Đảng viên đồn biên phòng (tiếp theo bài 2)

Bài cuối: Xứng danh bộ đội quân hàm xanh

Cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển, cán bộ, đảng viên BĐBP Phú Yên còn là điểm tựa của bà con ngư dân và những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

CBCS Đồn BP Hòa Hiệp Nam giúp thầy trò Trường tiểu học Phạm Văn Đồng bê tông sân trường. Ảnh: XUÂN HIẾU

CBCS Đồn BP Hòa Hiệp Nam giúp thầy trò Trường tiểu học Phạm Văn Đồng bê tông sân trường. Ảnh: XUÂN HIẾU

Dấu ấn xây dựng nông thôn mới

Với trách nhiệm và tình cảm của mình, đi đôi với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển, thời gian qua, cán bộ chiến sĩ BĐBP tỉnh đã tích cực thực hiện phong trào “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới (XDNTM)”, giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, trong đó đảng viên là lực lượng nòng cốt.

Điểm nổi bật trong hoạt động XDNTM, đó là BĐBP tỉnh đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, lực lượng, doanh nghiệp, thực hiện tốt cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển; các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, XDNTM ở địa phương. Cùng với đó, BĐBP còn giúp dân làm thủ tục vay vốn, sản xuất, đóng mới tàu thuyền công suất lớn để đánh bắt xa bờ, kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo; làm đường nông thôn, kênh mương nội đồng, xây dựng công trình dân sinh…

Phường Hòa Hiệp Nam hiện nay, trước đây là xã bãi ngang thuộc diện khó khăn do cán bộ đảng viên BĐBP nhận giúp đỡ. Thượng tá Lê Văn Chiến, Đồn trưởng Đồn BP Hòa Hiệp Nam, cho biết để giúp đỡ xã bãi ngang này, ngoài tham gia củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, tham mưu cho cấp ủy chính quyền đầu tư, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, đơn vị đã huy động hàng trăm triệu đồng và hàng trăm ngày công bê tông 330m đường ở khu dân cư 2 thôn Đa Ngư, Thọ Lâm và bê tông hơn 584m2 sân trường. Ngoài ra, đơn vị còn hỗ trợ vốn, con giống giúp đỡ 2 hộ nghèo thoát nghèo; kịp thời cử lực lượng khắc phục sự cố triều cường gây sạt lở bờ bắc cửa Đà Nông, hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân. “Mới đây, Đồn BP Hòa Hiệp Nam đã huy động 115 lượt cán bộ chiến sĩ, giúp thầy trò chúng tôi bê tông 1.650m2 sân trường, khánh thành vào ngày 9/7”, thầy Nguyễn Xuân Thoại, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng cho biết.

Đến với Hòa Hiệp Nam hôm nay thật khó nhận ra chỉ cách đây vài năm nơi này vẫn còn là xã khó khăn. Từ trụ sở UBND phường đến trường học, khu họp chợ… đều được xây mới khang trang. Đường lớn nhỏ đều được tráng nhựa, đổ bê tông phẳng lỳ. Nhiều ngôi nhà cao tầng, biệt thự cũng đã mọc lên. Cảng cá Phú Lạc vào giữa ngày mùa, trên bến dưới thuyền kẻ bán người mua nhộn nhịp. Tại cảng cá, tàu công suất nhỏ vài chục CV nhường chỗ cho nhiều tàu lưới vây khơi, công suất lớn, từ trên 400 đến 850CV. Trung bình mỗi ngày cảng cá này đón nhận ít nhất 20 tàu về bến và từng ấy tàu ra khơi. Xe vận chuyển đá ướp cá, xe đông lạnh cũng vào ra tấp nập. Anh Hà Ngọc Hiệp ở khu phố Phú Lạc, vui mừng cho biết từ chỗ chỉ làm đủ ăn, đắp đổi qua ngày, giờ đây nhiều ngư dân của TX Đông Hòa nói chung, Hòa Hiệp Nam nói riêng có thể thu được tiền tỉ từ nghề lưới vây khơi. Thu nhập mỗi bạn thuyền từ 10-15 triệu đồng một chuyến biển 20-25 ngày, chuyến nào “trúng” có thể gấp rưỡi, gấp đôi. “Được BĐBP và các ban ngành, đoàn thể vận động chuyển đổi sang ghe lớn, làm ăn lớn, lúc đầu chúng tôi cũng hơi lo. Nhưng qua thực tế nhiều năm nay làm ăn hiệu quả hơn trước rất nhiều nên bà con yên tâm. Mỗi chiếc vây khơi, trừ hết phí tổn cũng kiếm được trên dưới 3 tỉ đồng mỗi năm”, anh Hiệp nói.

Ông Nguyễn Công Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam nhìn nhận: Sự đổi thay ở Hòa Hiệp Nam bắt nguồn từ đường lối đổi mới của Đảng cùng với những chính sách, đầu tư hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội của các cấp chính quyền địa phương. BĐBP cũng đã góp phần làm đổi thay diện mạo của Hòa Hiệp Nam bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực.

Cháu Lê Ngọc Thanh “con nuôi” Đồn BP Tuy Hòa được trung úy Cao Đại Đồng đưa, đón đi học mỗi ngày. Ảnh: XUÂN HIẾU

Cháu Lê Ngọc Thanh “con nuôi” Đồn BP Tuy Hòa được trung úy Cao Đại Đồng đưa, đón đi học mỗi ngày. Ảnh: XUÂN HIẾU

Nâng bước em đến trường

Em Trần Thị Kim Nghĩa, học sinh lớp 7, Trường THCS Kim Đồng (xã An Hòa Hải, Tuy An) cha mẹ mất sớm, phải sống với dì ruột. Đồn BP An Hải đã nhận đỡ đầu Nghĩa thông qua chương trình “Nâng bước em đến trường”. Cùng với hỗ trợ đều đặn hàng tháng 500.000 đồng và thường xuyên đến thăm, động viên Nghĩa trong học tập, đơn vị còn tổ chức vận động các nhà hảo tâm đóng góp, tặng em một sổ tiết kiệm trị giá 80 triệu đồng. Những việc làm này đã tiếp thêm nghị lực cho cô bé mồ côi vững tin trong cuộc sống cũng như trong học tập. “Khi mẹ qua đời, em không còn nơi nương tựa. Nhờ có dì và các bác, các chú BĐBP giúp đỡ, động viên nên em tiếp tục được đến lớp, đến trường. Em luôn cố gắng phấn đấu học thật tốt để không phụ lòng các bác, các chú bộ đội”, Nghĩa bày tỏ.

Trần Thị Kim Nghĩa chỉ là một trong số 39 học sinh có hoàn cảnh khó khăn được cán bộ, đảng viên BĐBP tỉnh nhận đỡ đầu theo chương trình “Nâng bước em đến trường” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động. Mỗi học sinh được nhận hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng cho đến khi học hết lớp 12. Bên cạnh đó, các đơn vị còn vận động các nguồn lực khác để mua tặng các em sách vở, quần áo, xe đạp… Ngoài ra còn có 2 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt được nhận làm “con nuôi đồn BP”.

Cha mất trong một tai nạn trên biển vào năm 2013, một năm sau mẹ cũng ra đi mãi mãi vì bệnh hiểm nghèo, cậu bé Lê Ngọc Thanh cùng 3 chị gái sống dựa vào ông bà ngoại đã ngoài 75 tuổi. Những tưởng cuộc sống và con đường học tập của cậu bé ở làng biển Long Thủy (xã An Phú, TP Tuy Hòa) này sẽ rơi vào bế tắc, thế nhưng từ khi biết hoàn cảnh của em, Đồn BP Tuy Hòa đã nhận làm “con nuôi”, chăm lo cho em ăn học trong tình yêu thương, ấm áp. Gần một năm nay, Đồn BP Tuy Hòa trở thành ngôi nhà thứ hai của cậu bé mồ côi, hiện là học sinh lớp 4A, Trường tiểu học Bùi Thị Xuân (phường 9, TP Tuy Hòa).

Trung úy Cao Đại Đồng, người trực tiếp chăm sóc Thanh chia sẻ: “Lúc đầu, cậu bé có vẻ e dè, bỡ ngỡ và hơi nhút nhát, nhưng dần dần đã kết thân và nhớ tên tất cả cán bộ, chiến sĩ của đồn. Thanh biết nghe lời và ngoan ngoãn, học và tiếp thu nhanh. Bây giờ, những việc như giặt quần áo, xếp mùng mền... em đều tự làm, giống như một chiến sĩ của đơn vị”.

Tương tự, em Nguyễn Thanh Tuấn, sinh năm 2008, ở thôn Xuân Hòa, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An không có cha từ khi chưa chào đời, mẹ mất vì bệnh hiểm nghèo khi em mới 4 tuổi. Thanh sống với hai bà ngoại (là chị em ruột) đều đã trên 70 tuổi, không còn sức lao động nên bữa cháo bữa rau, cuộc sống vô cùng khó khăn. Tháng 9 năm ngoái, Đồn BP An Hải đã nhận Tuấn về chăm sóc, nuôi dạy tại đồn.

Đại úy Nguyễn Bảo Lân, Chính trị viên phó Đồn BP An Hải cho biết: Để chăm sóc, lo cho cháu Tuấn ăn học, cán bộ chiến sĩ trong đơn vị tự nguyện đóng góp từ nguồn lương và phụ cấp. Ngoài ra, đơn vị còn phát triển quỹ từ nguồn tăng gia sản xuất; vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp để tặng dụng cụ học tập, mua xe đạp cho Tuấn đi học.

Với những nội dung, việc làm cụ thể, thiết thực, chương trình “Nâng bước em đến trường” của BĐBP tỉnh không chỉ mang đến cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn mà qua đó còn thắt chặt hơn tình đoàn kết quân dân, tô đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”.

Thực hiện mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo” theo Kế hoạch 68 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và phong trào “Quân đội chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, BĐBP tỉnh nhận giúp đỡ 2 xã, 6 thôn khó khăn, 38 hộ nghèo; làm mới, tu sửa gần 10km đường liên thôn, bê tông gần 3.000m2 sân trường học, nhà văn hóa thôn, khu phố. BĐBP tỉnh cũng đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh xây dựng, trao tặng trên 170 nhà Đại đoàn kết, 5 công trình dân sinh; phối hợp với LĐLĐ tỉnh tặng cờ Tổ quốc cho trên 1.000 phương tiện tàu cá, trị giá hàng trăm triệu đồng…

XUÂN HIẾU

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/418/242133/dang-vien-don-bien-phong-tiep-theo-bai-2.html