Dân văn phòng ở TP.HCM tìm mọi cách tránh mưa lớn giờ tan tầm

Định đi về nhưng thấy trời mưa lớn, Thảo Vy lại lôi laptop ra làm nốt việc. Nhiều hôm, để tránh phải tan làm khi đang mưa gió, tắc đường, cô ngồi lại công ty đến tối muộn.

17h, Trần Thảo Vy (28 tuổi) thu dọn đồ đạc chuẩn bị rời văn phòng. Chưa kịp thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng cũng có một ngày trong tuần được tan làm đúng giờ, cô nghe thấy tiếng chị đồng nghiệp ngồi bên nhắc nhẹ: "Trời đang mưa to lắm".

Kéo rèm cửa sổ nhìn ra, Vy chán nản khi thấy bầu trời đen kịt, mưa và gió giật dữ dội. Cô lại lấy laptop từ túi xách ra, hoàn thành nốt một vài công việc và lướt mạng xã hội trong lúc chờ trời tạnh.

"Thường mưa lớn thế này thì nhanh tạnh lắm. Thay vì lao ra đường vừa chịu mưa, vừa tắc đường khủng khiếp, tôi ráng chờ tầm 30 phút đến một tiếng. Trời ngớt mưa, đường bớt tắc rồi về là đẹp nhất", Vy nói với Zing.

 Nhiều người ngại cảnh đi làm về lúc mưa lớn vì sợ tắc đường, ngập úng. Ảnh: Quỳnh Danh.

Nhiều người ngại cảnh đi làm về lúc mưa lớn vì sợ tắc đường, ngập úng. Ảnh: Quỳnh Danh.

Không riêng Thảo Vy, mùa này, nhiều người trẻ làm văn phòng ở TP.HCM đều e ngại lao ra đường mỗi khi trời đổ mưa lớn đúng giờ tan làm buổi chiều. Đường tắc và ngập, người ướt nhẹp, tiếng còi xe inh ỏi khiến họ càng mệt mỏi sau ngày dài làm việc.

Thay vì đi về lúc mưa gió, nhiều người nán lại văn phòng chờ trời tạnh, một số chủ động về sớm để né giờ cao điểm. Không vướng bận chuyện gia đình, nhiều nhân viên chọn ở lại chạy deadline tới đêm trong những ngày mưa lớn.

Nán lại văn phòng tới đêm chờ trời tạnh

Nhà Vy ở TP Thủ Đức (TP.HCM), cách công ty cô ở TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương) khoảng 10 km. Thông thường, cô chỉ mất từ 20-30 phút chạy xe về nhà giờ tan tầm. Nhưng nếu trời mưa lớn, cô phải chật vật một tiếng trên đường vì kẹt xe và nhiều đoạn bị ngập sâu.

"Tan làm mà cứ thấy trời mưa lớn là tôi nán lại văn phòng. Có hôm trời tạnh nhanh nên khoảng 19h là đã về đến nhà. Nhưng cũng có hôm trời cứ mưa mãi, có khi kẹt lại ở công ty đến 20-21h là chuyện bình thường. Đây có lẽ là điều khiến tôi ghét nhất khi mùa mưa đến".

 Đường Nguyễn Hữu Cảnh, đoạn đường từ Điện Biên Phủ lên cầu Sài Gòn, bị ngập và kẹt cứng sau trận mưa lớn.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh, đoạn đường từ Điện Biên Phủ lên cầu Sài Gòn, bị ngập và kẹt cứng sau trận mưa lớn.

Tương tự Tường Vy, Phương Nguyễn (nhân viên truyền thông làm việc tại quận 2, TP Thủ Đức) cũng nhiều lần ở lại văn phòng tới đêm muộn vì ngại mưa gió giờ tan tầm.

“Tôi rất ghét đi ngoài đường lúc trời mưa. Ướt người, bẩn giày, ướt laptop, phải trầy trật chen chúc giữa dòng xe kẹt cứng là những nỗi sợ khiến tôi luôn nán lại văn phòng.

Phần nữa vì tôi nghĩ mưa ở Sài Gòn chóng tạnh nên không ngại chờ. Sống độc thân, không vướng bận chồng con, gia đình như nhiều bạn đồng nghiệp khác nên tôi cũng chẳng vội về làm gì”.

Phương Nguyễn cho hay văn phòng công ty nơi cô làm việc mở cửa xuyên đêm, còn có đồ ăn nhẹ và cà phê, nước miễn phí cho nhân viên nên dù ở lại đến tối cô cũng không sợ đói.

“Về nhà tôi vẫn còn phải tiếp tục hoàn thành công việc nên tôi có thể tranh thủ chạy deadline luôn. Mưa đến 22h tôi vẫn sẽ đợi cho tạnh”.

 Hầm Thủ Thiêm vào ngày mưa lớn, người đi xe máy trú mưa khiến Phương Nguyễn chôn chân tại chỗ cả giờ đồng hồ. Ảnh: NVCC.

Hầm Thủ Thiêm vào ngày mưa lớn, người đi xe máy trú mưa khiến Phương Nguyễn chôn chân tại chỗ cả giờ đồng hồ. Ảnh: NVCC.

Ám ảnh gặp mưa lúc tan tầm

Áo mưa và dép là hai thứ không bao giờ thiếu trong cốp xe của Ánh Dung (25 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) mỗi khi TP.HCM bước vào mùa mưa. “Tôi ghét bị dính mưa nên đi làm có thể quên thẻ xe, quên ví tiền nhưng áo mưa thì luôn có. Tôi thường mang giày cao gót, nhưng trời mưa sẽ rất phiền nên luôn cất sẵn một đôi dép”.

Dung ở trọ không quá xa chỗ làm nhưng trên quãng đường di chuyển có nhiều đoạn rất dễ ngập. Chưa kể đâu xa, ngay con hẻm dẫn vào nhà cô nhiều hôm có thể ngập nửa bánh xe dù trời chưa mưa lớn.

“Mùa này, trời thường mưa vào khoảng chiều tối. Lúc này ai cũng mệt mỏi sau một ngày dài làm việc, vội vội vàng vàng về ăn cơm tối, nghỉ ngơi lấy sức nên mưa sẽ càng thấy bực dọc hơn”.

 Nhiều người chọn nán lại văn phòng thay vì tan làm khi trời mưa lớn.

Nhiều người chọn nán lại văn phòng thay vì tan làm khi trời mưa lớn.

Hôm nào không may dính mưa, về đến nhà, Dung nhanh chóng lau khô người, thay quần áo. Cô ủ ấm cơ thể dưới lớp chăn trong khi nhâm nhi cốc trà gừng nóng tự pha. Cô gái 25 tuổi nói đó là cách mình “tự an ủi bản thân” trong những ngày ẩm ương khó chịu.

Tuy vậy, Dung luôn cố gắng không để bản thân mắc mưa. Giống nhiều đồng nghiệp còn độc thân khác, cô hiếm khi đội mưa chạy xe về nhà. Nữ nhân viên văn phòng sẽ tranh thủ về sớm hoặc tan làm trễ để tránh những cơn mưa giờ tan tầm.

“Tôi sống ở Sài Gòn đã được 3-4 năm. Kiểu thời tiết sáng nắng chiều mưa mùa này tôi cũng dần quen và tìm ra kha khá cách để thích ứng”, Dung chia sẻ.

Nhà trọ của Hoàng Anh (26 tuổi, nhân viên IT) ở quận 12, cách cơ quan gần 15 km. Với anh, về nhà giờ tan tầm giữa trời mưa lớn là một nỗi ám ảnh lớn.

“Công ty tôi không bắt buộc phải làm đúng giờ hành chính, nên tôi thường né giờ tắc đường để về. Những hôm sợ mưa, tôi sẽ rời công ty từ 16h, mang việc về nhà làm nốt. Nhưng mùa mưa này, tôi đa phần lên công ty vào buổi trưa và ngồi lại làm tới tối muộn”.

Có hôm mưa lớn, anh vẫn quyết định về vì có việc gia đình. Đường tắc cứng, anh phải chật vật hơn 30 phút mới qua được cầu vượt Nguyễn Thái Sơn. Dắt xe khỏi công ty lúc 17h nhưng gần 19h, Hoàng Anh mới tới nhà.

“Dù mặc áo mưa nhưng vì mưa to quá, tôi vẫn ướt nhẹp như chuột lột. Nhìn xuống đôi giày trắng mới giặt ngày hôm trước đã đặc một màu bùn đen làm tôi ước lúc nãy phải chi đợi tạnh mưa rồi về”.

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết chiều 27/5, mây đối lưu phát triển mạnh ở phía tây, phía đông, khu vực trung tâm và phía bắc của TP.HCM, gây mưa rào kèm theo dông. Trong cơn dông có lốc, sét và gió giật mạnh.

Từ nay đến cuối tuần, mưa vẫn duy trì nhưng lượng mưa không lớn. Sang đầu tháng 6, lượng mưa được dự báo nhiều hơn. Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan cho biết đã bước vào mùa mưa nhưng các đợt mưa dông thường chỉ kéo dài khoảng 5-7 ngày. Sau đó, khi gió mùa tây nam suy yếu, các tỉnh phía Nam tiếp tục đón đợt nắng nóng xen kẽ.

Chuyên gia cảnh báo những cơn mưa xuất hiện ở TP.HCM trong thời gian này đều đi kèm các hiện tượng cực đoan như dông lốc, sấm sét, gió giật mạnh.

Đào Phương - Huệ Lâm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dan-van-phong-o-tphcm-tim-moi-cach-tranh-mua-lon-gio-tan-tam-post1321301.html