Đảng bộ tỉnh lãnh đạo, định hướng phát triển nguồn nhân lực

Bài cuối
TẬP TRUNG XÂY DỰNG TRƯỜNG CHUẨN QUỐC GIA

*NGUYỄN HỒNG TRÀ

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

Đẩy mạnh xã hội hóa

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động nguồn lực cho giáo dục. Đến nay, những trường đạt chuẩn của tỉnh ở các cấp học đã khẳng định được chất lượng, tạo uy tín và niềm tin đối với chính quyền địa phương, phụ huynh và học sinh. Hiện nay, ngành GD&ĐT Bình Phước đang nỗ lực đẩy nhanh công tác này, tuy nhiên chủ trương của tỉnh không chạy theo số lượng mà chú trọng thực chất trong quá trình kiểm tra, công nhận để mang lại lợi ích thực sự cho người học.

Thực trạng hiện nay nhiều trường chưa đảm bảo tỷ lệ biên chế giáo viên theo quy định; cơ sở vật chất còn thiếu đồng bộ, hệ thống nhà vệ sinh một số trường không đảm bảo yêu cầu; các trường mầm non, tiểu học có nhiều điểm trường gây khó khăn cho quá trình đầu tư xây dựng; chất lượng đội ngũ giáo viên không đồng đều; năng lực quản lý của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; công tác xã hội hóa giáo dục còn nhiều khó khăn...

Những năm qua, bên cạnh công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, ngành GD&ĐT tỉnh đã đẩy mạnh truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội. Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương phối hợp với ngành GD&ĐT cùng thực hiện; tạo sự chuyển biến về nhận thức của lãnh đạo các địa phương và nhân dân về việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, ngành GD&ĐT phải chủ động quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các bậc học; đẩy mạnh xã hội hóa và đặc biệt chú trọng khâu kiểm tra, giám sát, làm tốt công tác tuyên truyền để huy động tối đa nguồn xã hội hóa một cách bài bản, có lộ trình, chiến lược rõ ràng trong đầu tư các hoạt động giáo dục; phát huy vai trò của người đứng đầu như chủ động, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo trong công tác xây dựng trường học đạt chuẩn.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia hướng tới mục tiêu chuẩn hóa cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Ngành giáo dục tỉnh đã lập kế hoạch chi tiết về lộ trình thực hiện và thực tế cho thấy, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia không chỉ là nhiệm vụ của các trường, ngành giáo dục mà đã được cả hệ thống chính trị, nhân dân và các địa phương quan tâm thực hiện, ủng hộ. Qua đó một lần nữa cho thấy mục đích của việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nhằm mang lại môi trường học tập thuận lợi, tốt nhất cho những chủ nhân tương lai của đất nước. Có thể khẳng định, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, góp phần thay đổi toàn diện chất lượng giáo dục.

Sở GD&ĐT phải tích cực có giải pháp và phương án chỉ đạo các phòng GD&ĐT nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các trường bằng cách thực hiện tốt quy chế, quy định của ngành và thực hiện tốt các biện pháp như đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trên cơ sở đổi mới phương pháp giảng dạy, thay đổi cách dạy, cách học phù hợp; tổ chức tốt các hoạt động chuyên môn như thi học sinh giỏi, giáo viên giỏi, làm và sử dụng đồ dùng dạy học, tổ chức các chuyên đề, thao giảng - hội giảng; áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy một cách hiệu quả, thiết thực. Tăng cường bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém, tuyên dương, khích lệ những học sinh có tiến bộ vượt bậc; trang bị tốt về trang thiết bị, đồ dùng dạy học, sách giáo khoa, sách tham khảo cho học sinh và giáo viên; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra… Phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền về kế hoạch, biện pháp xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, làm cho toàn dân nhận thức được việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là nhiệm vụ của các cấp, ngành và toàn thể nhân dân ở địa phương; tích cực vận động phụ huynh và các mạnh thường quân đóng góp tạo nguồn kinh phí hỗ trợ nhà trường trong việc mua sắm trang thiết bị, xây dựng, cải tạo cảnh quan môi trường. Quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản, máy móc, thiết bị để phối hợp với nhà trường thực hiện tốt lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Bình Phước phấn đấu đến năm 2025 công nhận 279/388 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ trường học đạt chuẩn lên 71,9% tổng số trường công lập trên toàn tỉnh. Trong đó, năm 2021 là 132/388; năm 2022 là 175/388, tỷ lệ 45,1%; năm 2023 là 206/388, tỷ lệ 53%; năm 2024 là 244/388, tỷ lệ 62,8%; năm 2025 là 279/388, tỷ lệ 71,9%.

Để tiếp tục đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn trên cơ sở đảm bảo hài hòa việc đầu tư tổng thể cho tất cả trường trong toàn tỉnh nhằm thực hiện có hiệu quả, đưa vào lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn đối với những cơ sở giáo dục đã tiệm cận đáp ứng các yêu cầu tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định và những trường đã được địa phương xác định ưu tiên đầu tư, việc đầu tư phải đảm bảo nguyên tắc bền vững, hiệu quả và mang tính khả thi. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 70% trường đạt chuẩn quốc gia. Trong khi đó, thực trạng công tác xây dựng trường đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Các trường trong Kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025 của UBND các huyện, thị xã, thành phố còn thiếu về cơ sở vật chất, thiếu diện tích đất; nhiều trường chưa đáp ứng quy định của Bộ GD&ĐT về cơ sở vật chất và phòng bộ môn. Số lượng, cơ cấu giáo viên chưa đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức các hoạt động giáo dục thiết yếu.

Chuẩn hóa, hiện đại hóa hệ thống trường chuẩn

Để củng cố, nâng cao chất lượng, phát triển hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học thực hiện Chương trình giáo dục mầm non và Chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025 nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, ngày 25-6-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 375-KL/TU về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, yêu cầu ngành GD&ĐT tỉnh, các địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Đảm bảo số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên được tuyển dụng bổ sung hằng năm; thực hiện rà soát, điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo thẩm quyền để đảm bảo số lượng, cơ cấu, tỷ lệ giáo viên, nhân viên giữa các trường; đảm bảo số giáo viên theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3-7-2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế; các vị trí nhân viên còn thiếu tiếp tục phân công giáo viên kiêm nhiệm. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; chủ động cử cán bộ quản lý, giáo viên của các trường đi đào tạo đạt chuẩn và nâng chuẩn để đảm bảo tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định.

Rà soát, lập quy hoạch sử dụng đất của các cơ sở giáo dục; trong đó có xét đến nhu cầu mở rộng diện tích các trường nhằm đáp ứng quy định về diện tích tối thiểu đối với từng cấp học; có phương án bố trí quỹ đất phù hợp để xây dựng trường học nhằm đảm bảo diện tích tối thiểu/học sinh theo quy định; rà soát chi tiết, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định; quy hoạch mặt bằng tổng thể, thiết kế xây dựng các trường đáp ứng nhu cầu phát triển GD&ĐT và yêu cầu của trường chuẩn quốc gia, trong đó cần tính đến tính tổng thể trong quy hoạch; mạng lưới trường lớp cần liên kết với nhau.

Tỉnh ủy yêu cầu, để nâng cao chất lượng giáo dục, trước tiên phải chú ý đến công tác xây dựng đội ngũ, muốn có chất lượng giáo dục tốt, trước tiên phải có đội ngũ ổn định về số lượng, vững vàng về chuyên môn, kiên định về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chuẩn mực. Để làm tốt điều này, ngành GD&ĐT phải tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giáo viên, nhân viên có cơ hội học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phát huy khả năng, sở trường công tác; phối hợp với các địa phương có chính sách hỗ trợ để giáo viên an tâm công tác tốt.

Quy hoạch, thiết kế xây dựng đồng bộ, tránh manh mún dẫn đến kết cấu bất hợp lý giữa các trường và trong từng trường; hằng năm cân đối, bố trí phù hợp nguồn vốn ngân sách địa phương đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục; lồng ghép triển khai thông qua chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu của ngành giáo dục và các chương trình, đề án, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương đáp ứng thực hiện các mục tiêu xây dựng trường học đạt chuẩn.

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để giúp các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện. Xây dựng cơ chế hợp lý nhằm huy động sự ủng hộ của các doanh nghiệp, sự đóng góp của nhân dân hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất trường học; đặc biệt chú trọng tăng cường xã hội hóa đối với cấp học mầm non.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và nâng cao hiệu quả công tác kiểm định chất lượng. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị một cách rõ ràng, cụ thể; gắn công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia với trách nhiệm người đứng đầu ở mỗi cơ quan, đơn vị; tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn đối với các trường trong quá trình thực hiện. Các cơ sở giáo dục thực hiện tự đánh giá theo đúng quy định: đảm bảo đánh giá đầy đủ, trung thực, đúng quy trình; xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng phải phù hợp mục tiêu, tầm nhìn, chiến lược phát triển của nhà trường, phải có sự phân công trách nhiệm cụ thể và thời gian hoàn thành công việc.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/139906/dang-bo-tinh-lanh-dao-dinh-huong-phat-trien-nguon-nhan-luc