Đảng đổi mới đưa đất nước vươn mình: Tập trung xây dựng 'chi bộ tốt'
Các cấp ủy đều coi đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn cách mạng mới. Cùng với việc thống nhất nhận thức, các cấp ủy tập trung xây dựng các 'chi bộ tốt', nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.
Đảng mạnh là do chi bộ tốt, đảng viên tốt
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Chính vì vậy, xác định nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và xây dựng đội ngũ đảng viên chất lượng chính là vấn đề cốt lõi để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Nhiều năm qua Đảng ủy phường Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội) có những đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thực sự là “tế bào” của Đảng. Bí thư Đảng ủy phường Quảng An Phạm Thế Vinh cho biết, Đảng ủy phường luôn quan tâm nâng cao chất lượng sinh hoạt tại các chi bộ tổ dân phố, đồng thời triển khai thí điểm sinh hoạt chi bộ theo tổ đảng tại các chi bộ có đông đảng viên sinh hoạt. Với sự gần gũi, cởi mở trong hình thức sinh hoạt, các đảng viên tích cực tham gia đóng góp ý kiến, từng nội dung đưa ra thảo luận cũng gắn với những vấn đề cụ thể, gắn với công việc ở chi bộ, tổ dân phố và khu dân cư nơi đảng viên sinh sống. Tại các buổi sinh hoạt chi bộ, Đảng ủy phường cũng phân công các đồng chí trong Đảng ủy, Ban thường vụ Đảng ủy và lãnh đạo UBND phường có lĩnh vực phụ trách gắn với vấn đề chi bộ ở tổ dân phố đó đến tham dự. Qua đó, tạo sự đồng thuận cao trong đảng viên và nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt đảng, đồng thời Đảng ủy cũng tiếp thu, trau dồi thêm những vấn đề thực tiễn để bổ sung vào biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo.
Thời gian qua, Thành ủy Hà Nội luôn chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn số 24-HD/BTCTW ngày 21/9/2023 của Ban Tổ chức Trung ương, Hướng dẫn số 06-HD/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện mô hình “Chi bộ bốn tốt”. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên, tập thể, cá nhân lãnh đạo, quản lý đảm bảo chất lượng, tiến độ yêu cầu, kết quả có chuyển biến tích cực và thực chất hơn.
Hạt nhân của tổ chức cơ sở đảng là chi bộ, nơi quán triệt và đưa ra các biện pháp chấp hành triệt để các nghị quyết của Đảng; nơi trực tiếp đấu tranh về quan điểm và rèn luyện đảng viên; trực tiếp vận động quần chúng thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng. Chi bộ tốt thì mọi chủ trương, chính sách của Đảng mới được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng, là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng”.
Tại quận Tây Hồ (Hà Nội), đứng trước tình hình thực tiễn nhiều vụ việc tồn đọng, kéo dài nhiều năm liền dù đã được lãnh đạo quận tập trung chỉ đạo giải quyết, tuy nhiên kết quả đạt được chưa cao. Vì vậy, Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ triển khai việc đăng ký đảm nhận chỉ đạo, giải quyết nhiệm vụ khó khăn, phức tạp thuộc thẩm quyền trách nhiệm được giao của các đồng chí cán bộ chủ chốt quận (đến nay đã có 176 lượt đồng chí cán bộ chủ chốt quận đăng ký đảm nhận 398 nhiệm vụ khó khăn, phức tạp).
Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng chia sẻ: Việc đăng ký việc mới, việc khó đã không chỉ dừng lại ở việc phát huy vai trò trách nhiệm của tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu trong giải quyết khó khăn, phức tạp của quận, việc làm này còn tạo ra một khí thế mới, một phong trào thi đua sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị quận, khi thông qua việc triển khai mô hình “chi bộ bốn tốt, đảng viên bốn tốt”. 94% đảng viên đang sinh hoạt tại Đảng bộ quận Tây Hồ cũng đăng ký thực hiện việc mới, việc khó.
Qua 2 năm triển khai thực hiện việc đăng ký việc mới, việc khó, nhiều nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, tồn tại nhiều năm ở quận Tây Hồ được xử lý triệt để như, di dời thành công các phương tiện thủy nội địa đang neo đậu tại khu vực đầm Bảy ra khỏi Hồ Tây; triển khai thực hiện xong 8 kết luận thanh tra với 55 nội dung (đạt 88,7%); thu hồi diện tích đất còn lại không đủ điều kiện xây dựng sau giải phóng mặt bằng dự án mương thoát nước Hà Nội (giai đoạn II) tại phường Bưởi…
Qua đó cho thấy, việc xây dựng các cơ sở đảng, nâng cao năng lực của đảng viên trong giai đoạn cách mạng mới không những góp phần củng cố niềm tin, uy tín, vị thế của Đảng mà còn thúc đẩy rất rõ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, việc xây dựng, củng cố tổ chức đảng “sâu rễ, bền gốc” từ cơ sở, là công việc phải làm thường xuyên, liên tục. Thực tiễn cũng đã chứng minh, nơi nào tổ chức Đảng yếu kém, đảng viên suy thoái, đánh mất vai trò, thì nơi đó phong trào chung sẽ sa sút. Do đó, việc xây dựng chi bộ “bốn tốt” phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài, phải được coi là nguyên tắc quan trọng, là cơ sở để hoàn thiện phương thức tổ chức và phát triển các tổ chức cơ sở đảng.
Giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng
Trong các nhiệm kỳ gần đây, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng đã góp phần từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tình trạng tham nhũng, “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”, tha hóa quyền lực trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, góp phần xây dựng hệ thống Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đại hội XIII của Đảng cũng nhận định: “Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên. Hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp được đẩy mạnh, đạt kết quả khá toàn diện, nhất là ở cấp Trung ương. Qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, kỷ cương, kỷ luật của Đảng được siết chặt hơn, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.
Tại tỉnh Hà Nam, chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và hàng năm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy được triển khai thực hiện có hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm; cũng như việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy, các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường giám sát thường xuyên, kịp thời phát hiện, kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Trong đó, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, vi phạm; đồng thời yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục vi phạm, khuyết điểm được chỉ ra.
Nhìn chung, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng được các cấp ủy coi trọng và có chuyển biến tích cực, qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết thống nhất, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát từng bước được nâng lên rõ rệt, có sự đổi mới về nội dung, phương pháp, cách thức kiểm tra, giám sát.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy các cấp thuộc Thị ủy Sơn Tây đã kiểm tra đối với 920 lượt tổ chức đảng, 298 đảng viên. Nhìn chung, các tổ chức cơ sở đảng đã cơ bản thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị; việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc... Cấp ủy các cấp cũng giám sát 260 lượt tổ chức đảng, 164 đảng viên, hầu hết các tổ chức cơ sở đảng đã thực hiện cơ bản nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của Đảng ủy, chấp hành chế độ họp định kỳ. Qua giám sát chưa có trường hợp nào chuyển sang kiểm tra dấu hiệu vi phạm.
Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Sơn Tây Nguyễn Quang Hán cho biết: Các cấp ủy Đảng ở Sơn Tây luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên để kịp thời phát hiện chấn chỉnh, xem xét xử lý, phát hiện dấu hiệu vi phạm, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực. Qua kiểm tra đã kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh dấu hiệu vi phạm, góp phần củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo... Kiểm tra, giám sát để phát hiện nhân tố mới điển hình mới, phát hiện cán bộ có năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, qua đó, làm tốt công tác cán bộ, đảm bảo nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, công tác kiểm tra, giám sát không chỉ giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, sự đoàn kết thống nhất mà còn giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức của cán bộ, đảng viên, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, góp phần thực hiện vai trò lãnh đạo và sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam.