'Dân khùng' biến rác thành những tác phẩm nghệ thuật

Từ những tác phẩm nghệ thuật được làm từ phế liệu và rác thải, Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân đã lan tỏa ý nghĩa bảo vệ môi trường đến cho du khách trong và ngoài nước khi đến với phố cổ Hội An.

Đam mê sáng tác nghệ thuật từ phế liệu, rác thải

Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân (sinh năm 1984, trú tại phố cổ Hội An, Quảng Nam) được người dân thành phố Hội An đặt cho biệt danh “Dân khùng”, “Dân đồ vá” bởi phong cách nghệ thuật “lạ” của mình. Những tác phẩm của anh được sáng tác từ phế liệu, rác thải và “tái sinh” những thứ bỏ đi ấy trở thành những đồ vật hữu ích cho cuộc sống.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân đang “tái sinh phế liệu” thành những tác phẩm nghệ thuật.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân đang “tái sinh phế liệu” thành những tác phẩm nghệ thuật.

Trải qua tuổi thơ đầy cơ cực, từ bé đã sống trong trại mồ côi, lang thang khắp nơi kiếm cái ăn, cái mặc đã “tình cờ” đưa cậu bé phố Hội ngày ấy đến gần hơn với hội họa. Ở thành phố cổ thơ mộng ấy, cậu bé Nguyễn Quốc Dân đã bắt đầu chập chững bắt chước các họa sĩ và anh chị sinh viên các trường Mỹ thuật thường đến Hội An vẽ với lòng say mê như chảy trong máu thịt.

“Thành phố bé nhỏ này làm thức tỉnh lòng đam mê hội họa của tôi với rất nhiều lần tôi lang thang ngoài phố để ký họa nhiều góc phố và con người nơi đây. Với tôi, năm tháng tuổi thơ của mình là những dây màu thú vị và đầy sắc màu… không gì thay thế được và rất hạnh phúc khi chính cuộc đời mình có những “chuyến xe cuộc đời” đầy thú vị” họa sĩ Nguyễn Quốc Dân chia sẻ.

Theo họa sĩ, chính bởi vì còn nhỏ hay lượm ve chai, phế liệu ở những bãi rác để có tiền trang trải cho cuộc sống “tha hương cầu thực của mình”, nuôi sống anh qua những ngày giông bão. Điều đấy đã hình thành nguồn cảm hứng mà anh nung nấu từ rất lâu, là sáng tác nghệ thuật từ phế liệu và rác thải. “Hàng ngày tôi tìm phế liệu, ăn với phế liệu, chơi với phế liệu, ngủ với phế liệu tôi quen rồi… nên phế liệu nó “ám” tôi cho tới tận bây giờ” họa sĩ Nguyễn Quốc Dân cười.

Một trong những tác phẩm độc đáo từ phế liệu của người họa sĩ mang biệt danh “Dân khùng” này.

Một trong những tác phẩm độc đáo từ phế liệu của người họa sĩ mang biệt danh “Dân khùng” này.

Nghĩ là làm, người họa sĩ đã bắt tay vào thuê đất, làm xưởng từ rất nhiều vật liệu cũ như sắt gỉ, tôn cũ, nhôm, nhựa… để tạo nên một không gian triển lãm những tác phẩm từ phế liệu rộng 1.000m2. Xưởng Tôn Cũ - Art Studio hay “Bảo tàng phế liệu” – cách mà anh hay gọi được khởi xướng thực hiện từ đầu năm 2020, đến nay cơ bản đã hoàn thành.

Bên trong “Bảo tàng phế liệu” trưng bày những tác phẩm phế liệu của anh tại thành phố Hội An.

Bên trong “Bảo tàng phế liệu” trưng bày những tác phẩm phế liệu của anh tại thành phố Hội An.

Trong không gian nhà xưởng, hầu như những đồ nội – ngoại thất đều được tạo thành từ những tác phẩm tái chế, đồ phế liệu như một lời khẳng định về tầm quan trọng của đồ cũ, không phải đã qua sử dụng là sẽ bỏ đi mà còn có thể tận dụng, góp phần thay đổi nhận thức về việc tái sinh phế liệu, bảo vệ môi trường sống.

“Mượn” phế liệu để lan tỏa ý nghĩa cuộc sống

Là một nghệ sĩ độc lập theo đuổi dòng tranh “Phi lập thể” trong nhiều năm, họa sĩ Nguyễn Quốc Dân đã gây dấu ấn với các triển lãm cá nhân như Phi lập thể (2011), Phi lập thể đa sắc (2012), Phi lập thể phấn (2014), Phi lập thể chân dung (2016)… Chính những buổi triển lãm với những tác phẩm để lại tiếng vang lớn trong làng mỹ thuật Việt, giúp đỡ anh đến gần hơn với hành trình lan tỏa hành động giảm thiểu rác thải ra môi trường.

Du khách chiêm ngưỡng những tác phẩm độc đáo của họa sĩ tại Bảo tàng phế liệu

Du khách chiêm ngưỡng những tác phẩm độc đáo của họa sĩ tại Bảo tàng phế liệu

“Bảo tàng phế liệu” tại thành phố Hội An của anh thu hút lượng lớn người trẻ trong nước cũng như du khách quốc tế tìm về để ngắm nhìn những tác phẩm, hay thậm chí chung tay vào công đoạn chế tác, tạo hình những tác phẩm từ phế liệu ấy. Bên cạnh đó, anh còn tổ chức nhiều “tour du lịch nhặt rác” đem lại sự thích thú lớn cho du khách.

Lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường từ những hành động tưởng như đơn giản

Lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường từ những hành động tưởng như đơn giản

“Cái hay ở đây là sự hy vọng lan tỏa đến với cộng đồng quốc tế không những ngay tại vùng đất Hội An mà trên cả nước đến với cộng đồng quốc tế. Nhằm góp một phần nhỏ bé của mình cùng chung tay với xã hội giảm thiểu rác thải ra môi trường bằng các loại hình “nghệ thuật tái sinh” hữu ích tạo cho phế liệu hay rác thải một một đời sống khác thú vị hơn, đầy tính nhân văn” họa sĩ Nguyễn Quốc Dân chia sẻ.

Hành động của anh được bạn bè trong nước và quốc tế đón nhận nhiệt tình

Hành động của anh được bạn bè trong nước và quốc tế đón nhận nhiệt tình

Các hoạt động nghệ thuật của họa sĩ đã lan tỏa và được công chúng đón nhận, đóng góp cho xã hội một góc nhìn “hoạt động nghệ thuật” phong phú và trong đó có sự chia sẻ những khó khăn về vật chất, tinh thần đến với người dân. Những hành động vì môi trường của anh như dự án “Tàn dư khởi sắc”, họa sĩ cùng các cộng sự đã dành hàng tháng trời để nhặt những chiếc giày, chiếc dép trôi dạt, nằm lăn lóc khắp các bãi biển Hội An, Cù Lao Chàm, Núi Thành… để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật nhiều ý nghĩa. Hay dự án "Hẻm tái sinh", biến hẻm 11 Nguyễn Thái Học (TP Hội An) thành con đường nghệ thuật khi trưng bày những tác phẩm được tái sinh từ phế liệu và rác thải.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân trong cuộc hành trình vì cộng đồng của mình.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân trong cuộc hành trình vì cộng đồng của mình.

Bên cạnh đó họa sĩ Nguyễn Quốc Dân còn thực hiện những hoạt động vì cộng đồng, những dự án nghệ thuật như dự án “Thêu vá” nhằm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi và tàn tật Quảng Nam có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Trong đợt lũ lụt, dịch bệnh vừa qua, họa sĩ Nguyễn Quốc Dân cũng chung tay hỗ trợ đồng bào đang trong hoàn cảnh khó khăn qua những chuyến đi hỗ trợ nhu yếu phẩm, gạo, thuốc men…

Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân hy vọng mọi người cùng chung tay làm đẹp cho đời từ việc tái chế phế liệu và rác thải.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân hy vọng mọi người cùng chung tay làm đẹp cho đời từ việc tái chế phế liệu và rác thải.

“Chúng ta nên thử trải nghiệm việc tái chế những đồ vật cũ mà chúng ta định bỏ đi một cách rất ‘nghệ” thì cho dù gặp nhiều khó khăn hay trắc trở chỉ cần nhìn những thành quả đó chúng ta cũng cảm thấy cuộc sống này thật thú vị” họa sĩ Nguyễn Quốc Dân tâm sự.

Đức Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dan-khung-bien-rac-thanh-nhung-tac-pham-nghe-thuat-176670.html