Dân 'kêu trời' vì ô nhiễm từ các cụm công nghiệp ở Hải Phòng
Ô nhiễm khói bụi, khí thải độc hại từ các cụm công nghiệp hình thành tự phát ở Hải Phòng đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân
Cánh đồng thôn Thắng Lợi (xã An Hưng, huyện An Dương, Hải Phòng) rộng 28 ha bao quanh cụm công nghiệp Thắng Lợi; trong đó, hơn 20 ha đã đã bỏ hoang từ nhiều năm nay. Đoạn kênh cấp 2 vốn là nơi cung cấp nước tưới cho cánh đồng từ lâu đã trở thành nơi tiêu nước cho các nhà máy trong cụm công nghiệp. Nước đã đổi màu đen kịt, bốc mùi hôi. Một số thửa ruộng sát khu dân cư, bà con vỡ đất trồng màu nhưng sau mỗi lần các nhà máy trong cụm công nghiệp hoặc trời mưa, những luống rau cũng ngập trong nước thải đen ngòm.
“Con mương xả thải, nước đặc quánh. Gia đình tôi có cái ao thả cá, cá thường xuyên bị chết. Bà con canh tác không lấy nước ở đây thì cũng không biết lấy nguồn nước ở đâu để tưới. Gia đình tôi có cho rau này cũng không dám dùng. Nhà mình có ruộng canh tác ở đây giờ cũng bỏ không”- ông Trần Văn Ba, người dân thôn Thắng Lợi nói.
Không chỉ bỏ hoang ruộng đất do nguồn nước tưới không đảm bảo, bà con thôn Thắng Lợi (xã An Hưng), thậm chí cả người dân các xã Lê Thiện, Đại Bản (huyện An Dương) nằm sát cụm công nghiệp Thắng Lợi còn phải hứng chịu bầu không khí ô nhiễm do khí thải của các nhà máy trong cụm công nghiệp. Ngay trước cửa nhà bà Nguyễn Thị Đông, xóm Thắng Lợi, xã An Hưng là con mương chứa nước thải chảy trực tiếp từ cụm công nghiệp; mùi khí ga, mùi hôi bốc lên từ mương nước, xộc thẳng vào nhà, khiến nhà bà lúc nào cũng đóng kín cửa.
“Ở đây, chúng tôi rất cực khổ. Mỗi lần khu công nghiệp nấu nhựa, người dân rất ngột ngạt. Bên cạnh đó, nước thải tràn xuống, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của người dân. Thải nước thì phải đào mương, đậy nắp cẩn thận, trời nắng, bốc mùi lên, dân rất khó chịu. Mỗi trận mưa to, nước ngập trắng băng”- bà Đông chia sẻ.
Theo lãnh đạo UBND xã An Hưng, gọi là “cụm công nghiệp Thắng Lợi” nhưng thực ra chỉ gồm một vài nhà máy nhỏ lẻ sản xuất hàng may mặc, đệm mút, được hình thành tự phát cách đây vài năm. Các nhà máy này nằm xen kẽ với khu dân cư, chưa có hệ thống xử lý nước thải riêng biệt mà đều xả thải trực tiếp vào hệ thống kênh thủy lợi của địa phương. Ông Trịnh Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND xã An Hưng thừa nhận thực tế: Một số doanh nghiệp trong cụm công nghiệp còn cho đơn vị khác thuê lại mặt bằng, nhà xưởng để sản xuất nên việc giám sát xả thải của các doanh nghiệp càng gặp khó khăn.
“Doanh nghiệp nhỏ lẻ nên quản lý xả thải rất khó khăn. Khu công nghiệp thì còn có nhà máy thu gom, xử lý nước thải; còn một số nhà máy nhỏ lẻ, không theo cụm công nghiệp nên công tác thu gom, hệ thống nước thải cũng như nước mặt cũng rất là khó xử lý. Để công tác quản lý trên địa bàn tốt, chúng tôi đề nghị sau khi các công ty được thuê đất phải chấp hành đúng quy định của pháp luật, phải thông qua địa phương để địa phương nắm được để quản lý tốt hơn”- ông Quý cho biết.
Các quận, huyện của thành phố Hải Phòng hiện đều có những cụm công nghiệp hình thành tự phát, xen kẽ với các khu dân cư. Trên địa bàn quận Kiến An có 3 cụm công nghiệp: Đồng Hòa, Lãm Hà, Quán Trữ; trong đó chỉ có cụm công nghiệp Quán Trữ được công nhận. Tuy nhiên, ngay cả cụm công nghiệp Quán Trữ cũng không có cơ sở hạ tầng đồng bộ, không có ban quản lý chung mà thuộc sự quản lý của nhiều cấp, nhiều ngành, như: UBND quận, ngành Tài nguyên – Một trường, Công thương… Chính sự chồng chéo này đã khiến cho việc quản lý, giám sát hoạt động xả thải của các nhà máy càng bị buông lỏng.
Theo bà Hoàng Thị Mai Quyên, Phó Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường quận Kiến An, do không có không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tại các cụm công nghiệp không thể lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động; thậm chí, việc quan trắc định kỳ cũng là một khó khăn.
“Nguồn kinh phí để thực hiện quan trắc định kỳ cũng là một khó khăn đối với Kiến An và các quận huyện trên địa bàn Hải Phòng nói chung. Hiện việc cấp phép xả thải yêu cầu phải có giấy tờ một cách hợp pháp, nhưng một số doanh nghiệp đã hoạt động ổn định lâu dài, thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ nhưng chưa được Nhà nước cấp phép sử dụng đất một cách hợp pháp. Hiện nay, cũng đã đầu tư công trình xử lý nước thải nhưng chưa được cấp phép hồ sơ xả thải theo quy định”- bà Hoàng Thị Mai Quyên cho biết.
Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 của UBND thành phố Hải Phòng, đến năm 2020 sẽ đưa ra khỏi quy hoạch 18 cụm công nghiệp không phù hợp với quy mô và điều kiện phát triển; đối với các cụm công nghiệp phát triển ổn định, đảm bảo sẽ được đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung…
Từ nay đến thời điểm đó, chính quyền, các cơ quan chuyên môn của thành phố Hải Phòng, các quận, huyện cần có sự quản lý, kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với hoạt động xả thải, xử lý nước thải của các doanh nghiệp, cụm công nghiệp, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và sức khỏe của người dân./.