Đan sâm có tác dụng gì?

Trong y học cổ truyền, đan sâm được biết đến là một vị thuốc quan trọng trong các bài thuốc điều trị bệnh lý động mạch vành, thiếu máu cơ tim, hạ mỡ máu...

Công dụng của đan sâm

Đan sâm có vị đắng, hơi hàn, không độc... vào 3 kinh Tâm, Can và Tâm bào; có tác dụng hoạt huyết thông kinh, hóa ứ, chỉ thống (cắt cơn đau), dưỡng huyết, an thần, lương huyết tiêu ung (mát máu tiêu ung nhọt), bài nung sinh cơ (trừ mủ, kích thích sinh da non).

Trong Đông y cổ truyền, đan sâm thường được sử dụng để chữa tâm giao thống (đau thắt ngực), nguyệt kinh bất điều (rối loạn kinh nguyệt), thống kinh (hành kinh đau bụng), bế kinh, băng huyết, đới hạ (khí hư, huyết trắng), chứng hà tích tụ (trong bụng có khối cứng) và một số chứng bệnh phụ khoa.

Vị thuốc đan sâm có công dụng chữa tâm giao thống (đau thắt ngực), phòng trị bệnh mạch vành

Vị thuốc đan sâm có công dụng chữa tâm giao thống (đau thắt ngực), phòng trị bệnh mạch vành

Các kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, đan sâm có nhiều tác dụng tốt đối với hệ tim mạch, làm giãn động mạch vành tim, khiến lưu lượng máu trong động mạch vành tăng lên rõ ràng; cải thiện quá trình trao đổi chất và chức năng của cơ tim, do đó có khả năng hạn chế nhồi máu cơ tim; ức chế tiểu cầu phóng thích chất gây co mạch máu, làm giảm sự tụ tập tiểu cầu, cải thiện tuần hoàn ngoại vi.

Đối với quá trình chuyển hóa mỡ, nghiên cứu thực nghiệm trên thỏ cho thấy, thuốc có tác dụng làm giảm triglicerit và cholesterol trong huyết thanh máu. Do đó thường được sử dụng để phòng trị bệnh động mạch vành và một số bệnh tim mạch khác. Ngoài ra, đan sâm còn có tác dụng kiềm chế quá trình lão suy, tăng cường miễn dịch, an thần, kháng khuẩn...

Trên lâm sàng, hiện tại đan sâm được sử dụng để chữa bệnh mạch vành tim, huyết khối trong mạch máu não, làm giảm mỡ máu và tuyến tiền liệt phì đại. Ngoài ra, còn dùng chữa viêm gan mạn tính kéo dài, xơ gan, cổ trướng, viêm mạch máu do huyết khối gây nghẽn tắc, viêm khung chậu mạn tính.

Bài thuốc từ đan sâm

- Hoạt huyết hóa ứ, thanh tâm trừ đàm: Đan sâm 12g tán vụn hãm cùng 3g trà xanh với nước sôi trong bình kín, sau 10 phút thì dùng được, uống trong ngày.

- Hoạt huyết, giảm đau: Đan sâm 150g, sa nhân 30g, đàn hương 15g. Cả ba vị sấy khô, tán vụn, mỗi ngày dùng 20g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được.

- Thông mạch, bổ khí, nhuận phế: Đan sâm 200g, đẳng sâm 150g, sa sâm 120g, đàn hương 50g. Tất cả sấy khô, tán vụn, mỗi ngày lấy 40 - 50g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

Các kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy: Đan sâm có nhiều tác dụng tốt đối với hệ tim mạch.

Các kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy: Đan sâm có nhiều tác dụng tốt đối với hệ tim mạch.

- Hoạt huyết, hóa ứ, thông mạch: Đan sâm 150g, hồng hoa 90g, uất kim 70g, qua lâu 200g, cam thảo sao 60g. Các vị sấy khô nghiền vụn, mỗi ngày dùng 60g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

Hoặc đan sâm 180g, tam thất 120g. Tam thất và đan sâm sấy khô, tán vụn, mỗi ngày dùng 25g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được.

Hoặc đan sâm 180g, sinh cát căn (củ sắn dây sống) 150g, bạch linh 90g, cam thảo 60g. Tất cả sấy khô, tán vụn, mỗi ngày dùng 40g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được.

Các phương trà nêu trên đều rất đơn giản, dễ kiếm, dễ chế biến và có hiệu quả ở một mức độ nhất định. Nên sử dụng 15-20 ngày liên tục một liệu trình. Phụ nữ mang thai không được dùng. Tốt nhất người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

Đau thắt ngực có thể là dấu hiệu cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim | SKĐS

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dan-sam-co-tac-dung-gi-169241026151454272.htm