Đánh giá mô hình chuyển đổi trên đất lúa thiếu nước sang trồng ngô sinh khối tại huyện Gio Linh

(QTO) - Chiều nay 19/8, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương Mại Quảng Trị (Công ty Thương mại Quảng Trị) tổ chức nghiệm thu và hội nghị đầu bờ mô hình chuyển đổi trên đất lúa thiếu nước sang trồng ngô sinh khối liên kết tiêu thụ sản phẩm tại các xã Linh Trường và Phong Bình, huyện Gio Linh.

 Mô hình chuyển đổi trên đất lúa thiếu nước sang trồng ngô sinh khối liên kết tiêu thụ sản phẩm của Tổ hợp tác Lễ Môn, xã Phong Bình, huyện Gio Linh dự kiến sau khi thu hoạch sẽ cho lợi nhuận 25 triệu đồng/ha - Ảnh: H.T

Mô hình chuyển đổi trên đất lúa thiếu nước sang trồng ngô sinh khối liên kết tiêu thụ sản phẩm của Tổ hợp tác Lễ Môn, xã Phong Bình, huyện Gio Linh dự kiến sau khi thu hoạch sẽ cho lợi nhuận 25 triệu đồng/ha - Ảnh: H.T

Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác tiềm năng lợi thế đất đai, vụ hè thu năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất ngô sinh khối trên đất lúa thiếu nước, đồng thời liên kết với Công ty Thương mại Quảng Trị để tiêu thụ sản phẩm.

Theo đó, mô hình được triển khai trên diện tích 5 ha ha đất lúa thiếu nước ở các thôn Ba De và Cu Đinh (xã Linh Trường), 5 ha ở Tổ hợp tác Lễ Môn (xã Phong Bình) với sự tham gia của 65 hộ ở 2 xã.

Tham gia thực hiện mô hình, các hộ nông dân ngoài được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ giống, vật tư theo định mức quy định, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, Công ty Thương mại Quảng Trị còn hỗ trợ thu mua 100% sản lượng ngô sinh khối nguyên cây, nguyên bắp khi cây giai đoạn chín sáp tại ruộng với giá 1.000 đồng/kg.

Đồng thời cung ứng số lượng phân hữu cơ Sepon đối ứng cho người dân để bà con thực hiện mô hình và công ty sẽ cân đối khấu trừ vào cuối vụ và thanh quyết toán trong vòng 10 ngày sau khi thu mua, không tính lãi suất.

Sau thời gian gần 3 tháng triển khai, mô hình sản xuất ngô sinh khối trên đất lúa thiếu nước bước đầu mang lại hiệu quả, tạo bước đột phá mới trong việc thực hiện luân canh cây ngô với cây lúa, góp phần hạn chế nguồn bệnh trong đất, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

Cụ thể, năng suất trồng ngô sinh khối ở xã Phong Bình đạt 65 tấn/ha, còn ở xã Linh Trường do gặp phải một số yếu tố bất lợi, năng suất đạt 55 tấn/ha. Dự kiến sau khi thu hoạch sẽ cho lợi nhuận 25 triệu đồng/ha tại xã Phong Bình và 10 triệu đồng/ha tại xã Linh Trường.

Tại hội nghị, đại diện ngành nông nghiệp và Công ty Thương mại Quảng Trị, lãnh đạo UBND các xã và các hộ tham gia mô hình đã tham gia đóng góp ý kiến, nêu rõ những thuận lợi và khó khăn trong quá trình sản xuất để đề ra bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao hơn nữa năng suất, sản lượng, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trong chuỗi sản xuất nông nghiệp tại địa phương, tạo hướng sản xuất bền vững trong nông nghiệp.

Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, vận động chính quyền, nông dân mở rộng quy mô, tăng sản lượng ngô sinh khối để tăng thu nhập cho người dân.

Hà Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=169784&title=danh-gia-mo-hinh-chuyen-doi-tren-dat-lua-thieu-nuoc-sang-trong-ngo-sinh-khoi-tai-huyen-gio-linh