Dân ngoại thành Hà Nội khốn khổ vì nguồn nước ô nhiễm, gây nhiều bệnh tật
Khoảng 10km sông Tô Lịch, đoạn chảy qua xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì (Hà Nội) bị ô nhiễm nặng, nước ở khúc sông tắc nghẽn, đen ngòm, nổi bọt bẩn, gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước. Tình trạng này diễn ra từ nhiều năm nay nhưng chưa được xử lý, khiến người dân bức xúc.
Thời gian qua, thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) có hàng trăm người nhập viện do sốt xuất huyết. Tính đến hết ngày 4/9 vừa qua, huyện này ghi nhận 509 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Đáng chú ý, xã Vĩnh Quỳnh chiếm phần lớn số người mắc bệnh của huyện Thanh Trì. Tính đến hết ngày 22/8, xã này có 257 người mắc bệnh, cao gấp 6 lần so với cả năm 2022. Đặc biệt, số ca sốt xuất huyết tập trung tới 90% ở thôn Vĩnh Ninh, với 229 bệnh nhân.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên VOV.VN, giữa thời điểm dịch sốt xuất huyết bước vào đỉnh dịch, tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước tại xã Vĩnh Quỳnh đang diễn biến phức tạp và kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ gây nên những căn bệnh khác như: đau mắt đỏ, ung thư hay các bệnh ngoài da.
Những con mương ô nhiễm kinh hoàng
Đến đầu thôn Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Quỳnh), mùi hôi, thối bốc lên từ những con mương nhỏ, nước đen ngòm, có những đoạn mương rác thải ứ đọng lại, lâu ngày rác không được dọn, vớt thì nhũn ra, đặc quánh, nổi bọt bẩn kín sông và bốc mùi khắp làng. Đáng nói, những con mương này chạy sát qua nhà dân ở, mỗi ngày, hàng nghìn m3 nước thải sinh hoạt, nước thải từ các khu kinh doanh, khu công nghiệp chưa qua xử lý, túi ni lông, xác động vật chết được tuồn xuống sông, bốc mùi nồng nặc khiến người dân vô cùng khó chịu.
“Mỗi buổi sáng thức dậy, chúng tôi bước chân ra ngoài để hít thở không khí trong lành nhưng bao trùm xung quanh là mùi hôi thối, khó chịu bốc lên từ con mương đen kịt, ô nhiễm. Ruồi muỗi cũng rất nhiều. Tất cả các loại rác trôi từ khắp nơi về đây. Rác gây tắc nghẽn và dềnh lên, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân”, bà Nguyễn Thị Dạo, thôn Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ.
Ông Nguyễn Quang Ngạn, người dân thôn Vĩnh Ninh bức xúc cho biết, con mương với dòng nước đen kịt này là nỗi ám ảnh của người dân trong thôn. Tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước này xảy ra từ rất lâu rồi nhưng chưa được giải quyết triệt để.
“Sức khỏe của người dân chúng tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ con những con mương này, thường xuyên có người bị sốt xuất huyết, đau mắt đỏ. Ngoài ra, những năm gần đây, tình trạng người dân chết vì ung thư, chết trẻ cũng rất nhiều. Nguyên nhân là do nước từ nghĩa trang Văn Điển chảy về, nước từ những nơi khác chảy đến gây ô nhiễm nguồn nước quá nặng. Được biết đã có dự án xử lý nước thải và làm đường qua đây mà đến nay vẫn chưa được triển khai”, ông Ngạn nói.
Trước tình trạng này, bà Dạo, ông Ngạn cũng như người dân trong thôn chỉ biết kêu cứu từ chính quyền địa phương, mong tình trạng ô nhiễm môi trường sớm được giải quyết dứt điểm để ổn định cuộc sống. Bởi ở ngay giữa Thủ đô Hà Nội mà nước thải bao vây cả làng, muỗi, ruồi khắp nơi, có lúc phải mắc màn ăn cơm. Thực trạng này người dân nơi đây đã và đang phải gánh chịu trong suốt hơn 20 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp giải quyết triệt để.
Không chỉ ô nhiễm dưới lòng mương mà trên khu vực bờ mương, rác thải sinh hoạt của các hộ dân không có ai thu gom, xử lý, vứt tràn lan ngay trước biển cấm. Chỉ cần một cơn mưa, lượng rác thải này có thể trôi tuột hết xuống lòng mương.
Tình trạng rác thải vứt tràn lan ở xã Vĩnh Quỳnh đã tạo thành những ổ muỗi. Dưới lòng sông nước nổi váng, bốc mùi, bọ gậy dày đặc, ruồi, muỗi bay khắp nơi, là nguyên nhân chính gây nên dịch sốt xuất huyết và “biến” thôn Vĩnh Ninh thành “ổ dịch” lớn nhất Hà Nội trong thời gian qua.
Cần sớm có phương án xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường
Trao đổi với phóng viên VOV, ông Nguyễn Đình Thuật - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh thừa nhận, tình trạng mương, cống nước bao quanh thôn Vĩnh Ninh có nhiều rác thải, gây hôi thối, ô nhiễm môi trường đã tồn tại từ nhiều năm nay. Đến thời điểm này, ổ dịch sốt xuất huyết tại thôn Vĩnh Ninh đã được dập tắt, chỉ còn lác đác một vài ca bệnh, không phát sinh ổ dịch.
Về công tác vệ sinh môi trường, việc tổng vệ sinh được thực hiện hàng tuần và chiều thứ sáu tại các cơ quan, doanh nghiệp; thực hiện vào sáng thứ 7, Chủ nhật tại các thôn, tổ dân phố.
Ông Thuật cho biết thêm, huyện Thanh Trì nói chung và xã Vĩnh Quỳnh thuộc vùng trũng, bị ảnh hưởng rất lớn từ sông Tô Lịch. Tuyến sông này chạy qua địa bàn Vĩnh Quỳnh, nhưng lại do Công ty khai thác Công trình thủy lợi Thanh Trì thuộc Xí nghiệp Tổng Công ty Sông Nhuệ quản lý, vì thế việc quản lý, nạo vét thuộc trách nhiệm chính của công ty. Tuy nhiên, với tinh thần “mình tự cứu mình”, hàng năm vào mùa khô, các hợp tác xã bắt đầu hút nước, đến tháng 10-11 thì tiến hành nạo vét tạo dòng chảy lưu thông.
“Về cơ bản cũng không khắc phục được dòng nước đen. Bởi lượng nước thải từ nơi khác chảy về rất lớn. Chúng tôi chỉ giải quyết được khâu nạo vét, lưu thông dòng chảy, hạn chế được việc đọng nước. Phần lớn người dân có ý thức, không xả rác ra mương cống. Chỉ có hệ thống nước thải gia đình xả ra nhưng không nhiều. Chủ yếu nước từ các nhánh sông Tô Lịch, sông Nhuệ chảy vào gây ô nhiễm”, ông Thuật nói.
Về hướng xử lý tình trạng ô nhiễm tại sông Tô Lịch và hệ thống mương thoát nước chảy qua địa bàn, ông Nguyễn Đình Thuật cho biết, theo nghị quyết của HĐND huyện Thanh Trì về đầu tư công, sẽ thực hiện 2 tuyến: tuyến đường trục chính thôn Vĩnh Ninh giai đoạn 2 và tuyến đường Tây bắc Vĩnh Ninh. Hai tuyến này sẽ được “cống hộp hóa”, huyện Thanh Trì và xã Vĩnh Quỳnh đã thỏa thuận với Công ty khai thác công trình thủy lợi để “cống hộp hóa”. Theo dự kiến, tuyến đường giai đoạn 2 trục chính Vĩnh Ninh sẽ được khởi công vào đầu năm 2024; tuyến Tây bắc Vĩnh Ninh nằm trong giai đoạn trung hạn là giai đoạn 2023-2025. Nếu đầu tư xong 2 tuyến này, về cơ bản, Vĩnh Ninh sẽ “cống hộp hóa” được hệ thống, tránh được mùi hôi thối do sông Tô Lịch đổ về.
“Về nguồn nước ô nhiễm, vấn đề này vượt qua thẩm quyền của xã. Nước thải từ sông Tô Lịch đổ về, đây lại là nơi cuối nguồn. Biện pháp khắc phục là làm cống hộp, ngầm hóa, về xử lý căn bản, nguồn nước thải cần có sự giúp sức của thành phố để xử lý nước thải từ sông Tô Lịch, sông Nhuệ… Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, vấn đề ô nhiễm nước thải từ sông Tô Lịch đổ về, di dời các cơ sở công nghiệp và nghĩa trang Văn Điển luôn là vấn đề nhức nhối. Bây giờ cần có giải pháp căn cơ. Chúng tôi chỉ dừng ở mức độ kiến nghị”, ông Nguyễn Đình Thuật nói.
Việc cải tạo và xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường tại con sông chảy qua thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì đang là vấn đề cấp thiết cần được giải quyết ngay. Để chấm dứt tình trạng trên, sớm trả lại cuộc sống yên bình và bầu không khí trong lành cho người dân, rất cần có sự vào cuộc và giải quyết của các cơ quan chức năng huyện Thanh Trì và các bên liên quan.
Về phía người dân cũng cần chung tay phối hợp và có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, có như vậy mới giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường và ổn định cuộc sống.