Dân vận khéo, giảm tội phạm
Song song với tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện những mặt công tác chuyên môn, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong toàn lực lượng. Qua đó, lực lượng Công an tỉnh đã phát huy sức mạnh toàn dân tham gia đảm bảo an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, kéo giảm tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh.
Thấm nhuần lời dạy của Bác “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo công an toàn tỉnh tăng cường đi cơ sở, nắm chắc tình hình địa bàn, phát hiện sớm những vấn đề nảy sinh, đề xuất giải quyết kịp thời không để hình thành điểm nóng về an ninh trật tự. Lực lượng Công an các cấp đã tham mưu cho chính quyền cấp xã thành lập và duy trì nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự ở cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 165 mô hình tự quản về an ninh trật tự đang hoạt động. Mỗi mô hình tự quản có từ 5 đến 20 thành viên là các cán bộ thôn và quần chúng tích cực. Tiêu biểu như mô hình “3 quản, hai tích cực về an ninh trật tự” ở xã Phúc Ninh, Kiến Thiết, Nhữ Hán (Yên Sơn), mô hình “3 quản, 3 tích cực về an ninh trật tự” ở thôn Cao Tuyên, xã Bình Yên (Sơn Dương)...
Theo Thượng tá Chu Quang Trung, Trưởng Công an huyện Yên Sơn, thời gian qua, các tổ tự quản được ví như “cánh tay nối dài” khá đắc lực giúp lực lượng Công an trong tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, giúp lực lượng công an triển khai hiệu quả công tác dân vận như: Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật, giải quyết các vụ việc xảy ra tại cơ sở. Các thành viên tổ tự quản tích cực vận động nhân dân tham gia, cung cấp thông tin có giá trị phục vụ phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
5 năm qua (2015 - 2020), Công an toàn tỉnh ghi nhận 2.016 vụ phạm pháp hình sự, giảm 1.058 vụ so với giai đoạn 2010 - 2014. Thông qua công tác dân vận, lực lượng công an đã được cán bộ, quần chúng nhân dân cung cấp trên 2.200 nguồn tin tố giác tội phạm, trong đó nhiều tin có giá trị, phục vụ cơ quan chức năng điều tra, làm rõ 1.666 vụ án (đạt tỷ lệ 82,6%); vận động nhân dân giao nộp 2.674 khẩu súng và hàng nghìn viên đạn, nòng súng, công cụ hỗ trợ khác. Từ việc thu hồi lượng lớn vũ khí, công cụ hỗ trợ đó giúp giảm thiểu rất nhiều những vụ việc đáng tiếc, gây mất an ninh trật tự do người dân sử dụng vũ khí vật liệu nổ, công vụ hỗ trợ gây ra.
Cũng trong 5 năm qua, từ công tác dân vận, Công an toàn tỉnh đã vận động và truy bắt 249 đối tượng truy nã. Có thể kể đến việc Phòng Cảnh sát hình sự đã vận động thành công đối tượng Nguyễn Thị Hằng, sinh 1970, trú tại xã La Sơn, huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam) bị truy nã về tội giết người từ năm 1990 ra đầu thú. Đại úy Lê Tuấn Linh, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh chia sẻ, thông qua công tác nghiệp vụ, đơn vị nắm được thông tin đối tượng Hằng đang lẩn trốn ở Trung Quốc và vẫn liên lạc với người thân Tổ công tác của đơn vị đã trực tiếp đến gặp bố mẹ, anh, chị em ruột của Hằng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải thích rõ, vận động gia đình hiểu rõ các chính sách khoan hồng của pháp luật đối với người bị truy nã ra đầu thú. Từ đó, gia đình đối tượng đã thuyết phục Hằng về Việt Nam ra Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đầu thú vào tháng 12-2019.
Thông qua công tác dân vận, lực lượng công an đã huy động được sức mạnh của các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân tham gia vào công tác bảo vệ an ninh trật tự. Từ đó, tạo động lực để lực lượng Công an tỉnh nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, nổi bật là kiềm chế tình hình gia tăng tội phạm và tệ nạn xã hội, không hình thành các băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tạo môi trường an toàn, lành mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.