Dân làm theo 'túi tiền' của trưởng thôn

'Vừa rồi, tôi mới thu hoạch vụ cà phê đầu tiên được 30 triệu đồng, mỗi tháng đi cạo mủ cao su được thêm 20 triệu đồng, rồi thu hoạch mì (sắn) 50 triệu đồng, hạt điều 100 triệu đồng,.... Có tiền, tôi mua được miếng đất chiều ngang mặt đường 30m, chiều dài 60m để cho con làm nhà' - Ông Ksor Men, 44 tuổi, Trưởng thôn Làng O, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai ngồi dưới rẫy cà phê nhẩm tính thu nhập với tôi.

Ông Ksor Men chăm sóc cây cà phê.Ảnh: Hải Luận

Ông Ksor Men chăm sóc cây cà phê.Ảnh: Hải Luận

Trưởng thôn làm trước, dân làng làm sau

Số tiền thu nhập trên dưới 200 triệu đồng trong một năm đối với người đồng bào dân tộc ở biên giới xa xôi được xem là “kiểu mẫu”, thể hiện cả chuỗi ngày dài lao động cần cù. “4 giờ sáng, tôi thức dậy đi cạo mủ cao su, 6 giờ về ăn cơm, đi làm đổi công, 11-12 giờ đi thu mủ cao su và chở đi bán, rồi quay về nhà ăn cơm trưa, nghỉ một chút, 2 giờ chiều đi làm tiếp. Tôi làm trưởng thôn phải lên xã họp lĩnh hội chương trình, kế hoạch liên miên, rồi quay về họp dân triển khai công việc. Tôi thường xuyên đến từng nhà vận động, đôn đốc bà con thực hiện cho tốt mọi chủ trương. Làng O của mình đã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của xã rồi, nên cán bộ là phải làm việc suốt ngày, không có ngày nghỉ” - Ông Men vừa nói, vừa đưa hai bàn tay chai sạn lên “khoe” thành tích.

Đứng ở mảnh đất trồng 1.000 cây cà phê thu hoạch vụ thứ 3, ông Men đang cắt tỉa cành chuẩn bị bón thúc phân cho ra hoa vụ mới, kế bên có 1.200 cây cao su đang cạo mủ thu hoạch hàng ngày, coi như có “đồng vô đồng ra”.

“Không phải tự nhiên mà tôi có thu nhập tiền chục, tiền trăm triệu đồng ở giữa vùng đất đồi cằn cỗi. Trước đây, tôi đi phát cây khai hoang làm rẫy, có rủ mấy người trong làng đi làm giống như tôi, họ không đi, còn nói: “Làm việc đó không có tiền đồ” đa phần ở nhà uống rượu. Nhà mình nghèo không có gì ăn, chỉ có cà muối ăn với rau, mì, làm quần quật suốt ngày, khai hoang ra 1 hécta đất đồi trồng được cây sản xuất trên đất mất rất nhiều thời gian” - Ông Men nhớ lại.

Những loại cây công nghiệp, thời gian thu hoạch có “tiền chợ” phải mất 3 - 5 năm. Hết tiền ăn, ông Men đi làm thuê cho nông trường của Binh đoàn 15, vừa kiếm tiền mua gạo, vừa âm thầm học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su, cà phê. Ông trồng xen cây mì và mấy loại cây ngắn ngày giải quyết cái ăn trước mắt, để có sức “nuôi” cao su, cà phê, điều,... lâu ngày có sản phẩm thu hoạch.

Những thửa đất làm ban đầu đã có thu nhập, ông Men tiết kiệm tối đa chi tiêu, gom góp tiền vốn đi mua thêm đất rẫy, mở rộng quy mô sản xuất, đến hôm nay vốn liếng gần 10 hécta, trồng các loại cây kinh tế cho doanh thu khá.

“Mình làm trưởng thôn, người dân trong làng nhìn vào thu nhập của mình để họ làm theo. Mấy người không khai hoang làm rẫy, bây giờ họ không có đất, hoặc đất ít. Tôi cần cù đi làm hơn 20 năm nay, bây giờ nhà tôi xếp vào danh sách những hộ có nhiều đất nhất làng. Hiện nay, bà con nghe tôi nói, tham gia phong trao đổi công chăm sóc vườn cây cho năng suất cao, như hộ ông Ksor Voanh có hơn 1.000 cây cao su, Ksor Hoan có 1.000 cây cà phê, Plui Mich hơn 1 hécta cao su...” - Ông Men tâm sự từ đáy lòng mình.

Cách làm đổi công ở làng ông Men rất hay, họ lập ra từng nhóm từ 4 - 6 lao động, vào thời vụ thu hái cà phê, cắt cành, làm cỏ... Cả nhóm tập trung lại làm 1 nhà cho hết việc, sau đó chuyển sang nhà khác làm. Ông Ksor Voanh tâm sự: “Người nào lười biếng “kẹp” vào những người siêng năng, họ phải cố làm theo. Người có nhiều kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi tốt, hướng dẫn cho người kinh nghiệm ít. Các nhóm đoàn kết nhau, thành cả làng đoàn kết, anh Men là người dẫn đầu phong trào cho người dân trong làng noi theo”.

“Chuyên gia” hòa giải vợ chồng đánh nhau

Ông Ksor Men làm Bí thư chi bộ và trưởng thôn, trong đó, làm trưởng thôn được 4 nhiệm kỳ, ông xin rút không làm, nhưng người dân vẫn đề nghị ông làm tiếp, lần bầu cử nào ông cũng đạt 100% phiếu bầu.

“Trong làng xảy ra chuyện gì, dân cũng tới nhà kêu trưởng thôn xuống giải quyết. Có vợ chồng đánh nhau ban đêm, bà vợ chạy đến kêu trưởng thôn xuống hòa giải, tôi ngồi nói chuyện chân tình với ông chồng hay đánh vợ. “Giảm uống rượu, siêng năng đi làm, giúp vợ nấu cơm, chăm sóc con đi học. Đánh vợ đâu có giàu, đâu có làm ra rẫy cao su, cà phê?”. Mình nói chuyện thẳng thắn, có nhiều người mới “vỡ lẽ” không đánh vợ nữa, chăm chỉ lao động. Trong làng, có một số gia đình thường xuyên hục hặc nhau, tôi phải đến nói chuyện nhiều lần, phân tích thực tế chuyện làm ăn ở làng, rồi tình yêu thương, gắn bó vợ chồng. Mình lấy “cái tình” và “cái thực tế” để hòa giải người dân trong làng, ai cũng ưng cái bụng” - Ông Men giãi bày.

Hằng ngày, ông Ksor Men vẫn đi cạo mủ cao su để lấy tiền công. Ảnh: Hải Luận

Hằng ngày, ông Ksor Men vẫn đi cạo mủ cao su để lấy tiền công. Ảnh: Hải Luận

Trưởng thôn thường hay đi cùng với cán bộ Đồn Biên phòng Ia O, BĐBP Gia Lai, đến từng nhà vận động bà con tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, chăn nuôi phát triển kinh tế... Cách thức vận động quần chúng, kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt hay chuyện thực hiện kế hoạch hóa gia đình đều được ông Men “chèn” vào lúc ngồi ăn đám giỗ, đám cưới hoặc lễ hội của làng... Trong làng, đa số mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 2 con, nhà nào cũng có trách nhiệm lo cho lớp nhỏ học hành tốt hơn, một số cháu học đến đại học.

“Ông Men là người có uy tín, gương mẫu, được người dân trong làng tin tưởng. Ông làm kinh tế giỏi, hướng dẫn cho nhiều gia đình làm theo, ông cũng vận động bà con hiến đất làm đường giao thông. Chi bộ do ông Men làm bí thư nhiều năm đạt trong sạch vững mạnh, được Huyện ủy tặng Giấy khen. Làng O đã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của xã Ia O” - Ông Rơ Mah Jem, Phó Chủ tịch UBND xã Ia O nhận xét.

Hải Luận - Cẩm Xuyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dan-lam-theo-tui-tien-cua-truong-thon-post437629.html