Đàn ong bay ngang

Bầy ong như vầng mây tối sẫm bay vòng tròn. Anh tung tấm áo trùm kín đám ong, rồi như làm xiếc, hai tay cẩn thận bưng và dẫn dụ đàn ong chui vào cái đõ rỗng đặt dưới gốc na. Lùi xa ngắm nghía vẻ hài lòng, bất ngờ vấp vào đống củi nhãn, anh ngã ngửa. Thấy khách đứng sững ở sân, anh ngượng ngùng bỏ mũ ra...

"Chuột nhắt cắn thủng rồi" - Anh lẩm bẩm đội chiếc mũ may bằng lưới tối mầu trùm kín vai để ong không đốt, bước ra vườn, lá khô lạo xạo dưới chân ủng. Anh khẽ nhấc thang, lũ ong mải mê chúi đầu ăn mật. Sương muối ít hoa, mật mới được non nửa. Gió bấc kéo dài, ong đói sẽ bỏ đi. Nuôi ong bằng nhựa đọt keo lá tràm thì mật loãng không thơm. Đợi bông hôi nở, ong ăn thứ hoa tím thẫm sẽ cho mật thơm hăng hắc.

Khách đã quen mật ong nhà anh. "Lần gặp đầu tiên, thật lòng hay giả dối là biết luôn" - Khách nói xong nở nụ cười, lộ hàm răng nhỏ đều như hạt bắp, đẹp mê hồn. Anh cười: "Ong biết yêu ghét đấy, cô muốn xem không?". Anh trùm mũ lên đầu, cô khách kêu toáng lên: "Mũ tôi đâu?".

Anh trêu: "Ong chỉ đốt người hại nó thôi". Ong bay loạn xạ, bò lổm ngổm trên tay, bám chi chít trên mái tóc dài uốn xoăn. Cô khách mặt tái dại, kêu khe khẽ: "Ối ong chui vào tóc này".

Anh nghĩ giá lùa tay vào mái tóc ấy. Anh cười bảo: "Bọn ong tưởng cô là bông hoa đấy". Để tỏ ra không sợ, cô hỏi: "Sao có sợi dây chăng ngang". Anh bảo: "Ong thợ chui vào phấn hoa dính trên thân bị gạt lại, phấn hoa ít và rất quý". Cô bảo: "Cái gì hiếm thì quý", nhưng cô sợ ong lắm. Anh bảo: "Ong rất yêu thương nhau, chỉ con người mới đáng sợ".

Mảnh sân nhỏ, ngôi nhà ba gian hai chái, mái hiên rộng, quanh sân trồng tóc tiên và loa kèn đỏ. Mỗi khi đến, cô như bị thôi miên bởi ký ức hồi nhỏ. Ừ, hoa trẻ con trồng, chứ anh chăm ong, lại vườn rau và mía đủ mệt bã người rồi. Việc chăn bò, giao cho con Kim Dung con gái anh, nó xong đại học chưa đi làm.

*

Gần đây, người đổ về bạt núi mở đường, làm ngày đêm. "Nghĩa trang xây đẹp như công viên, người sống ở chân núi, người chết chôn đỉnh núi, suối Vành Khăn từ đỉnh núi chảy xuống vậy ô nhiễm à?" - Cô nói. "Chắc nghĩa trang cho thiên hạ, làm sao mình được chôn ở đấy?" - Anh trả lời. "Phỉ phui cái mồm anh đi". Cô thoáng nỗi sợ, nghĩa trang đỉnh núi kia chen chúc như nhà hộp dưới phố.

Anh bảo với con: "Kim Dung, từ nay bố chăn bò". Kim Dung rơm rớm nước mắt, vắng nó hội chăn bò không có thủ lĩnh. Anh giận mình không biết giải thích với con gái. Cô muốn nghe anh kể về vườn tược, ca cẩm về lũ con gái như bà mẹ lắm điều mà thương con quá đỗi.

Cô tự cho mình hiểu về mật ong. Mùa hoa cam hoa bưởi mật trong veo nước trà xanh. Mùa hoa nhãn mật óng vàng sẫm. Mùa hoa lúa hoa ngô mật màu nước trà nhạt. Mùa bông hôi mật màu tím. Pha trà mật ong phải gom đủ hương hoa vào chén trà, đó là thức uống của giới quý tộc châu Âu. Anh bảo: "Vậy còn gì là vị trà? Ong cất mật để dành, người lấy mật khiến ong phải bươn bả kiếm hoa, đời này cần sinh tồn đều phải tựa vào nhau". Anh muốn nói thêm mà không dám.

Chuyện không đầu không cuối, nhưng dư vị ngọt ngào như mật ong. Anh nghĩ là còn vì có cô mà anh đợi mùa mật tím thẫm lóng lánh như đá thạch anh. Anh với cái chai trên ban thờ, rút cái nút bấc trắng ngà, nghiêng chai rót đầy chén quả hồng. Mật ong phải dùng nút bấc mới giữ được hương, nút bằng lá chuối khô, mùi hôi nồng ám vào mật.

Anh thường để chai mật ngon nhất cúng tổ tiên, khách quý mới được mời. Anh rót trà ra chén, để khách tự tay pha mật ong theo cữ. Chén trà mật ong khiến cô tỉnh táo và thấy ấm sực như ngồi bên lò sưởi. Anh hỏi cô có mối quen biết xin cho con gái Kim Dung đi làm. Anh kể, con gái mê nghề cô giáo, từ nhỏ chơi trò dạy học đã mang ba đứa em là con Kim Anh, Kim Hoa và cu Hưng ra làm học sinh. Cô nhận lời, vì nghĩ Đức sẽ giúp, vả lại xin đi dạy hợp đồng vùng xa, chứ vào biên chế luôn là rất khó.

Minh họa: Phạm Minh Hải

Minh họa: Phạm Minh Hải

Cô lặng lẽ uống hết chén trà mật ong ngọt ngào với cảm giác đắng nghét. Anh nói chuyện về mật hoa bông hôi năm nay ít, muốn chặt cây mơ già cho quả bé tẹo, mía tím ngọt rồi, cô nhớ mang về. Cô bảo để cây mơ nở hoa cho ong hút mật, mơ già thì hoa mới đậm. Còn mía, cô sẽ cầm vì con trai thích mía, cứ nguyên khúc gặm xoàn xoạt. Cô mắng con như thế hại răng, nhưng tuổi trẻ bẻ gẫy sừng trâu biết sợ đâu? Chỉ có người già mới lo tuổi già. Cô nói mà không nhìn vào mắt anh. Cô cũng sợ đôi mắt long lanh đầy tin cậy của con gái anh là Kim Dung.

Cô nhớ bàn tay nó nắm chặt lấy tay cô không rời, như thể sợ tuột mất niềm hy vọng. Cô ngồi im nghe Đức nói khó khăn này nọ. Đức coi cô như người xa lạ? Cô đã nghe không ít đồn đại về cách Đức kiếm tiền. Phút chốc, cô tràn ngập cảm giác thất vọng ghê gớm.

Đức chăm chú nhìn vào khuôn mặt yêu dấu thuở xưa, đôi mắt đẹp lơ đãng nhìn tận đâu. Đức phẩy tay: "Em không biết việc làm bây giờ khó lắm sao?". Đức định thanh minh cái gì với cô? Quá khứ ùa về, nụ hôn góc giảng đường, lời thì thầm: "Anh về chuẩn bị bài giúp bạn bảo vệ đồ án". Cô đẩy anh ra nói dỗi: "Ừ thì về đi". Đức cắm cúi đi một mạch, kệ cô lẻ loi bé nhỏ trên ngọn đồi phủ màu bàng bạc, lờ mờ của ánh trăng cuối tháng.

Nếu cô kể lại cuộc gặp với Đức thì anh lại nghĩ cô muốn đòi tiền để xin việc cho con gái anh thì sao? Cô nhìn ra vạt núi trơ trọi đỏ ối. Anh rót nước nóng vào ấm, đẩy cái phích vào gầm bàn, lại nhấc ra để sát tường. Rồi anh gọi: "Kim Hoa nhóm lửa đun nước đi".

Bé Kim Hoa mặt nhem nhuốc, hai má nứt nẻ đỏ bừng, chạy vào cầm cái phích xuống bếp. Anh loay hoay như thể trà chưa pha xong. Anh lúng túng như học trò không thuộc bài khi nói đưa cô tiền để lo việc. Cô hỏi. "Anh nghĩ tôi đến đòi tiền à?".

*

Anh bán mảnh đất 600 mét vuông, đã tính dành làm hồi môn cho con Kim Dung, nếu có bề gì thì vẫn có tí vườn, về cắm bốn cái cột xuống là có chỗ ở, muốn sống được thì bàn chân phải chạm đất. Anh tiếc mảnh đất, nhưng muốn được việc phải có tiền. Thời buổi này, mọi quan hệ thân sơ bè bạn, thậm chí vợ chồng, đều được đo bằng đồng tiền.

Lão Ba Râu - bố thằng cu Hưng - mang tiền đến luôn. Lão Ba Râu không phải là người gốc xóm Vành Khăn, khi nói quê Thái Bình, khi bảo quê Thanh Hóa, chẳng ai biết quê chính ở đâu. Lão có bộ râu tốt um với cặp ria vểnh ra hai bên ngang phè như tính ba gai không sợ ai của lão.

Lão Ba Râu buông phịch tấm thân phốp pháp xuống ghế ba nan đã bợt màu gỗ. Tợp ngụm trà nuốt ực và khen trà ngon, lão Ba Râu thủng thẳng nói không thích trà chỉ thích cà phê và bia thôi, và phải là cà phê Tây Nguyên. Rồi nhanh như khi lão uống trà, cục tiền xanh óng được thảy ra bàn đầy quyền uy: "Tôi không mặc cả, ông phát giá vừa phải thôi, à mà tôi tiếc thằng Hưng và con Kim Dung không có duyên". Nghe lão Ba Râu nói trơn tuột như bôi mỡ, anh ngượng. Anh không nhờ vả, dù lão Ba Râu chuyên cho vay lãi. Cùng là đàn ông, nhưng lão Ba Râu có tiền và có cả gái, còn anh thì gà trống nuôi con. Bây giờ, anh cần tiền, lão Ba Râu cần đất, cuộc mua bán diễn ra chóng vánh.

Bây giờ cô là hy vọng của bố con anh về tương lai tốt đẹp cho con gái anh được mua bằng tiền. Cô ngượng ê chề, nhìn vẻ mặt Đức hả hê như phát hiện ra châu Mỹ: "Em cứ phải vào tay anh dậy dỗ mới khôn ra được". Cô lạnh lùng: "Anh lo việc này nhanh lên nhá". Đức cợt nhả: "Chắc em yêu bố của con bé này hả? Chỉ vì tình em mới hạ mình thế này thôi, anh ghen với bố con bé này đấy". Cô nghiêm nghị: "Anh có thôi cái kiểu nói linh tinh đi được không?".

Đức cười làm lành, ngón tay dài như diễn viên múa mở mấy cái phong bì, rút xấp tiền màu xanh mới tinh sắc cạnh đến cạo râu được lùa tất vào ngăn tủ. Đức trở lại việc rất nhanh: "Khoản này đưa cho người ta, anh không lấy của em một đồng nào đâu nhá, em ra giá với họ là bao nhiêu là việc của em".

Cô nghẹn ứ lên họng, bấy nhiêu năm yêu nhau, Đức vẫn chẳng hiểu gì về cô. Thế mà ngày xưa yêu đắm đuối, lấy chồng vẫn dằn vặt về mối tình đầu. Bàn tay có ngón dài kia xưa nắm tay cô nồng nàn, bây giờ đếm tiền nhanh như chớp. Cô tự an ủi, thời thế tạo con người, nếu không làm thế thì Đức cũng bị bật ra khỏi guồng máy, chỉ uổng cái tên Đức do bố mẹ đặt.

Mải bận rộn dự án trong Nam, cô quên mùa hoa nhãn. Về nhà được hít hà mùi ong ngọt ngào thật là sướng. Chợt điện thoại báo tin nhắn, cô mở xem, là con trai nhắn không ăn tối. Chợt nhớ, mùa mật ong hoa nhãn sao không thấy anh nhắn? Đợt con Kim Dung đi làm, anh nhắn mời, cô không xuống được, anh cảm ơn cô đã giúp bố con anh. Cô nhắn lại: "Tôi không giúp được gì đâu, do tiền của anh đấy". Cô muốn nói thêm mong hoa bông hôi nở, cho anh giữ đàn ong. Cô đâu có giúp gì được ngoài việc mỗi năm vài lần đến mua mật ong. Thế rồi từ ấy biệt tăm.

*

Cô thong thả nhâm nhi món yêu thích, sữa tươi mật ong, vài thìa hạt chia, bánh mì đen kẹp phô mai nướng, nửa quả bơ. Thức ăn chưa trôi khỏi cổ cô đã buồn ngủ díp mắt, như thể ăn phải nấm ngủ. Cô lơ mơ ngả người xuống đi văng. Ừ, sao dẫy phố cô đi lạc vào lại tối om, chả đèn đóm gì cả. Nhà cửa xếp khít nhau mà không ra làng hay phố xá. Nếu không có anh dẫn đường chắc cô lạc mất. Nhưng anh đi kiểu gì mà giữ khoảng cách xa cô mấy bước chân, vừa đi vừa ngoái nhìn lại, làm cô đuổi theo anh khá vất vả. Có lúc anh còn lén nấp sau cánh cửa ngắm trộm cô bằng đôi mắt buồn rầu. Cô thấy sau lưng anh là khoảng không đen ngòm, sâu hun hút. Ơ, sao có lúc cô chỉ nhìn thấy anh thấp thoáng thôi. Sao không đợi cô, anh đã biết là cô không thạo đường sá vùng rừng núi này mà?

Không nói câu nào lại còn hùng hục chạy trước, như kiểu chơi trò đuổi bắt? Cô muốn nói là đang giận lắm, sao cứ ú ớ trong họng? Cô hoảng sợ vừa chạy theo anh vừa ngoái nhìn những mảng bóng tối loang lổ đuổi sau lưng, vội vã chạy theo bóng anh mà hai chân cứ ríu lại.

"Mẹ ơi, tỉnh dậy đi, mơ gì thế?". Bàn tay cầm tay cô giật mạnh. Cô mở choàng mắt, ra là thằng Bốp về: "Con gọi mãi mẹ không mở cửa, may mà con cầm theo chìa khóa. Lần sau mẹ vào phòng mà ngủ cho ngon?". Giấc mơ làm cô nghĩ mãi. Có điềm gì không? Sao bầu trời trong giấc mơ tối đen như thể xắn ra được từng miếng? Cảm giác nặng nề đeo bám, cô nghĩ chắc vừa đi xa về, mệt mỏi sinh ác mộng là chuyện thường. Hay là chiều mai xuống mua 5 lít mật ong, làm quà cho mấy đứa bạn, tiện thể hỏi han việc dạy học của con Kim Dung ra sao.

*

Bức tường sừng sững cắt ngang vườn, màu đỏ sậm như máu của tấm tôn làm mắt nhức nhối. Khu vườn vắng lặng, nghe rõ tiếng vù vù đập cánh của ong thợ hối hả bay ra bay vào. Mấy đõ ong bị lá khô vàng úa phủ kín. Cái sân đất nhỏ rợp lá khô. Hiên nhà không thấy con Vện nằm chỗ mọi khi. Bên cửa bếp cũng không thấy mấy con gà nhảy nhót bới lộn.

Cánh cửa gỗ khép hờ, chắc trẻ con chạy chơi quanh đây thôi. Chiều muộn rồi sao không thấy bọn trẻ về nấu cơm? Đợi hồi lâu thấy sốt ruột, cô sợ nhỡ chuyến xe cuối ngày về thành phố nên rón rén đẩy cửa bước vào nhà. Đập vào mắt là tấm ảnh anh trên ban thờ, chai mật ong và ba chân hương ngún khói. Cô xây xẩm mặt mày muốn khuỵu xuống, vội vịn tay vào thành ghế.

Bỗng nhiên, ngọn gió ùa vào nhà lạnh lẽo vô chừng, lạnh toát từ sống lưng, kèm nỗi sợ hãi trống trải hoang mang, giống như giấc mơ đêm qua cô vừa tìm vừa chạy đuổi theo bóng anh.

Có phải ngọn gió thổi dàn dạt từ núi Vành Khăn về làm bàn thờ chòng chành nghiêng ngả như thuyền chao sóng? Cụm khói nhang xanh biếc chao đảo dữ dội, xoắn xuýt thành một búi, cuộn tròn như cục mây bông rồi lại rẽ ra từng sợi mảnh màu thiên thanh uốn mềm mại luồn theo ô cửa sổ ra nơi lưng ngôi nhà. Cô nghĩ chắc ngọn khói vươn lên núi Vành Khăn.

Ánh mắt anh xoáy vào cô như muốn hỏi, có phải trên đường đời lẽ ra gặp nhau, thế mà chia xa không lời từ biệt. Anh thật trẻ trung và oai phong trong bộ quân phục, đôi mắt trong sáng, sống mũi cao, nhân trung nổi rõ. Ờ, nhìn ảnh mới thấy anh đẹp trai, chứ ngày thường chỉ thấy khuôn mặt khắc khổ bụi bặm, chân tay nhem nhuốc nhựa cây đất cát, cả ba chị em Kim Dung giống bố nên rất xinh xắn. Cô bần thần không biết hỏi ai thì người đàn bà bước vào. Cô ta ngạc nhiên: "Cô từ đâu tới, hỏi ai, có việc gì?".

Cô còn ngạc nhiên hơn, vì chưa gặp người đàn bà này ở nhà anh bao giờ? Chị ta chạy ra ngoài, lát sau vào cầm theo cái phích nước. Cô tìm chiếc bật lửa, lặng lẽ thắp ba nén nhang lên ban thờ. Vừa pha trà vừa nói chị tên Nhung, hàng xóm thân thiết với bố con Thuần. Hai người đàn bà ngồi lặng bên chén trà nguội ngắt. Cô cố kìm giọt nước mắt đang nghẹn ứ.

*

Lão Ba Râu nói, mua mảnh đất dành cho thằng Hưng lấy vợ. Người có tiền cần tiền, thuận mua vừa bán. Lão Ba Râu xởi lởi: "Tôi mua rồi nhưng chú cứ trồng cây, nuôi ong, khi cần tôi báo chú".

Ngày giỗ vợ vào chủ nhật, trẻ con nghỉ học kỳ, anh tính cho trẻ con chơi với ông bà ngoại. Xong giỗ, anh về trước. Tới nhà, bất ngờ thấy bức tường tôn đỏ sậm như máu đóng cọc bê tông rào dây thép gai sừng sững giữa vườn. Mấy tổ ong dồn đống chồng chất trong sân, ong hoảng hốt bay ra bay vào.

Anh chạy đến nhà Ba Râu. Vợ lão tươi cười đon đả: "Chú Thuần đấy à, anh chú đang ở quê, vài tháng mới lên, à xây nhà thờ tổ chắc phải tốn mấy trăm triệu, thế chú có việc gì cần không? Nghe ông nhà tôi nói trả hết tiền, làm xong giấy tờ cho chú rồi mà". Anh sững sờ hơn cả khi nhìn thấy tường rào chắn ngang vườn. Anh hỏi: "Thế hàng rào quây lại là bên nhà chị làm đấy à?".

Vợ Ba Râu liếc cặp mắt xăm chì xanh đậm nom hơi dữ, quét ngang mặt anh lạnh như chớp: "Chắc chủ đất mới họ làm đấy, à nhà tôi phải bán mảnh đất đấy đi vì việc xây nhà thờ, bán đi mà tiếc lắm - Mụ vợ Ba Râu bỏ lửng - Chú có vào nhà uống nước không, tôi phải đi lo việc đòi nốt mấy món nợ, thêm tiền gửi về quê". Anh thất vọng về nhà, lòng rối bời.

Cả đêm không ngủ, anh mong trời sáng để gặp chủ đất mới hỏi rõ ngọn ngành. Chiều hôm qua, chị Nhung đã xui là cứ phá tung cái hàng rào ra, chứ sao lại chiếm đất vậy? Anh bảo để hỏi đã. Chị Nhung cáu, chú cứ hiền quá để cho bị bắt nạt. Anh đợi đến 7 giờ sáng mới thấy nhóm công nhân tới. Anh kịp lao tới trước khi họ bấm khóa cửa. Gã mắt ti hí, mặt tròn phệ hung hăng bước tới vung tay hất nhẹ vào cằm anh, anh ngã bật ngửa ra sau, đập đầu xuống bậc xi măng. Rất nhanh anh đứng vùng lên: "Sao đánh tôi, sao lấn đất nhà tôi?". Lũ người kia cứ líu lô nói gì đó mà anh không hiểu. Gã mặt phệ một mực gạt anh ra. Rất nhanh gã bấm tách ổ khóa và rút chìa, sau đó gã sải bước đi thẳng, trèo lên chiếc xe bán tải đậu lề đường, sập cửa lại.

Chớp mắt, chiếc xe phóng mất dạng. Anh đờ người ra choáng váng, không phải bị đánh ngã đau mà vì cách hành xử rất lưu manh côn đồ của lũ người kia. Anh vội vã đến nhà ông Trưởng thôn, hỏi cho ra lẽ. Không lẽ bọn người lạ xây cái gì trên đất làng mình mà chính quyền lại không biết?

Ông Trưởng thôn cúi lom khom buộc cái xà cạp vào chân, sắp đi làm cỏ nương sắn. May quá, nếu Thuần đến muộn tí là không gặp. Tay cầm con dao quắm, ông nói: "Lão Ba Râu bán mảnh đất cho Công ty Vàng Đài Loan, giá tiền hai tỷ rưỡi đồng. Việc mua bán thông qua chính quyền và đã cấp sổ đỏ sang tên chủ đất mới. Hiện nay, chính sách của huyện là ưu tiên đầu tư doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp Vàng đầu tư 100% vốn, kinh doanh đa ngành dịch vụ, có nghề đan lát đồ mỹ nghệ bằng mây tre khai thác trên núi Vành Khăn. Dự án này tạo việc làm cho lao động dôi dư, người già, phụ nữ và trẻ em. Thu hoạch hết lâm sản, thì san đất xây công viên nghĩa trang. Người chết được ở nơi đẹp đẽ như xứ Mường Trời có cây Chu Đồng trong mo Đẻ Đất Đẻ Nước của người Mường ta đó. Việc chôn cất người chết không được tùy tiện như trước đây nữa, phải mua ô đất theo mẫu quy định, muốn ô đất đẹp thì bỏ tiền nhiều hơn. Công ty Vàng mua mảnh đất của Ba Râu vì nó nằm kề con đường lên núi. Họ dự tính sẽ xây ngôi chùa lộng lẫy ở đây để thờ cúng tâm linh. Bây giờ, công ty tạm xây nhà kho".

Anh bất ngờ không nói nên lời khi biết giá tiền bán mảnh đất cho Công ty Vàng. Lão Ba Râu mua của Thuần 600 triệu đồng, vậy là lão được lãi gần hai tỷ bạc. Anh vội vã về nhà, mở tủ ra xem lại bìa đất, thấy đúng là đất vườn bị xén bớt 10 mét. Sao lại thế này?

Ngày xưa, thung lũng men chân núi là rừng hoang, người dân tự đến phát nương trồng lúa, lâu dần thành xóm Vành Khăn. Họ sống đời ông qua đời cha đến đời con cháu mà không làm giấy tờ sở hữu. Chỉ khi Công ty Vàng đến, sinh ra chuyện mua bán, đền bù đất đai thì mọi người mới lo làm bìa đỏ. Việc này, lão Ba Râu rất thông thạo, đã từng đi làm giấy tờ sang tên đất cát cho cả xóm rồi. Lão Ba Râu thường nói là giúp, nhưng xong việc ai cũng đưa một ít tiền.

Làm giấy tách thửa đất, lão Ba Râu xởi lởi: "Chú bận để anh lo, chứ giấy tờ đất cát là phức tạp lắm". Anh biết sự phức tạp là phải qua nhiều cửa, kèm theo tiền mới nhanh được. Anh tin tưởng lão Ba Râu trong việc này.

Ba Râu mang vài thứ giấy tờ, chữ in bé li ti như râu con kiến sang bảo anh ký. Nhằm lúc bận, anh ký luôn mà không hỏi han gì. Mươi ngày sau, Ba Râu đưa cho anh tấm bìa quyền sử dụng đất đỏ chói có ngôi sao vàng. Anh nhận cuốn bìa đất và cất vào tủ. Đời người ai học được chữ ngờ?

Cơn dông ập đến đột ngột. Bầu trời tối sầm, bị đẩy lên cao vút, rồi doãng rộng như cái lòng chảo mênh mông. Trong cái lòng cái chảo đó trộn lẫn nhau từng mớ hỗn độn, lộn nhào, từng cục mây màu xám bạc, màu đen sậm, màu trắng bạc, màu xám chì, tất cả lăn lộn vón cục vào nhau. Gió gầm rú lồng lộn như đàn ngựa bất kham phi nước đại trên tán cây cổ thụ, cành cây trên núi bị gió quăng quật, vặn vẹo tứ bề, có cây tróc gốc bật rễ, đất đá lở từng mảng đổ sầm sập.

Cả đời anh chưa gặp cơn dông nào khủng khiếp như thế. Gió cuộn lại xoắn hình phễu, như vòi rồng hút mọi thứ vào luồng, xoáy tròn lên cao tít một luồng bụi đỏ mù mịt, đến người hay trâu bò mà bị hút vào vòi rồng kia cũng khó mà thoát ra được. Mái ngói của vài ngôi nhà bị gió bóc ra nhẹ như lật tờ giấy.

Bọn trẻ con hoảng hốt lắm, có biết chạy sang nhà bác Nhung không nữa? Anh dắt bò luồn rừng lao về nhà. Giọt mưa đầu tiên rơi xuống kèm theo những viên đá lạnh buốt to tướng quất ràn rạt vào đầu vào mặt anh rát như bị bỏng. Mưa rừng dữ dội chỉ người ở rừng mới biết. Sau này, cụ già cao niên nhất xóm Vành Khăn nói đó là thần linh nổi giận trừng phạt con người.

Người anh nóng rực như lò than, mắt nhắm nghiền, thi thoảng rên trong cổ họng một cách khó nhọc, ăn uống gì cũng nôn ra. Bác sĩ bảo chấn thương sọ não. Con Kim Anh sờ trán, mang cái khăn chảy nước tong tỏng: "Con đắp cho bố hết sốt, bố dậy ăn cháo rồi còn đi chăn bò". Trong cơn đau buốt như cái kìm kẹp hai bên thái dương, anh lơ mơ nghĩ, đi tìm lão Ba Râu, bắt làm lại bìa đỏ. Không thể để lão ngang nhiên cướp đất một cách trắng trợn, như thể ở thời đại không luật pháp.

*

Chị Nhung thở dài: "Lão Ba Râu có sợ trời đất thần linh đâu? Muốn vào nghĩa trang phải mua 150 triệu. Tục lệ Mường khi chết phải về mường Ma, đào sâu chôn chặt, đành đặt chú ấy nằm chỗ cây cao xanh rì kia, chỉ lo sau này Công ty Vàng mua nốt rừng mở rộng nghĩa trang".

Cô nhìn lên phía cuộn mây trắng lăn miết mải trên tán cây xanh rì. Trong nắng cuối chiều, vạt hoa bông hôi đung đưa nụ tròn như hạt cườm màu tím. Mùa đông này, hoa Bông Hôi nở trĩu sườn núi, đàn ong về ăn hoa rồi trả cho người dòng mật ngọt ngào.

Truyện ngắn của Phan Mai Hương

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/dan-ong-bay-ngang-576482/