Đánh thức 'nàng công chúa...'

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm vừa ký ban hành Quyết định số 33/2019/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý các hoạt động du lịch trên địa bàn Bình Phước. Quy chế này được đánh giá là một trong những biện pháp quan trọng để thúc đẩy việc khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh và đưa du lịch của Bình Phước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bình Phước có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển ngành du lịch. Đặc biệt là các loại hình du lịch dã ngoại, sinh thái, nghỉ dưỡng, du khảo về nguồn, địa chỉ đỏ hay những lễ hội, văn hóa dân gian, nét sinh hoạt truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngoài cảnh thiên nhiên hoang sơ, Bình Phước còn có nhiều danh thắng như trảng cỏ Bù Lạch, thác Đứng, Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, núi Bà Rá, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, các hồ thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng... cùng hệ thống sông, suối, thác ghềnh phân bố rộng và đều khắp địa bàn tỉnh; cùng các di tích lịch sử như Căn cứ Tà Thiết, Nhà giao tế Lộc Ninh, bồn xăng Lộc Quang, sóc Bom Bo... và những lễ hội truyền thống của 41 đồng bào dân tộc trên địa bàn đa dạng, phong phú về loại hình. Ngoài ra, với quốc lộ thông với 2 nước Campuchia, Lào nên Bình Phước được đánh giá là địa bàn hội tụ nhiều lợi thế để phát triển mạnh ngành du lịch.

Tuy nhiên, du lịch của Bình Phước trong thời gian qua được ví von như “nàng công chúa đang ngủ”. Hoặc, du lịch Bình Phước đang mang “vẻ đẹp tiềm ẩn” nên chưa phát huy được tiềm năng. Năm 2018, Bình Phước đón tiếp khoảng 450.000 lượt khách đến tham quan, doanh thu đạt gần 366 tỷ đồng. Trong 10 tháng năm 2019, toàn tỉnh đón gần 860.000 lượt khách với tổng doanh thu khoảng 550 tỷ đồng. Những kết quả này tuy đã có nhiều khởi sắc so với trước, nhưng vẫn rất khiêm tốn so với tổng thu ngân sách tỉnh và mặt bằng chung trong hoạt động du lịch của cả nước. Vì vậy, du lịch của Bình Phước trong những năm qua vẫn chưa tạo được dấu ấn rõ nét trên bản đồ du lịch Việt Nam, dẫn tới hiệu quả kinh tế của ngành không cao. Nguyên nhân chính của vấn đề là thực trạng hạ tầng cơ sở trên từng địa bàn và hạ tầng ngành du lịch của tỉnh còn rất nhiều hạn chế; hệ thống lưu trú yếu và thiếu; dịch vụ đi kèm chưa phát triển kịp so với nhu cầu...

Để khai thác hiệu quả tiềm năng và tạo động lực thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển, ngoài đào tạo nguồn nhân lực, tỉnh nên tăng cường đầu tư vốn để xây dựng hạ tầng cơ sở, kỹ thuật. Đồng thời, cần triển khai thực hiện quyết liệt những nội dung trong quy chế phối hợp mà UBND tỉnh vừa ban hành để gắn chặt trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư về hoạt động kinh doanh; quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên du lịch; xử lý vi phạm trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Bởi đây không chỉ là quy chế về quản lý nhà nước mà còn là động lực để “đánh thức nàng công chúa đang ngủ trong rừng”, đưa ngành du lịch của tỉnh nhà lên tầm cao mới.

Tấn Phong

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/danh-thuc-nang-cong-chua-5408