Đằng sau biệt danh 'Samurai xanh' của tuyển Nhật Bản

Khác với phần đông đội tuyển khác, Nhật Bản không chọn áo đấu theo màu sắc trên lá quốc kỳ. Sắc xanh lam gắn với các cầu thủ ở cấp quốc gia suốt gần 100 năm qua.

 Cầu thủ Nhật Bản ăn mừng tại một trận đấu thuộc vòng chung kết World Cup 2022.

Cầu thủ Nhật Bản ăn mừng tại một trận đấu thuộc vòng chung kết World Cup 2022.

Màu xanh lam từ lâu đã gắn với sắc áo của Đội tuyển Bóng đá nam Quốc gia Nhật Bản. Biệt danh "Samurai Blue" (các chiến binh Samurai xanh) cũng ra đời từ màu áo đặc trưng mỗi khi ra sân của các cầu thủ, theo Mainichi.

Nhiều khán giả thắc mắc tại sao xanh lam lại được chọn làm màu áo đấu của các tuyển thủ xứ hoa anh đào, trong khi màu này không hề hiện diện trên lá cờ của Nhật Bản.

Một số đội tuyển thể thao khác ở nước này như bóng chuyền và bóng mềm đều sử dụng đồng phục màu đỏ, tượng trưng cho màu của mặt trời mọc trên lá quốc kỳ.

 Khác với phần đông các đội tuyển quốc gia, đội Nhật Bản không lựa chọn màu sắc trên lá cờ tổ quốc làm màu áo đấu. Ảnh: Reuters.

Khác với phần đông các đội tuyển quốc gia, đội Nhật Bản không lựa chọn màu sắc trên lá cờ tổ quốc làm màu áo đấu. Ảnh: Reuters.

Sau khi Hiệp hội Bóng đá Nhật Bản (JFA) được thành lập được thành lập vào năm 1921, một đội bóng đá đại diện cho Nhật Bản lần đầu tham gia Đại hội Thể thao Vô địch Viễn Đông (tiền thân của Đại hội thể thao châu Á ASIAD).

Đến năm 1930, lần đầu tiên Đội tuyển Bóng đá nam Quốc gia Nhật Bản được thành lập bằng cách tuyển chọn các cầu thủ từ khắp đất nước. Khi đội chuẩn bị đồng phục, màu xanh lam đã được chọn.

Hai giả thuyết được đặt ra để giải thích cho sự lựa chọn này. Giả thuyết thứ nhất cho rằng màu sắc này dựa trên bộ đồng phục màu xanh lam nhạt của Đại học Hoàng gia Tokyo (tiền thân của Đại học Tokyo), nơi chuyên đào tạo ra những lứa cầu thủ góp mặt trong đội tuyển quốc gia.

Giả thuyết còn lại nói rằng Nhật Bản quyết định sử dụng màu xanh lam để tượng trưng cho "vùng biển rộng bao quanh đất nước".

Trên thực tế, không có lý do nào kể trên được ghi lại trong các tài liệu có sẵn ngày nay. Một cá nhân có liên quan đến JFA cho biết: "Chúng tôi không chắc lý do chính xác đằng sau là gì".

 Màu xanh lam đặc trưng của tuyển Nhật cũng xuất hiện dày đặc trong trang phục của các cổ động viên nước này trên khán đài. Ảnh: AP.

Màu xanh lam đặc trưng của tuyển Nhật cũng xuất hiện dày đặc trong trang phục của các cổ động viên nước này trên khán đài. Ảnh: AP.

Trên thực tế, yếu tố "màu cờ sắc áo" từng được áp dụng. Đội tuyển Bóng đá nam Quốc gia Nhật Bản từng mặc áo thi đấu màu đỏ dưới thời huấn luyện viên Kenzo Yokoyama, người dẫn dắt đội từ năm 1988 đến năm 1991.

Nhưng sau khi các cầu thủ xứ Phù tang có màn thi đấu kém thuyết phục và bị loại ở vòng loại thứ nhất khu vực châu Á, dẫn tới không có suất tham dự World Cup 1990 được tổ chức tại Italy, áo đấu được đổi lại thành màu xanh lam.

Bên cạnh các yếu tố lịch sử, công chúng cho rằng Nhật Bản chọn màu xanh lam để tránh nhầm lẫn với nhiều đội bóng khác ở châu Á đã chọn đồng phục màu đỏ, bao gồm cả Hàn Quốc và Trung Quốc.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dang-sau-biet-danh-samurai-xanh-cua-tuyen-nhat-ban-post1381082.html