Dần hiện thực hóa giấc mơ hạnh phúc

Tại Đại hội lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh đưa chỉ số hạnh phúc người dân vào nghị quyết để triển khai. Chưa từng có tiền lệ và chưa một địa phương nào đề cập tới trước đó, Yên Bái đã tiên phong đưa chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, thời điểm ấy nhiều người hoài nghi rằng Yên Bái có đang tự làm khó mình.

Các trường học nỗ lực xây dựng Trường học hạnh phúc. Trong ảnh: Giờ thể dục giữa giờ của các học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Các trường học nỗ lực xây dựng Trường học hạnh phúc. Trong ảnh: Giờ thể dục giữa giờ của các học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Thực tế qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, tỉnh tập trung thực hiện các mục tiêu phát triển đồng bộ, toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội; hướng mạnh vào mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, sự hài lòng và hạnh phúc cho nhân dân. Đến nay, chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn hiện đã đạt 62,57%, ở mức 2 - mức khá hạnh phúc. Yên Bái đang dần hiện thực hóa giấc mơ hạnh phúc.

Chỉ số hạnh phúc được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái như ngọn đuốc soi đường để toàn hệ thống chính trị, cùng cộng đồng các dân tộc trong tỉnh đồng lòng thực hiện. Quyết không là khẩu hiệu, những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được đưa ra rõ ràng trong Nghị quyết cho thấy Yên Bái sẵn sàng hiện thực hóa giấc mơ hạnh phúc.

Theo đó, chỉ số hạnh phúc được đánh giá dựa trên mức độ hài lòng của người dân Yên Bái trên 3 tiêu chí chính là: sự hài lòng về cuộc sống; sự hài lòng về môi trường sống; tuổi thọ trung bình và số năm sống khỏe của người dân. Những nghị quyết, đề án, chính sách riêng của Yên Bái được ban hành toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội...

Đặc biệt là sự quan tâm bố trí nguồn lực và ban hành các chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm phấn đấu xây dựng cuộc sống ngày càng hạnh phúc hơn.

Chỉ tính riêng trong năm 2022, kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá; tốc độ tăng GRDP đạt 8,62% (vượt kế hoạch đã đề ra là 7,5%), bình quân từ đầu nhiệm kỳ đạt 7,86%/năm, đứng thứ 3/14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Thu ngân sách năm 2022 đạt hơn 4.616 tỷ đồng, vượt 78,4% dự toán trung ương giao, tăng 5,5% so với năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 5,05%, vượt 1,05% so với kế hoạch. Số hộ giàu có tăng đáng kể, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã xuất hiện không ít những tỷ phú nhờ trồng rừng, trồng quế, chăn nuôi gia súc…

Mô hình bản hạnh phúc, tổ dân phố hạnh phúc xuất hiện ngày càng nhiều khắp nơi trong tỉnh đã và đang góp phần làm thay đổi nếp sống, tư duy của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Những miền quê đáng sống với cảnh quan, môi trường, nhà ở sạch đẹp, gọn gàng tạo tinh thần, sức khỏe tốt cho người dân; nhân dân trong làng, bản đoàn kết, chia sẻ trong cuộc sống hàng ngày, chung sống hài hòa với thiên nhiên, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, nhất là tinh thần hăng hái của người trẻ, những quy tắc trong bản vẫn được duy trì, giá trị văn hóa truyền thống được phát huy.

Mỗi "Bản hạnh phúc” đều đưa ra mục tiêu rất cụ thể để phấn đấu như: 100% các hộ gia đình trong bản được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 100% cống rãnh được khơi thông; đến năm 2025, trong bản có từ 5 - 10 mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả; 95% hộ thoát nghèo theo tiêu chí mới. Không những thế toàn tỉnh xây dựng được trên 500 câu lạc bộ "Gia đình hạnh phúc”…

Mỗi địa phương, mỗi ngành đều lựa chọn những phong trào phù hợp để góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, như: ngành y tế triển khai Phong trào thi đua "Bác sĩ tận tâm, bệnh nhân hạnh phúc” tại tất cả các cơ sở y tế; cán bộ, công nhân viên các cơ quan, đơn vị cũng sôi nổi xây dựng không gian làm việc xanh, lành mạnh, hạnh phúc; ngành giáo dục với Phong trào thi đua xây dựng "Trường học hạnh phúc”, "Lớp học hạnh phúc”, đến nay toàn tỉnh đã có gần 200 trường đạt tiêu chuẩn "Trường học hạnh phúc”...

Cùng với đó, ưu tiên khai thác những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc gắn với phát triển du lịch, từ đó khích lệ đồng bào các dân tộc thiểu số giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc và từng bước hạn chế, tiến tới xóa bỏ các tập quán lạc hậu.

Yên Bái hiện có 119 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng các cấp; trên 1.300 đội văn nghệ, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, đồng thời đẩy mạnh công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch…

Chỉ số hạnh phúc đã thực sự trở thành động lực, nền tảng tinh thần quan trọng, thể hiện quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ở Yên Bái, vì một mục tiêu chung đó là "tất cả vì hạnh phúc của nhân dân”.

Với niềm tin đó chắc chắn Yên Bái sẽ hoàn thành mục tiêu cuối nhiệm kỳ chỉ số hạnh phúc của người dân tăng 15% so với đầu nhiệm kỳ, xây dựng tỉnh Yên Bái thành "Tỉnh hạnh phúc”.

Thanh Vy

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/286367/dan-hien-thuc-hoa-giac-mo-hanh-phuc.aspx