Dân chung cư và 101 giải pháp 'xua đuổi' virus Corona
Cư dân nhiều chung cư lo ngại nhiễm virus Corona sau khi các chuyên gia y tế khuyến cáo, virus Corona có thể lây qua đường tiếp xúc qua các bề mặt.
Quản lý nhân khẩu người nước ngoài
Tính đến đầu năm 2019, cả nước có khoảng 3.000 nhà chung cư cao tầng, trong đó tập trung chủ yếu ở thành phố Hà Nội và TP.HCM. Đây cũng là hai thành phố có tỷ lệ người nước ngoài đến sinh sống và làm việc, du lịch cao, trong đó có nhiều người Trung Quốc thuê nhà, văn phòng... trong các khu dân cư của người Việt Nam. Khi dịch bệnh viêm phổi do virus Corona đang diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều người dân sống tại các khu vực này không khỏi lo lắng, bất an.
Trên nhiều diễn đàn, nhóm cư dân tại các khu chung cư từ trung cấp đến cao cấp bày tỏ mong muốn ban quản trị tòa nhà, tổ dân phố thống kê và giám sát những cư dân là người Trung Quốc sinh sống và quay trở lại làm việc sau dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Không kỳ thị nhưng với những người tới từ vùng dịch cần được theo dõi kiểm tra sức khỏe, hạn chế rủi ro virus (nếu có) phát tán ra cộng đồng. Tại một số chung cư, ban quản lý, ban quản trị thông báo các trưởng tầng tổng hợp, báo cáo số lượng, quốc tịch những người nước ngoài thuê, sở hữu căn hộ tại tầng mình để có những biện pháp quản lý, giám sát và cách ly kịp thời. Trong khi đó, để đảm bảo nguồn lực tài chính để phòng chống dịch bệnh, các cư dân thực hiện đóng quỹ hay tự nguyện đóng góp để có thể thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh được kịp thời.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chủ tịch Công ty TNHH quản lý Tòa nhà Việt (Vietbuilding), đơn vị hiện đang quản lý khoảng 30 tòa nhà trên địa bàn thành phố Hà Nội và gần 10 tòa nhà tại TP.HCM, cho biết đơn vị đã thiết phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội cơ sở, tổ dân phố, kịp thời rà soát, phát hiện những đối tượng người nước ngoài sinh sống. Đơn vị cũng đã thiết lập những đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận những thông tin báo cáo về số lượng người nước ngoài đi, đến trong thời điểm này để có những biện pháp theo dõi, giám sát. Qua thống kê, tại các tòa nhà do đơn vị quản lý có một số người Trung Quốc sinh sống nhưng không có trường hợp nào đến từ Vũ Hán trong thời gian qua.
Tại nhiều quận trên địa bàn thành phố Hà Nội, chính quyền một số phường, quận cũng đã ban hành các quyết định tiến hành cách ly một số trường hợp là người vừa đến/trở về từ các quốc gia có dịch hay tiếp xúc với những người có nguy cơ nhiễm bệnh viêm phổi nCoV nhằm phòng chống sự lây lan dịch bệnh. Đến nay, tại Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với virus nCoV.
Tổng vệ sinh, khử trùng tại các tòa nhà chung cư
Hiện nay, điều kiện thời tiết tại Hà Nội trời lạnh, nhiệt độ thấp nên nhiều cư dân lo ngại virus Corona có thể tồn tại và lây nhiễm. Chị Hoàng Thị Ly lo lắng: “Hàng ngày có quá nhiều người đi lại, sử dụng thang máy nên nguy cơ lây nhiễm bệnh từ thang máy rất cao.”
Sự lo lắng của Chị Ly là hoàn toàn có thể hiểu, khi mà dịch SARS năm 2003 đã làm hơn 321 người sống tại Block E, chung cư Amoy Garden (Hong Kong) bị nhiễm bệnh mặc dù không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người với người. Các chuyên gia y tế sau đó đã xác định, virus đã lây nhiễm thông qua hệ thống nước thải và thang máy.
Để đối phó với tình hình này, nhiều tòa nhà đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Ban quản trị và ban quản lý tòa nhà chung cư XM (quận Hà Đông, Hà Nội), đã tiến hành khử trùng, phun Cloramin B tại các khu vực nhà để xe, hành lang, thang máy, đồng thời bố trí nước rửa tay sát khuẩn trong thang máy.
Chị Nguyễn Thị L, nhân viên vệ sinh một tòa nhà chung cư trên địa bàn quận Thanh Xuân cho biết, từ mấy ngày nay, khi tiến hành vệ sinh hành lang, chị đều phải sử dụng nước tẩy Javel, bảng điều khiển thang máy được lau bằng nước sát khuẩn hàng ngày.
Bác Nguyễn Thị Hà, ở chung cư CT2 Ngô Thì Nhậm (Hà Đông), cho biết ban quản lý tòa nhà liên tục đọc trên loa phát thanh hàng ngày khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, súc họng bằng nước âm và giữa gìn vệ sinh tay chân sạch sẽ nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Tại chung cư này cũng tiến hành khử trùng và vệ sinh sạch sẽ tại các khu vực để rác.
Một số chung cư thậm chí còn dán và bọc nilong tại các nút bấm thang, tay nắm cửa các căn hộ. Trong khi, đối với các chung cư cao cấp ở địa bàn quận Cầu Giấy còn bố trí máy đo thân nhiệt, đeo khẩu trang khi vào tòa nhà và kiểm soát người lạ ra vào. Còn tại chung cư 102 Thái Thịnh (quận Đống Đa) khuyến cáo cư dân không nên nói chuyện, nghe gọi điện thoại trong thang máy.
Bảng điều khiển thang máy được bọc nilong, vệ sinh thang máy và trang bị dung dịch rửa tay khử trùng ngay cửa thang máy ở nhiều chung cư nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus nCoV. Nguồn: Tiền Phong
Ông Tuấn cho biết, tại khu vực sảnh ra vào chung cư thuộc các dự án Vietbuilding đang quản lý đều được bố trí dung dịch rửa tay sát khuẩn. Chúng tôi yêu cầu thực hiện lau nước sát khuẩn 2 giờ một lần ở các khu vực nút thang máy, tay nắm và nút bấm mở cửa ở những căn hộ cao cấp.
Việc thu gom rác cũng được chú trọng khi Vietbuilding đã tăng số lượng nhân viên vệ sinh và tăng tần suất thu gom rác, không để rác ứ đọng. Đồng thời, công ty này cũng phối hợp với tổ chức xã hội, tổ dân phố kêu gọi dân cư giữ gìn vệ sinh, không vứt khẩu trang dùng một lần bừa bãi, cùng nhau chung tay để bảo vệ môi trường sống chung của cộng đồng. Đơn vị cũng trang bị các thiết bị như khẩu trang, găng tay cho đội ngũ nhân viên phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh.
Một số chuyên gia y tế cho rằng, các khu vực không gian chung của cộng đồng như vườn hoa, sân chơi, khu vực bể bơi… cũng cần phải được khử khuẩn, vệ sinh toàn bộ và phun thuốc sát khuẩn. Tại những khu vực này cũng nên dán thông báo, những pano những khuyến cáo của Bộ Y tế trong công tác phòng dịch. Cùng với công tác vệ sinh, cũng cần chú trọng đến công tác quản lý con người, đặc biệt những người lạ, những người nước ngoài không nắm rõ thông tin y tế, lịch trình cần được kiểm soát thông qua đội bảo vệ ngay từ sảnh, cũng như thông qua hệ thống camera giám sát.
Ngoài ra, các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương, ban quản lý các tòa nhà, tổ dân phố phối hợp với ngành y tế để phát hiện những người có dấu hiệu nghi ngờ bệnh hay người lạ di cư mới đến chưa được cách ly cần lập danh sách báo cáo với ngành y tế. Đồng thời, công bố và thông báo rộng rãi danh sách cán bộ y tế, y tá, điều dưỡng cùng số điện thoại ngay để người dân có thể gọi điện tư vấn trực tiếp khi cần thiết.
Những giải pháp này sẽ góp phần đảm bảo an toàn và giảm nguy cơ lây nhiễm virus nCoV.