Đằng sau vụ Iran hai lần kéo drone Mỹ trên biển trong một tuần

Việc Iran và Mỹ căng thẳng xoay vụ bắt giữ tàu không người lái là một lát cắt trong quá trình chuyển đổi hoạt động hải quân dần thay thế những con tàu lớn với hàng trăm thủy thủ.

Vùng biển ở Vịnh Arab vào những ngày cuối hè đã dậy sóng khi Iran hai lần bắt giữ tàu không người lái của quân đội Mỹ vào hôm 30/8 và 2/9, buộc Hải quân Mỹ phải điều tàu chiến đến giải vây và thu hồi những con tàu này.

Iran cáo buộc tàu không người lái Saildrone Explorer của Mỹ gây nguy hiểm cho an ninh hàng hải, trong khi Hải quân Mỹ khẳng định con tàu hoạt động công khai trên vùng biển quốc tế và bị quân đội Iran bắt giữ trái phép.

Sự việc lần này, cùng nhiều phân tích trước đó về độ hiệu quả các drone tại xung đột Ukraine, một lần nữa khiến giới quân sự đánh giá sâu hơn về tác chiến trong tương lai, khi những công nghệ không người lái dần khẳng định vị trí và từng bước thay thế chiến thuật quân sự truyền thống.

Bình luận trên Bloomberg, ông James Stavridis, cựu đô đốc Hải quân Mỹ, nói rằng mình đã thúc đẩy ý tưởng phát triển công nghệ tàu không người lái từ 20 năm trước, khi ông chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Enterprise.

“Chúng tôi đã nhận được một số mẫu tàu thử nghiệm trong chiến dịch tại Iraq và Afghanistan, và sử dụng chúng để giám sát vùng Vịnh nhằm chặn các tuyến vận chuyển vũ khí, ma túy và khủng bố”, ông nói.

Vài năm sau, ông Stavridis cũng sử dụng tàu không người lái để ngăn chặn hoạt động ma túy ở Caribbean và Nam Mỹ với tư cách người đứng đầu Bộ chỉ huy miền Nam của quân đội Mỹ.

Tác chiến hiện đại thay đổi

Công nghệ máy bay không người lái đã phát triển vượt bậc sau hai thập kỷ. Nền tảng tàu không người lái giờ đây mang nhiều bộ cảm biến, bao gồm máy ảnh xác định mục tiêu, radar giám sát, và sonar để phát hiện các tàu buôn lậu tốc độ cao.

Trong đó, ưu điểm lớn nhất là các drone không cần thủy thủ, do đó không cần đến cảng để nghỉ ngơi hay phục hồi sức khỏe. Ngoài ra, drone cũng giúp giảm thương vong về người.

 Hình ảnh được Hải quân Mỹ công bố hôm 30/8 cho thấy Iran đang buộc dây kéo một tàu không người lái của nước này trên Vịnh Arab. Ảnh: Reuters.

Hình ảnh được Hải quân Mỹ công bố hôm 30/8 cho thấy Iran đang buộc dây kéo một tàu không người lái của nước này trên Vịnh Arab. Ảnh: Reuters.

Con tàu Saildrone Explorer, dài 6 m, bị Iran giữ trong thời gian ngắn vừa rồi là loại tàu chạy bằng năng lượng gió và Mặt Trời, do đó không cần tiếp nhiên liệu.

Hải quân Mỹ đã lập Lực lượng Đặc nhiệm 59 nhằm củng cố năng lực công nghệ không người lái vào Hạm đội 5 - đơn vị hải quân giám sát vùng Vịnh, biển Đỏ và biển Arab. Lực lượng này được dẫn dắt bởi phó đề đốc Michael Brasseur, người từng làm việc cùng ông Stavridis tại trung tâm nghiên cứu Deep Blue của Hải quân Mỹ sau sự kiện 11/9.

Thế hệ tàu giám sát không người lái mới nhất của Mỹ bất ngờ vướng vào một tình huống phức tạp về địa chính trị, trong bối cảnh quan hệ giữa Washington - Tehran chưa hạ nhiệt. Trong cả hai vụ bắt giữ, Hải quân Mỹ đã hành động ngay lập tức và thu hồi drone trong vài giờ.

"Ông Brasseur nói với tôi rằng con tàu này bị bắt giữ trái phép trên vùng biển quốc tế khi đang hoạt động công khai", ông Stavridis nói.

Bài học cho tương lai

Theo cựu đô đốc, có 4 bài học cần lưu tâm về các hoạt động của thiết bị không người lái, rút ra từ sự kiện vừa rồi cũng như hoạt động của các drone tại xung đột Ukraine.

Thứ nhất, xu thế dùng hệ thống không người lái cho các hoạt động do thám và tấn công đang dần gây áp lực lên công nghệ truyền thống, vốn tốn kém trong sản xuất và yêu cầu nhân lực. Khả năng vận hành của máy bay không người lái trong xung đột tại Ukraine cũng làm tăng tốc xu thế này.

Thứ hai, các đối thủ của Washington sẽ muốn thu giữ drone của quân đội Mỹ, với hy vọng có thể nắm bắt những cải tiến công nghệ từ các thiết bị này. Khi đó, Mỹ sẽ phải sớm có phản ứng hoặc ngăn chặn đối thủ nắm được công nghệ tiên tiến.

 Tàu không người lái Saildrone Explorer. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Tàu không người lái Saildrone Explorer. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Việc lắp những công nghệ phòng thủ hiện đại lên các drone sẽ không khả thi về chi phí. Do đó, giúp drone có khả năng tự hủy sẽ là giải pháp hiệu quả trong trường hợp rơi vào tay đối thủ.

Thứ ba, Lầu Năm Góc cần nhìn nhận tầm quan trọng của khả năng phối hợp tác chiến hải quân, bao gồm khả năng liên kết giữa các drone trên biển và trên không, vệ tinh trong quỹ đạo Trái Đất tầm thấp, cùng các lực lượng đặc nhiệm như SEAL.

Cuối cùng, Bộ Quốc phòng Mỹ cần nhìn vào những cơ hội hợp tác. Các công ty công nghệ và sản xuất sẵn sàng cung cấp nhiều thiết bị cho hải quân. Ngoài ra, việc phối hợp cùng không quân và lực lượng không gian Mỹ để giải quyết các vấn đề đa lĩnh vực trong tác chiến hiện đại cũng là điều quan trọng, ông Stavridis nhận định.

Hạm đội 5 cho rằng Iran sẽ tiếp tục cố bắt giữ những drone thử nghiệm. Do đó, cần phải có đủ nguồn lực và khả năng ứng phó cần thiết để bảo vệ các hệ thống không người lái giá trị.

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dang-sau-vu-iran-hai-lan-keo-drone-my-tren-bien-trong-mot-tuan-post1353427.html