Đằng sau các cuộc đình công trong ngành vận tải ở Đức

Hàng nghìn hành khách bị mắc kẹt trên máy bay, tàu hỏa và xe buýt, khi các nhân viên mặt đất đình công tại bảy sân bay lớn nhất đất nước.

Ngành đường sắt Đức tê liệt vì đình công. Ảnh: AP

Ngành đường sắt Đức tê liệt vì đình công. Ảnh: AP

Cuộc đình công kéo dài một ngày của liên đoàn lao động Ver.di, kéo dài đến 7 giờ 10 phút sáng hôm 21.2, ảnh hưởng đến hàng trăm chuyến bay tại các sân bay ở Frankfurt và Munich, hai trung tâm chính của Lufthansa, cũng như Berlin, Duesseldorf, Hamburg, Cologne-Bonn và Stuttgart. Đây là cuộc đình công mới nhất trong loạt hành động tương tự trong lĩnh vực đường sắt, hàng không và vận tải nội địa trong năm nay.

Đối mặt với lạm phát và tình trạng thiếu nhân viên, các công đoàn đang thúc đẩy mức lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn. Khoảng 25.000 thành viên của liên minh Ver.di, bao gồm các nhân viên làm thủ tục, xử lý máy bay, bảo trì và vận chuyển hàng hóa, đã đồng loạt nghỉ việc. Các thành viên Ver.di đã tổ chức một cuộc đình công tương tự tại các sân bay Đức vào đầu tháng này, khiến các hãng hàng không phải hủy hàng trăm chuyến bay. Vào đầu tháng 2, khoảng 90.000 nhân viên của công đoàn Ver.di tại hơn 130 nhà khai thác vận tải địa phương đã nghỉ việc tại các thành phố lớn trên khắp nước Đức.

Hồi tháng 1, công đoàn đường sắt GDL đã tổ chức một loạt cuộc đình công kéo dài nhiều ngày để phản đối tình trạng đàm phán hợp đồng với công ty vận tải đường sắt Deutsche Bahn. Cuộc đình công vào cuối tháng 1 đã được lên kế hoạch kéo dài sáu ngày và được coi là cuộc đình công dài nhất trong lịch sử của Deutsche Bahn. Công đoàn cuối cùng đã kết thúc cuộc đình công sớm một ngày để nối lại các cuộc đàm phán.

Yêu cầu của mỗi liên đoàn dù khác nhau nhưng đều tập trung vào mức lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn. Họ cho rằng lạm phát đã khiến cuộc sống trở nên khó khăn và người sử dụng lao động nên bồi thường cho họ một cách phù hợp để theo kịp giá cả tăng cao. Ví dụ, Ver.di đang tìm cách tăng lương cho nhân viên sân bay thêm 12,5%, hoặc thêm ít nhất 500 euro mỗi tháng, cũng như khoản thanh toán một lần 3.000 euro để bù đắp ảnh hưởng của lạm phát.

Đối với nhân viên vận tải, các yêu cầu chính bao gồm giảm giờ làm việc trong tuần và thêm ngày nghỉ bù cho ca làm việc và ca đêm. Về công nhân đường sắt, ngoài việc tăng lương, liên đoàn còn kêu gọi giảm giờ làm việc từ 38 xuống 35 giờ mỗi tuần mà không cắt giảm lương. Tuy nhiên, Deutsche Bahn đã từ chối đề xuất này.

Các cuộc đàm phán hợp đồng đang diễn ra, điều đó có nghĩa là sẽ có thêm nhiều cuộc đình công nữa hoặc thậm chí là kéo dài hơn. Vòng đàm phán giữa Ver.di và Lufthansa vào hôm 12.2 đã không đạt được thỏa thuận nào. Các cuộc đàm phán khác đã được lên kế hoạch vào hôm 21.2.

Sau cuộc đình công kéo dài 5 ngày vào tháng trước, liên đoàn công nhân đường sắt GDL đã quay lại đàm phán với Deutsche Bahn và đồng ý không tổ chức thêm các cuộc đình công trước ngày 3.3 tới. Song, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận nào trước thời điểm đó, hành khách đi tàu có thể phải đối mặt với nhiều tình trạng gián đoạn hơn.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/dang-sau-cac-cuoc-dinh-cong-trong-nganh-van-tai-o-duc-i360795/