Đàn ông Hàn Quốc thường không dám đi ngủ trong đêm giao thừa, lý do vì đâu?
Đàn ông nói riêng và người dân Hàn Quốc nói chung vẫn thực hiện nhiều phong tục xa xưa trong ngày Tết cổ truyền.
Cũng giống như Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác, Hàn Quốc cũng đón tết âm lịch. Ngày lễ quan trọng nhất năm của người dân xứ kim chi được gọi là Seollal.
Đối với người Hàn Quốc, Seollal có một ý nghĩa đặc biệt, không chỉ là ngày đánh dấu sự khởi đầu của năm mới mà nó còn là dịp để mọi người đoàn tụ với gia đình, tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên.
Không đi ngủ trước đêm giao thừa
Đàn ông Hàn Quốc nói riêng và người dân nơi đây nói chung thường sẽ không đi ngủ trong đêm giao thừa. Nguyên nhân xuất phát từ một truyền thuyết cổ xưa.
Theo đó, nếu như ai không thức trong đêm giao thì lông mày sẽ chuyển sang màu trắng vào sáng hôm sau. Mục đích đằng sau truyền thuyết này đó là nhằm giữ cho mọi người thức trong đêm giao thừa, khuyến khích người dân cùng nhau nhìn lại một năm đã qua, lên kế hoạch cho năm mới.
Người dân Hàn Quốc mặc trang phục truyền thống trong ngày Tết.
Người dân nơi đây cũng có phong tục thắp sáng nhà mình, tổ chức nghi lễ cầu nguyện cho đến bình minh. Một số tên khác để gọi phong tục này là gyeongsin suya (canh thức năm mới), byeolse (thắp sáng nhà và vĩnh biệt năm cũ) hay hae jikim, với ý nghĩa tương tự.
Xa xưa, vào thời điểm quan trọng này, mọi người thắp đèn lồng ở mọi nơi trong nhà, từ phòng ngủ, gác mái, nhà kho, cửa ra vào và cả hiên nhà nữa. Ngày nay, một bộ phận người dân Hàn Quốc đón năm mới bằng cách đến các địa danh nổi tiếng để ngắm bình minh...
Truyền thống ngày Tết
Ở Hàn Quốc, khoảng một tuần trước Seollal là dịp mọi người bận rộn các khâu chuẩn bị Tết. Họ sẽ mua thực phẩm và gói quà để biếu cha mẹ, tặng người thân. Các món quà dịp ngày tết Seollal này rất đa dạng, những món quà dành cho cha mẹ, người lớn tuổi thường là nhân sâm, mật ong, các sản phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe, hay ghế massage.
Vào buổi sáng ngày đầu tiên của năm mới, các thành viên trong gia đình sẽ mặc trang phục truyền thống để làm lễ. Người đàn ông có vị thế cao nhất trong gia đình sẽ chủ trì các nghi thức để bày tỏ sự tôn kính, biết ơn tới tổ tiên.
Các thành viên quây quần bên nhau trong ngày Tết.
Sau khi làm lễ xong, mọi người quây quần bên bàn ăn, trao nhau những lời chúc tốt đẹp. Một món ăn luôn có trong dịp Tết truyền thống này của người Hàn Quốc là súp tteokguk nấu từ bánh gạo, thịt bò, trứng, rau... Người Hàn Quốc quan niệm rằng, ai ăn teokguk ngày đầu năm mới thì sẽ tăng thêm một năm tuổi thọ.
Sau bữa cơm năm mới, những người cháu, con trong nhà sẽ thể hiện sự kính trọng tới ông bà, cha mẹ bằng cách cúi lạy sát đất (gọi là sebae). Sau đó những người lớn tuổi trong gia đình sẽ ban phước lành và chúc con cháu một năm thịnh vượng, mạnh khỏe và bình an.
Người dân Hàn Quốc còn chơi các trò chơi truyền thống trong những ngày lễ Tết.
Trong các ngày còn lại của dịp Tết này, mọi người sẽ dành thời gian chơi trò chơi truyền thống, thăm hỏi bạn bè, người thân, ăn uống và trò chuyện, chia sẻ với nhau các kỷ niệm trong năm.