nói món ăn này là của nước họ bởi tại Hàn Quốc – quốc gia mỗi năm tiêu thụ tới hai tấn kim chi – phần lớn nguyên liệu phải nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Nếu không đạt tiêu chuẩn, vậy thì đó không phải là kimchi”, một cư dân mạng chia sẻ trên Weibo cho hay. “Ngay cả cách phát âm kim chi cũng bắt nguồn từ tiếng Hán, không có gì để bàn cãi nữa”.
Kim chi là một món ăn kèm làm từ bắp cải lên men và bột ớt. Trong tiếng Trung Quốc thường có tên gọi là pao cai. Tuy nhiên, pao cai cũng là một món rau muối chua của tỉnh Tứ Xuyên có điểm tương đồng với kim chi, nhưng khác nhau về nguyên liệu và cách chế biến.
Sự không rõ ràng giữa hai món ăn trên đã làm dấy lên những cuộc tranh cãi nảy lửa giữa cư dân mạng Hàn Quốc và Trung Quốc. Người dân cả hai nước đều tin rằng kim chi/pao cai là một phần di sản văn hóa của đất nước mình.