Đảng bộ thành phố Hà Nội: Quyết tâm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh

90 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. Kết quả đó là nhờ Thành ủy Hà Nội qua các thời kỳ không ngừng quan tâm, chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, làm nòng cốt phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Tiếp nối truyền thống đó, từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở tiếp tục được quan tâm củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Hà Nội đã đi đầu trong tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, gắn với vị trí việc làm cụ thể. Trong ảnh: Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" quận Thanh Xuân. Ảnh: Nhật Nam

Mạnh dạn đổi mới

Cách đây hơn một năm (tháng 11-2018), Thành ủy Hà Nội tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 24-9-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”. Kết quả thu được rất ấn tượng khi thành phố giảm 2.018 thôn, tổ dân phố và 402 chi bộ, giảm gần 1 vạn người hoạt động không chuyên trách ở địa bàn dân cư và người hưởng hỗ trợ chi bồi dưỡng kinh phí từ ngân sách. Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, điều quan trọng là thành phố đã thống nhất mô hình tổ chức, khắc phục được tình trạng chồng chéo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở địa bàn dân cư.

Không dừng lại ở kết quả đó, Thành ủy Hà Nội tiếp tục đề ra các giải pháp củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Ngày 16-9-2019, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án số 21-ĐA/TU về “Sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đến nay, kết quả thực hiện tại nhiều địa phương rất khả quan. Tính chung toàn thành phố, hoàn thành đề án này sẽ giúp giảm hơn 33.000 người hoạt động không chuyên trách và giảm chi ngân sách tới hơn 236 tỷ đồng/năm.

Cùng với tập trung củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, Thành ủy Hà Nội còn chủ động triển khai thực hiện các giải pháp mang tính tổng thể. Trong đó, Hà Nội là địa phương đi đầu thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; triển khai đồng bộ từ khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể đến khối chính quyền. Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, điều quan trọng là từng con người trong hệ thống chính trị đã được bố trí gắn với vị trí việc làm có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.

Tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới, Thành ủy Hà Nội đang chỉ đạo quyết liệt các cơ quan của thành phố phối hợp với các cơ quan trung ương đẩy nhanh tiến độ xây dựng và báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện hiệu quả Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố từ ngày 1-7-2021. PGS.TS Trần Viết Lưu, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Tuyên giáo Trung ương) nhận xét: “Hà Nội đã bứt phá lên so với chính mình, là “cái nôi” phát minh, thử nghiệm hiệu quả, làm chỗ dựa vững chắc và làm gương cho cả nước trong thực hiện những ý tưởng đổi mới, sáng tạo”.

Tiếp tục củng cố từng "mắt xích"

Kinh nghiệm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh của Hà Nội là cùng với các giải pháp về tổ chức, sắp xếp bộ máy, phải tập trung củng cố từng “mắt xích” trong hệ thống, lấy con người là trung tâm. Đó là lý do thành phố tích cực đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, đặc biệt là tăng cường củng cố các tổ chức cơ sở Đảng yếu kém.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn khẳng định: “Củng cố tổ chức cơ sở Đảng là một trong những nền tảng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Ngày 4-7-2017, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”. Thực hiện nghị quyết, lần đầu tiên, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, các cơ quan chức năng đã lập “bản đồ” được những “mắt xích” yếu kém. Nhờ đó, đến nay, toàn thành phố đã củng cố xong 162/220 (đạt 73,6%) tổ chức cơ sở Đảng.

Tuy nhiên, trong Đảng bộ vẫn còn 55 tổ chức cơ sở Đảng cần tiếp tục được củng cố, trong đó có 52 đảng bộ xã, phường, thị trấn. Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức Đảng trực thuộc đảng bộ xã, phường, thị trấn và trong các chi bộ doanh nghiệp còn hạn chế. Công tác quản lý đảng viên có nơi thiếu chặt chẽ, cá biệt để cán bộ chủ chốt vi phạm pháp luật phải xử lý.

Bước vào năm 2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu tiếp tục tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ. Song song với củng cố các tổ chức cơ sở Đảng, toàn Đảng bộ phải tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của HĐND các cấp, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp theo hướng sâu sát, quyết liệt, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Với truyền thống vẻ vang đạt được qua 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng vinh quang, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với tinh thần xuyên suốt là đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tin tưởng rằng, hệ thống chính trị thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục được củng cố, ngày càng vững mạnh, tạo tiền đề quan trọng để Thủ đô giành được những thắng lợi mới.

Võ Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/957195/dang-bo-thanh-pho-ha-noi-quyet-tam-xay-dung-he-thong-chinh-tri-vung-manh