Dán thẻ thu phí tự động không dừng thế nào, ở đâu?
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, đến 31/12/2020, các BOT phải thực hiện thu phí không dừng (ETC), nhiều người đặt câu hỏi thủ tục dán thẻ sử dụng dịch vụ này thế nào?
Quyết định 19/2020 về thu phí tự động không dừng Thủ tướng yêu cầu chậm nhất đến 31/12/2020, tất cả các trạm thu phí (BOT) phải chuyển sang thu phí tự động không dừng.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều người vẫn băn khoăn không biết thủ tục dán thẻ thu phí tự động không dừng thế nào, việc mở tài khoản ở đâu?
Theo Công ty TNHH thu phí tự động VETC - đơn vị cung cấp dịch vụ - hiện tại, VETC miễn phí mở tài khoản và dán thẻ định danh E – Tag cho khách hàng lần đầu tham gia dịch vụ.
VETC khẳng định, thời gian để khách hàng chuyển đổi sang dùng thẻ thu phí tự động không dừng sẽ rất nhanh chóng, chỉ mất khoảng 5 - 10 phút.
Chủ phương tiện có thể đến các điểm dịch vụ VETC, trạm thu phí có triển khai dịch vụ và các Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn để đăng ký dán thẻ và mở tài khoản giao thông.
Dán thẻ thu phí không dừng cần mang theo giấy tờ gì?
Khi đi đăng ký dán thẻ mở tài khoản, khách hàng lưu ý mang theo những giấy tờ sau:
Đối với khách hàng cá nhân cần mang theo chứng minh thư/Thẻ căn cước/Hộ chiếu/Giấy phép lái xe (Hạng B1 trở lên và đăng ký xe, đăng kiểm xe, giấy đề nghị mở tài khoản.
Đối với khách hàng doanh nghiệp cần mang theo: Giấy đăng ký kinh doanh (bản gốc hoặc bản photo công chứng), giấy đề nghị mở tài khoản, đăng ký xe, đăng kiểm xe;
Khách hàng là tổ chức hoặc các Cơ quan/đơn vị hành chính sự nghiệp cần có: Công văn đề nghị mở tài khoản (có dấu đỏ), giấy đề nghị mở tài khoản và đăng ký xe, đăng kiểm xe;
Đối với các doanh nghiệp, tổ chức hoặc cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp nếu đăng ký dán thẻ cho nhiều xe thì phải có danh sách số lượng xe đề nghị dán thẻ ETC (bản gốc và có xác nhận của doanh nghiệp/tổ chức).
Giấy tờ của khách hàng phải rõ thông tin (họ tên, ngày/tháng/năm sinh, địa chỉ… ) không bị nhàu nát và có hiệu lực.
Đối với giấy tờ xe đề nghị dán thẻ: Trường hợp không có đăng ký gốc, chấp nhận bản sao công chứng hoặc có dấu đỏ xác nhận thế chấp của ngân hàng.
Đối với xe loại 1 (xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có trọng tải dưới 2 tấn) yêu cầu cung cấp đăng ký hoặc đăng kiểm xe: bản gốc hoặc bản photo công chứng, chấp nhận giấy thế chấp ngân hàng có đầy đủ thông tin biển số xe, số khung, số máy.
Đối với các loại xe trên 12 chỗ ngồi (xe chở người), xe có trọng tải lớn hơn 2 tấn (xe chở hàng) và xe chuyên dụng, yêu cầu: bản gốc đăng kiểm xe và đăng ký xe bản gốc hoặc bản photo công chứng, bản xác nhận thế chấp ngân hàng . Trong đó có đầy đủ thông tin bao gồm: Biển số xe, số khung, số máy, trọng tải, số chỗ ngồi chứng minh được loại phí xe.
Nạp tiền vào tài khoản qua đâu?
Để sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng VETC, điều kiện cần là trong tài khoản giao thông của khách hàng phải có số dư tối thiểu một lần phí qua trạm.
Hiện tại có bốn kênh để khách hàng có thể nạp tiền vào tài khoản giao thông VETC (không quy định mức tối thiểu phải nộp):
Nạp tiền mặt trực tiếp tại điểm dịch vụ của VETC bao gồm: Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới có hợp tác với VETC; Trạm thu phí có dịch vụ VETC; Nạp tại quầy giao dịch chính thức của Viettel trên toàn quốc
Nạp tiền tại qua hệ thống ngân hàng bao gồm nạp tại quầy ngân hàng; internetbanking; mobile banking của tất cả các ngân hàng.
Khách hàng cũng có thể nạp qua ví điện tử: Momo; Viettelpay; Bankplus; Vimo; Payoo...
Khách hàng nạp trên ứng dụng cổng thông tin khách hàng trên App VETC và Portal.
Ngân hàng Nhà nước mới đây đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại kết nối tài khoản ngân hàng với tài khoản thu phí của chủ phương tiện giao thông. Mới nhất, BIDV là ngân hàng đầu tiên đạt thỏa thuận kết nối liên thông với VETC. Khách hàng sử dụng dịch vụ thu phí tự động có thể đến quầy giao dịch của ngân hàng này trên toàn quốc để đăng ký sử dụng dịch vụ tự động nạp tiền từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản giao thông.
Sau khi đăng ký dịch vụ, nếu số tiền còn lại trong tài khoản giao thông đến hạn mức theo đăng ký của khách hàng, thì tiền từ tài khoản Ngân hàng BIDV sẽ tự động chuyển vào tài khoản giao thông của khách hàng mà không cần thao tác nạp tiền như trước đây.
Nhiều chủ phương tiện tham gia giao thông thắc mắc vì sao khi đi qua trạm thu phí, tiền không trừ trực tiếp từ tài khoản ngân hàng. Thay vào đó, khách hàng vẫn phải nạp tiền từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản giao thông để thanh toán phí. Lý giải về điều này, đại diện VETC cho biết, tốc độ xe lưu thông qua làn không dừng rất nhanh, chỉ vài giây, trong cùng một thời gian ngắn để đáp ứng việc kiểm tra số dư tài khoản ngân hàng, trừ tiền tài khoản ngân hàng là bất khả thi. Chưa kể đến các rủi ro khi gặp vấn đề về lỗi giao dịch ngân hàng, dẫn tới việc kiểm tra không kịp thời, barie mở chậm, va đập vào xe.
Thu phí tự động có 4 giai đoạn, hiện nay đang là giai đoạn 1 (có barrie) nên chưa thể áp dụng trừ trực tiếp từ tài khoản ngân hàng, đến giai đoạn sau (qua làn thu phí không có barrie), VETC sẽ làm việc để trừ trực tiếp từ tài khoản ngân hàng.
Khách hàng có mất tiền dịch vụ SMS?
Hiện tại khi khách hàng đăng ký dịch vụ SMS sẽ được miễn phí phí nhận SMS trong vòng hai tháng, từ tháng thứ 3 khách hàng sẽ mất phí.
Khách hàng mở tài khoản cá nhân mức phí là 8.800 đồng/tháng (đã bao gồm VAT).
Khách hàng mở tài khoản doanh nghiệp mức phí là 27.5000 đồng/tháng (đã bao gồm VAT).
VETC cho biết, để thuận tiện cho khách hàng trong việc quản lý tài khoản của mình, VETC đã phát triển ứng dụng Mobile VETC phiên bản 2.0. Khách hàng có thể sử dụng ứng dụng VETC mọi lúc trên các thiết bị thông mình (điện thoại, máy tính bảng...) để quản lý, nạp tiền, mua vé tháng/quý, danh sách xe, tra cứu lịch sử xe qua trạm,...
Dịch vụ thu phí tự động không dừng VETC được áp dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) sử dụng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới. Thông qua thẻ định danh E - Tag dán trên phương tiện, dịch vụ VETC giúp phương tiện lưu thông qua trạm thu phí không phải dừng chờ thanh toán, giữ được tốc độ lưu thông ổn định và tiết kiệm nhiên liệu.
Theo thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dự án thu phí tự động không dừng do Bộ Giao thông Vận tải quản lý bao gồm 2 giai đoạn với tổng số 77 trạm thu phí. Đến thời điểm này, tiến độ các trạm này cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, trong số 50 trạm do các tỉnh, thành phố quản lý, còn 7 trạm thuộc 3 tỉnh quản lý là Thái Bình, TP.HCM và Đồng Nai tiến độ triển khai rất chậm, có nguy cơ không kịp tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng là 31/12/2020 phải hoàn thành.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/dan-the-thu-phi-tu-dong-khong-dung-the-nao-o-dau-ar586897.html