Đăng kiểm ở đâu?

Câu hỏi này nếu được đưa ra cách đây hơn một năm, có thể bị xem là câu hỏi khá ngớ ngẩn nhưng tại thời điểm này, đó lại là câu hỏi hết sức nghiêm túc, nếu không muốn nói là đầy lo lắng, nhất là với những chủ xe đã đến hạn kiểm định.

1. Nhũng nhiễu, tiêu cực, thiếu trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ quy trình đăng kiểm, làm sai quy chuẩn, quy định, bỏ nội dung, hạng mục kiểm tra, giả mạo trong việc kiểm định xe cơ giới, vi phạm pháp luật… Đó là những lý do chính khiến lần lượt những nhân vật cấp cao nhất của cơ quan đăng kiểm xe cơ giới từ Trung ương đến các nhân viên tại các xưởng thời gian qua liên tục bị xử lý vi phạm do những hạn chế, yếu kém, bất cập trong tổ chức thực hiện đăng kiểm.

Sáng ngày 12/1/2023, tại phiên họp thứ 23, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã quyết định đưa vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số Trung tâm Đăng kiểm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Trước đó, chiều 3/1/2023, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, liên quan những sai phạm trong quản lý ngành đăng kiểm Việt Nam, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, uớc tính hơn 70.000 phương tiện cơ giới được kiểm định theo dạng “làm luật”, các trung tâm đăng kiểm đã cấp 52.300 giấy kiểm định, tiền thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.

“Đây là một loại virus Việt Á trong kiểm định phương tiện, Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng, số lượng bị can sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới” - Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định.

Theo đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tính đến chiều ngày 7/3, trên toàn quốc có 62 Trung tâm đăng kiểm đóng cửa, chưa bao gồm những Trung tâm hoạt động trở lại. Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay: “Trong số 62 Trung tâm đăng kiểm đóng cửa, có tới 54 Trung tâm đóng cửa để phục vụ điều tra, có 8 Trung tâm không đủ nhân lực để duy trì hoạt động”. Trong đó, tại TP. Hà Nội hiện còn 7 Trung tâm đăng kiểm còn hoạt động. Điều này khiến các Trung tâm đăng kiểm ở nội thành Hà Nội gần như tê liệt. Với những Trung tâm đăng kiểm đang hoạt động hoặc quay trở lại hoạt động đều vướng phải tình trạng thiếu nhân lực, máy móc thiết bị nên công suất cũng chỉ được một phần rất nhỏ so với trước đây.

Thực tế này khiến tình trạng ùn tắc đăng kiểm ở Hà Nội suốt những tháng qua đến thời điểm này vẫn chưa được giải quyết. Theo lời “khuyên”, nhiều tài xế đã về các tỉnh khác để tránh “tắc đường đăng kiểm” nhưng tại nhiều địa phương, tới thời điểm này cũng không khá hơn Hà Nội là bao. Đơn cử tại Vĩnh Phúc, Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, đặc biệt là Trung tâm đăng kiểm tại thành phố Vĩnh Yên rơi vào cảnh quá tải, nhiều tài xế đã phải “xếp lốt” từ nửa đêm để chờ đăng kiểm.

2. Điều 16, Nghị định 100 (Số: 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực ngày 1/1/2020 quy định: Người điều khiển ôtô (kể cả xe rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc) có giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện quá hạn dưới một tháng sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng; quá hạn trên một tháng 4-6 triệu đồng. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện quá hạn đăng kiểm cũng sẽ phải chịu mức phạt bổ sung là tước GPLX 1-3 tháng, theo điểm a, khoản 6, Điều 16, Nghị định 100/2019. Chủ phương tiện biết hết hạn kiểm định nhưng vẫn giao xe cho người khác hoặc sử dụng tham gia giao thông sẽ bị xử phạt như sau: Nếu chủ xe là cá nhân: Quá hạn đăng kiểm dưới một tháng mức phạt 4-6 triệu đồng và trên một tháng mức phạt 6-8 triệu đồng. Nếu chủ xe là tổ chức: Trường hợp phương tiện quá hạn đăng kiểm dưới một tháng mức phạt 8-12 triệu đồng và trên một tháng mức phạt 12-16 triệu đồng.

Hình phạt nặng là vậy, với các chủ xe khác lo âu vất vả một thì với giới tái xế chạy xe tải, xe chở hàng thì lo âu, vất vả gấp nhiều lần. “Tôi là lái xe, nghỉ một ngày là việc lại dồn vào. Hôm qua, tôi phải thuê 3 triệu đồng để người ta chở giúp một chuyến hàng. Con trai tôi ở nhà thì liên tục điện hỏi bố đã đăng kiểm xong chưa để về bốc hàng. Thực sự ở đây sốt ruột lắm nhưng chẳng biết làm gì hơn”, một tài xế chia sẻ với báo chí.

Với công suất 70 xe/một dây chuyền, cả ngày các trung tâm đăng kiểm ở Thủ đô chỉ kiểm định được khoảng 500 xe, một tháng được hơn 11.000 xe. Trong khi đó, số xe đến hạn kiểm định trong tháng 3 tại Hà Nội hiện đang là 75.680, chưa kể xe mới đưa vào lưu hành, cộng thêm số xe bị ùn ứ từ các ngày trước đó, như vậy, các đơn vị đăng kiểm chỉ đáp ứng được gần 20% nhu cầu.

Trước tình hình đã trở nên “quá nóng”, đại diện Bộ GTVT ngày 8/3 đã lên tiếng, theo đó, Bộ GTVT đã làm việc với Cục Đăng kiểm tìm giải pháp tháo gỡ, trước mắt, tính tới phương án, ký hợp đồng với những đăng kiểm viên đã nghỉ hưu quay lại làm việc để giải bài toán thiếu nhân sự. Bộ Giao thông Vận tải cũng có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ cho phép Cục Đăng kiểm Việt Nam được ký hợp đồng lao động với người lao động tại một số vị trí công việc của đơn vị, cho đến khi tuyển dụng đủ viên chức theo quy định, thậm chí ký hợp đồng lao động đối với những người đã được công nhận là đăng kiểm viên nhưng đã nghỉ hưu. Bộ GTVT cũng cho biết sẽ điều động các đăng kiểm viên ở các địa phương tăng cường cho thành phố lớn.

Hy vọng những giải pháp trên sẽ giải quyết được phần nào tình trạng ách tắc trong đăng kiểm, giải tỏa bớt nỗi lo âu cho hàng vạn chủ xe. Và quan trọng hơn, thời gian tới phải là những giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài, triệt tận gốc những sai phạm nhũng nhiễu trong hệ thống các cơ quan kiểm định, như việc triển khai rà soát toàn bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến lĩnh vực này, miễn đăng kiểm lần đầu cho các phương tiện; xúc tiến nghiên cứu những lỗ hổng của Nghị định 139 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới…

“Cục Đăng kiểm lắng nghe tiếp thu rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng toàn diện hệ thống mới cho đăng kiểm để minh bạch, hiệu quả hạn chế tối đa tiêu cực để đem lại thuận lợi nhất cho người dân. Những vụ việc xảy ra vừa là thách thức vừa là cơ hội để thay đổi và chứng minh giá trị đích thực của lĩnh vực đăng kiểm nhằm đem lại giá trị phục vụ người dân”, ông Nguyễn Tô An - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam chia sẻ. Và người dân, rất hy vọng đó sẽ là những lời, “nói được làm được”, để câu hỏi “đăng kiểm ở đâu” trở thành câu hỏi không quá “nóng” như bây giờ.

Nguyễn Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dang-kiem-o-dau-post238407.html