Dân Mỹ lại đổ xuống đường vì màu da
Một tuần sau vụ đụng độ vì tư tưởng thượng tôn da trắng ở Virginia khiến một phụ nữ thiệt mạng, phong trào biểu tình và phản biểu tình đã lan sang Boston vào cuối tuần qua khi phe cực hữu và phe chống cực hữu cùng xuống đường để thể hiện chính kiến. Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục hứng tổn thất vì cách ông phản ứng với làn sóng xuống đường vì màu da.
Nhóm người ủng hộ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa tổ chức cuộc tụ tập hôm 19/8 và mời nhiều diễn giả đến nói chuyện nhưng bị cảnh sát hạn chế trong một khu vực của công viên Boston Common để cách ly khỏi phe biểu tình phản đối. Chính quyền thành phố cố tránh lặp lại vụ đụng độ đẫm máu ở thành phố Charlottesville, bang Virginia tuần trước khiến 1 phụ nữ thiệt mạng.
Cảnh sát ước tính, có đến 40.000 người tập trung trên các tuyến phố quanh công viên cổ nhất của Mỹ. Giới chức địa phương mất cả tuần để lên kế hoạch bảo đảm an ninh cho sự kiện này, huy động 500 cảnh sát, đặt nhiều rào chắn và triển khai nhiều xe tải lớn màu trắng dọc các con phố quanh công viên để ngăn chặn lặp lại kiểu tấn công bằng xe như đã xảy ra ở Charlottesville và châu Âu.
Cuộc tập trung của những người cực hữu chỉ thu hút vài chục người, và những diễn giả của nhóm này không thể truyền tải được bài phát biểu của mình đến người nghe vì tiếng la hét của phe phản đối và hành lang an ninh rất rộng giữa hai nhóm. Cuộc tập trung của phe cực hữu kết thúc một giờ sớm hơn dự kiến. Phe phản đối vây quanh nhóm cực hữu và la hét những từ như “đáng xấu hổ”, “về nhà đi”…, rồi thỉnh thoảng ném chai nhựa về phe kia. Cảnh sát phải hộ tống nhiều người tham gia cuộc tụ tập của phe thiểu số, thỉnh thoảng phải vất vất đối phó những người biểu tình muốn chặn đường họ.
Dù nổi tiếng là một trong những thành phố tự do nhất ở Mỹ, Boston cũng có lịch sử bạo lực vì kỳ thị chủng tộc, đáng kể nhất là những cuộc bạo động phản đối phân tách trường học trong những năm 1970.
Biểu tình cũng xảy ra ở bang Texas hôm 19/8. Tại Dallas, nơi bức tượng Robert E. Lee (thủ lĩnh đội quân ủng hộ chế độ nô lệ trong cuộc nội chiến Mỹ) vừa bị đập nát, khoảng 3.000 người tập trung quanh hội trường thành phố để phản đối tư tưởng thượng tôn da trắng. Một người đàn ông vẫy cờ Liên bang Mỹ nhanh chóng bị người biểu tình vây quanh và hét vào mặt: “Ông thật đáng xấu hổ”. Vài phút sau, cảnh sát phải hộ tống người này ra khỏi đám đông đang hò la.
Sức ép lên ông Trump
Bạo lực ở Charlottesville gây ra cuộc khủng hoảng trong nước lớn nhất mà Tổng thống Mỹ Donald Trump phải đối mặt cho đến nay, sau khi ông khiến nhiều người khó chịu vì không chỉ trích những người đề cao tư tưởng dân tộc da trắng và đã đổ lỗi cho cả hai phe biểu tình trong vụ việc ở Charlottesville.
Đối với bà Susan Bro, mẹ của người phụ nữ thiệt mạng trong cuộc đụng độ ở Virginia, những phát biểu của Tổng thống Mỹ không khiến bà cảm thấy an ủi. Bà nói rằng Nhà Trắng nhiều lần liên lạc với bà trong ngày tang lễ của con gái bà - cô Heather Heyer. Nhưng lúc đó bà Bro chỉ nghĩ đến việc ông Trump đổ lỗi “cả hai phe” biểu tình đã gây ra bạo lực ở Charlottesville. “Không thể xóa đi tất cả chỉ bằng cách bắt tay tôi và nói xin lỗi”, bà Bro nói trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình hôm thứ Sáu tuần qua.
Những khi xảy ra khủng hoảng hoặc thảm kịch, các tổng thống Mỹ thường lên tiếng kêu gọi người dân đoàn kết và nguôi giận, nhắc nhở họ nhớ đến những giá trị nhân văn, đến sợi dây gắn kết người Mỹ. Ông George W. Bush được nhớ đến với hành động leo lên đống đổ nát ở thành phố New York sau loạt khủng bố 11/9 để trấn an người dân. Ông Barack Obama hát bài “Amazing Grace” để ca ngợi vị linh mục da màu thiệt mạng trong vụ xả súng mang tính chất kỳ thị chủng tộc ở Charleston, bang Nam Carolina. Nhưng Tổng thống Trump có vẻ không phù hợp với nhiệm vụ này. Ông nói về chính trị trong những khoảnh khắc khác thường, và dường như ông vẫn hướng tới những người đã bỏ phiếu để đưa ông lên làm tổng thống nhiều hơn là với những người dân còn lại của đất nước.
Có vẻ đã nhận ra vấn đề của mình, hôm 19/8, thông điệp của ông Trump trên Twitter ca ngợi những người biểu tình chống kỳ thị chủng tộc. “Tôi muốn hoan nghênh những người biểu tình ở Boston đã lên tiếng phản đối sự cố chấp và thù hận. Đất nước chúng ta sẽ xích lại gần nhau như một khối”, ông viết. “Đất nước vĩ đại của chúng ta đã bị chia rẽ nhiều thập kỷ qua. Đôi khi bạn cần biểu tình để hàn gắn, và chúng ta sẽ hàn gắn, sẽ trở nên mạnh hơn bất kỳ lúc nào”, Tổng thống Mỹ nhắn nhủ.
Nhưng phát biểu của ông Trump trước đó về vụ việc ở Charlottesville đã khiến lãnh đạo các tập đoàn lớn rời bỏ ông, khiến ông phải giải tán hội đồng kinh doanh thuộc Nhà Trắng. Cuối tuần qua, nhiều quỹ từ thiện quyết định chấm dứt các hoạt động ở khu nghỉ dưỡng tư nhân Mar-a-Lago ở Florida của gia đình ông Trump. Một số nhà làm luật thuộc đảng Cộng hòa từng hy vọng sẽ làm việc được với ông Trump nay đã lên tiếng chỉ trích ông. Thượng nghị sĩ Bob Corker nói tổng thống không thể hiện được rằng ông hiểu “đặc điểm của dân tộc”. Chiến lược gia cấp cao Steve Bannon là một trong số ít người công khai ủng hộ quan điểm “Nước Mỹ là trên hết” của ông Trump, nhưng nhân vật này đã mất chức cuối tuần trước.
Nhà Trắng không cho biết ông Trump có kế hoạch đến Charlottesville vào lúc nào đó hay không. Nhưng trên thực tế, Tổng thống Mỹ đôi khi cũng có cách thể hiện nhẹ nhàng hơn. Ông và con gái Ivanka Trump từng lặng lẽ đến căn cứ không quân Dover ở Delaware hồi tháng 1 năm nay để dự lễ trao trả hài cốt của một lính biệt kích Mỹ thiệt mạng trong trận tấn công ở Yemen. Tổng thống Trump nói ông đã ra lệnh tấn công tên lửa vào Syria một phần vì hình ảnh “những đứa trẻ vô tội” mà ông nhìn thấy sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học mà Mỹ kết luận là do chính quyền Syria gây ra.
Tronq lễ tưởng niệm tại nghĩa trang quốc gia Arlington năm nay, ông Trump chăm chú lắng nghe một cậu bé 6 tuổi ăn mặc giống lính thủy đánh bộ Mỹ kể về cha mình, một lính Mỹ thiệt mạng vì tai nạn huấn luyện khi cậu bé vẫn còn bế ngửa.
Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/the-gioi/dan-my-lai-do-xuong-duong-vi-mau-da-1179243.tpo