'Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công': Kỳ I: Tạo những chuyển biến tích cực
Chứng kiến cách làm, phương pháp tuyên truyền, vận động thuyết phục nhân dân và những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh thông qua những mô hình dân vận khéo trên địa bàn huyện Thuận Châu, chúng tôi càng thấm nhuần hơn lời dạy của Bác Hồ: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”
Trong ngôi “Nhà đại đoàn kết” tại bản Ngà Phát, xã Chiềng Pha vừa hoàn thành, ông Hoàng Văn Cúc - chủ nhân ngôi nhà, do hạn chế về trí tuệ và khả năng diễn đạt, nên chỉ nói ngắn gọn với giọng xúc động: Tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước và bà con hàng xóm đã giúp tôi có ngôi nhà chắc chắn để ở.
Tham gia câu chuyện, anh Cà Văn Thiêm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Chiềng Pha, chia sẻ: Ngôi nhà của ông Cúc được xây dựng đúng với ý nghĩa “Nhà đại đoàn kết”. Bởi ngoài 20 triệu đồng được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ, nhóm trưởng nhóm liên gia tự quản số 2 bản Ngà Phát đã cùng với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đứng lên tính toán mua nguyên vật liệu, tuyên truyền, vận động bà con trong nhóm, trong bản góp công lao động, góp thêm vật liệu để dựng nhà trị giá trên 50 triệu đồng. Anh Thiêm bảo: Nhóm liên gia đã chọn thợ xây nhà, hàng ngày giám sát công trình, như làm nhà cho chính gia đình mình vậy. Ngôi nhà hoàn thành minh chứng thêm vai trò của công tác tuyên truyền, tập hợp, được bà con chung tay góp sức hỗ trợ hộ nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Xã Chiềng Pha là địa bàn được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thuận Châu chọn xây dựng mô hình “dân vận khéo” về thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội (xây dựng “Nhà đại đoàn kết” xóa nhà tạm, nhà hư hỏng, dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở). Mỗi ngôi nhà tạm được xóa mang theo một câu chuyện riêng: Chủ nhà là hộ nghèo, cận nghèo, người neo đơn, tâm thần không ổn định... Vì vậy, ngoài huy động sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí, cần sự chung tay, giúp sức của người thân, dòng họ và cộng đồng khu dân cư trong việc hỗ trợ xây dựng “Nhà đại đoàn kết”. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã phân công cán bộ về xã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, ban mặt trận các bản, tiến hành rà soát các hộ cần được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Sau đó, đưa ra xin ý kiến của nhân dân sở tại để việc hỗ trợ đúng đối tượng, cũng như tạo được sự đồng thuận trong việc giúp đỡ công lao động dựng nhà, tham gia giám sát, bảo đảm chất lượng công trình.
Bà Lò Minh Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, phấn khởi: Với cách làm này, năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã phối hợp hỗ trợ được 45 hộ nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát, với mức 30 triệu đồng/nhà. Đầu năm nay, đơn vị tiếp tục rà soát và đã hỗ trợ thêm 5 hộ xóa nhà tạm, mức 20 triệu đồng/hộ từ nguồn Quỹ vì người nghèo của huyện. Chúng tôi phấn đấu đến tháng 11 năm nay sẽ hoàn thành chương trình xóa nhà tạm tại xã Chiềng Pha. Mỗi ngôi nhà tạm được xóa, chúng tôi nhận thức sâu sắc hơn lời dạy của Bác về công tác dân vận và về tập hợp đoàn kết nhân dân “Dễ trăm lần không dân cũng chịu; khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Liên kết để sản xuất hiệu quả
Trở lại xã Mường Khiêng lần này, chúng tôi đến thăm mô hình dân vận “Xây dựng và phát triển hình thức kinh tế tập thể (hợp tác xã)” của UBND xã tại Hợp tác xã bản Bon, với 70 thành viên, quy mô sản xuất gồm 65,11 ha xoài Đài Loan, 72 ha nhãn chín muộn. Đây là mô hình dân vận khéo thực hiện trong giai đoạn 2021-2025; năm 2022 được công nhận mô hình dân vận khéo điển hình cấp huyện; năm nay UBND xã tiếp tục đăng ký thực hiện quy mô cấp tỉnh.
Tại vườn xoài vừa hoàn thành thu hoạch niên vụ năm nay, anh Quàng Văn Toan cùng mấy thành viên đang tỉa cành, bón phân, chăm sóc cho cây để tiếp tục có vụ xoài bội thu vào năm 2024. Anh Toan phấn khởi: Cán bộ xã thường xuyên về tuyên truyền, vận động, khuyến khích chúng tôi liên kết chặt chẽ với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; trao đổi kiến thức, kinh nghiệm sản xuất nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Riêng gia đình tôi có 2 ha xoài Đài Loan, vụ năm 2021, sản lượng đạt 14 tấn quả; vụ năm nay thu 18 tấn quả. Toàn bộ sản phẩm được HTX liên kết với doanh nghiệp vào tận nơi thu mua, với giá bình quân từ 8.000-10.000 đồng/kg.
Đồng chí Quàng Văn Hỏa, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: UBND xã đã thành lập tổ công tác thường xuyên về HTX nắm bắt tình hình sản xuất của các thành viên. Đồng thời, tuyên truyền các chủ trương của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, về phát triển cây ăn quả trên đất dốc, giúp thành viên HTX yên tâm sản xuất theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Đồng thời, mời cán bộ kỹ thuật của Phòng NN và PTNT huyện về hướng dẫn các thành viên phương pháp chăm sóc cây từ khi ra hoa đến lúc thu hoạch quả theo quy trình sản xuất sản phẩm sạch. Cùng với Ban Giám đốc HTX kết nối với các doanh nghiệp trong huyện, ngoài huyện tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên.
Anh Quàng Văn Vóng, Phó Giám đốc HTX bản Bon, cho rằng, nhờ cán bộ xã về tuyên truyền, vận động, các thành viên HTX đã hiểu hơn về quyền, lợi ích khi tham gia thành viên HTX. Chúng tôi liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và gắn bó với HTX hơn. Cũng nhờ vậy, sản xuất hiệu quả hơn, riêng thu nhập từ trồng cây ăn quả bình quân đạt hơn 40 triệu đồng/thành viên/năm 2022.
Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa
Đến thăm mô hình nuôi bò sinh sản của gia đình anh Lò Văn Hiến, bản Pằn Nà, xã Tông Lạnh, anh Hiến cho biết: Đầu năm 2022, gia đình tôi được Hội Nông dân huyện hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh để đầu tư chăn nuôi 3 con bò sinh sản. Ngoài được vay vốn, còn được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do Hội tổ chức tại xã; được cán bộ Hội thường xuyên về gia đình hướng dẫn thêm cách làm chuồng, quy trình kỹ thuật chăm sóc bò trong quá trình sinh sản. Đến nay, số bò của gia đình đã tăng lên 6 con. Tôi tin rằng, với việc chăn nuôi bò sinh sản, quy mô đàn bò gia tăng, cuộc sống gia đình sẽ được nâng lên.
Mô hình của gia đình anh Lò Văn Hiến là 1 trong số 33 mô hình nuôi bò sinh sản, tại 23 xã, với 108 hộ nông dân tham gia, được Hội Nông dân huyện hỗ trợ vốn vay và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi từ đầu năm 2022. Nói về việc này, đồng chí Nguyễn Thúy Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, chia sẻ: Trong các chuyến công tác về cơ sở, chúng tôi nhận thấy, tiềm năng để phát triển chăn nuôi khá tốt, nhưng nhiều hộ dân còn thiếu vốn, thiếu kiến thức, nhất là việc tìm con giống phù hợp với điều kiện khí hậu, trình độ chăm sóc của người dân. Vì vậy, chúng tôi bàn bạc và quyết định triển khai mô hình nuôi bò sinh sản ở các xã, nhằm hỗ trợ vốn vay và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân để phát triển sản xuất, kết quả đạt được sẽ giúp bà con tin tưởng và làm theo, từ đó sẽ làm thay đổi cách thức chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho các hộ chăn nuôi.
Mặc dù các mô hình nằm trên địa bàn 23 xã, trong khi lực lượng cán bộ mỏng, nhưng Hội đã thành lập tổ công tác thường xuyên về các xã triển khai mô hình để đôn đốc thực hiện. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ thành viên tham gia mô hình. Qua hơn một năm thực hiện, đã phát triển thêm được 5 mô hình, với 25 thành viên. Tính đến nay, Hội đã hỗ trợ 7,2 tỷ đồng cho các thành viên tham gia mô hình, với tổng số bò sinh sản là 165 con.
Đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân huyện nhận định: Mô hình đã góp phần làm thay đổi tập quán chăn nuôi của nông dân, họ đã chủ động hơn trong việc tự tạo con giống có chất lượng và áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi để đạt hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình. Mô hình có tính bền vững và có khả năng nhân diện rộng, giúp các hộ nông dân chăn nuôi thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Công tác dân vận nói chung và mỗi mô hình dân vận khéo nói riêng trên địa bàn huyện Thuận Châu đã và đang tạo những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đây cũng là tiền đề, động lực để huyện đạt mục tiêu thoát nghèo vào năm 2025 và vững bước phát triển trong tương lai. (còn nữa)