Đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2025

Các bộ, ngành trung ương và địa phương cần dự báo kịp thời, phân tích những cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro của bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế tác động đến khả năng hoàn thành mục tiêu.

Thời gian qua, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Gia Lai rất chậm trễ do công tác giải phóng mặt bằng chậm và không thu được tiền sử dụng đất. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Thời gian qua, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Gia Lai rất chậm trễ do công tác giải phóng mặt bằng chậm và không thu được tiền sử dụng đất. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi các bộ; cơ quan ngang bộ; cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (gọi tắt là bộ, ngành trung ương và địa phương) về việc đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành trung ương và địa phương tiếp tục báo cáo, cập nhật về tình hình, kết quả thực hiện các nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách để hoàn thiện dự thảo báo cáo “Đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025”.

Đối với nội dung báo cáo đánh giá, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành trung ương và địa phương tiếp tục làm rõ, bổ sung bối cảnh triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; rà soát, cập nhật các chỉ tiêu chủ yếu, đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu tổng quát, các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Đối với nội dung dự kiến hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình, kết quả đã đạt được trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, các bộ, ngành trung ương và địa phương dự báo kịp thời, sát tình hình thực tế, phân tích những cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro của bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế tác động đến khả năng hoàn thành mục tiêu.

Từ đó, các bộ, ngành trung ương và địa phương nghiên cứu, bổ sung quan điểm chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới, đề xuất các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu phù hợp, hạn chế thấp nhất các ảnh hưởng tiêu cực đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hướng tới hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong bối cảnh thế giới đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam tháng 5 tiếp tục chuyển biến khá tích cực, góp phần cải thiện kết quả chung của 5 tháng đầu năm và tạo đà cho những tháng tiếp theo.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, do những khó khăn, thách thức chung của thế giới, sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về dòng tiền, thị trường và đơn hàng; nhiều dự án đầu tư, dự án bất động sản bị đình trệ, chậm triển khai…

“Đây là thách thức lớn, cần tập trung hỗ trợ, tháo gỡ để củng cố, thúc đẩy các xu hướng chuyển biến tích cực của nền kinh tế, tạo điều kiện phấn đấu thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và phát triển năm 2023”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/danh-gia-giua-ky-tinh-hinh-thuc-hien-ke-hoach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-2021-2025/293824.html