'Đánh thức sắc xuân' từ lòng hồ Thủy điện Sơn La

Lòng hồ Thủy điện Sơn La - nơi chứa đựng những trầm tích văn hóa của các dân tộc Thái, Tày, La Hủ hiện đang được..'đánh thức' để mang lại no ấm cho đồng bào

Một hồ nước đầy đắm say…huyền thoại

Sông Đà, con sông “hung dữ” với “nước xô đá, đá xô sóng” kèm những âm thanh của gềnh thác “nghe như lời oán trách” dội ra từ vách núi nhưng khi gặp lòng hồ Thủy điện Sơn La thì dòng Đà giang bỗng “khựng” lại, ngoan ngoãn cuộn tròn bình yên trong lòng hồ. Để mỗi độ xuân về, con sông ấy lại “xanh một màu ngọc bính”, màu của sắc xuân chất chứa bao hi vọng, đổi thay.

Được biết, để kiến tạo nên lòng hồ Thủy điện Sơn La cả một vùng rộng lớn dọc thượng nguồn con sông Đà huyền thoại, từ Pá Vinh (Sơn La) lên tận Mường Lay (Điện Biên) với biết bao nét văn hóa của đồng bào các dân tộc Thái, La Hủ, Tày, Dao có tự bao đời tưởng chừng đã phải chìm sâu dưới hàng trăm mét nước. Những ghềnh thác uốn lượn quanh co bên dãy Huổi Luông hùng vĩ, bến phà Pá Uôn đợi chờ những bước chân khám phá, những bản làng như Mường Chiên, Cà Nàng sẽ phải di dời nhường chỗ cho công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á hiện hữu. Tuy nhiên, ngay khi lòng hồ Thủy điện Sơn La được kiến tạo, những nét văn hóa ấy lại được bảo tồn và phát huy hình thành nên một điểm đến hấp dẫn mới cho du khách mỗi khi có dịp đến với Sơn La.

Một góc sông Đà ở Quỳnh Nhai huyền ảo, mộng mơ - Ảnh Chính Tới

Một góc sông Đà ở Quỳnh Nhai huyền ảo, mộng mơ - Ảnh Chính Tới

Theo các nhà khảo cổ học, tại vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La, đầu thế kỷ XX dấu ấn cổ xưa nhất của con người đã được tìm thấy qua các cuộc khai quật của học giả người Pháp Colani. Từ đó các nhà khảo cổ học Việt Nam đã khai quật hàng trăm di tích thu về hàng ngàn di vật thuộc các thời kỳ đá cũ, đá mới và thời kỳ kim khí trên đất Sơn La. Điều đó khẳng định rằng cư dân cổ Sơn La có sự phát triển liên tục từ thời đại nguyên thủy cho tới ngày nay.

Hiện Bảo tàng tỉnh Sơn La đã phối hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật, di dời 17 di chỉ khảo cổ thuộc 3 huyện dọc lòng hồ sông Đà gồm Mường La, Quỳnh Nhai. Thuận Châu như: Di chỉ Pá Màng, Di chỉ Hang Tọ 1, Di chỉ Hang Tọ 2, Di chỉ Hua Lon…..Đã thu được 6.171 hiện vật các hiện vật này đa phần được chế tác từ đá thành công cụ ghè đẽo thô sơ. Các nhà khoa học ở viện khảo cổ học Việt Nam cho rằng đây là công cụ đá cũ (Niên đại cách đây từ khoảng 3 vạn năm đến 3.000 năm cách ngày nay).

Cầu Pá Uôn - được xây dựng trên địa bàn xã Chiềng Ơn. Đây là 1 trong những địa điểm nổi tiếng khi đến trải nghiệm du lịch lòng hồ Thủy điện Sơn La, tạo ra lợi thế khai thác lợi thế du lịch lòng hồ Thủy điện Sơn La - Ảnh Chính Tới

Cầu Pá Uôn - được xây dựng trên địa bàn xã Chiềng Ơn. Đây là 1 trong những địa điểm nổi tiếng khi đến trải nghiệm du lịch lòng hồ Thủy điện Sơn La, tạo ra lợi thế khai thác lợi thế du lịch lòng hồ Thủy điện Sơn La - Ảnh Chính Tới

Theo nhận định ban đầu của các nhà khảo cổ học, từ các giá trị sử liệu của các di tích ở vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La cho thấy dọc hai bờ dông Đà cách đây hàng vạn năm đá có con người cư trú, mặc dù cư trú rải rác ở bờ sông trên thềm cổ sông Đà nhưng họ vẫn liên kết thành các bộ lạc với từng cụm từng nhóm di tích.

Thực địa khảo sát còn cho thấy, nơi đây chất chứa nhiều sinh hoạt văn hóa phi vật thể phong phú như: Lễ cầu mùa của dân tộc Dao, lễ hội của người Thái Trắng ở huyện Mường Lay và thị xã Lai Châu, các sưu tập chữ viết cổ, ác truyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích dân gian, lễ dâng hoa măng dân tộc La Ha, ác điệu múa dân tộc)… của 29 dân tộc liên quan cần được bảo tồn.

Dòng sông của…ánh sáng

Hồ Thủy điện Sơn La có cao trình tích nước là 215 m với chiều dài hơn 120 km, điểm đầu từ đập thủy điện tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La (tỉnh Sơn La) và điểm cuối là thị xã Mường Lay (tỉnh Lai Châu), diện tích hồ chứa gần 225 km2, dung tích 9,26 tỷ m3.

Ngoài việc tích nước hồ phục vụ phát điện cho nhà máy, hồ Thủy điện Sơn La còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra một vùng sinh thái, cảnh quan mới gắn với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng thượng nguồn sông Đà, đồng thời mở ra một tiềm năng mới phát triển kinh tế - xã hội, du lịch ở vùng “biển hồ” Tây Bắc.

Những lồng nuôi cá trên lòng hồ Thủy điện Sơn La – tạo ra nguồn sinh kế bền vững cho đồng bào - Ảnh Chính Tới

Những lồng nuôi cá trên lòng hồ Thủy điện Sơn La – tạo ra nguồn sinh kế bền vững cho đồng bào - Ảnh Chính Tới

Bởi khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La là nơi tập trung số lượng lớn nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nét văn hóa độc đáo. Tài nguyên du lịch phong phú đa dạng của vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đang là tiền đề thuận lợi để phát triển du lịch tham quan, ngắm cảnh, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch nghiên cứu khảo sát khoa học, tìm hiểu về hệ sinh thái và lịch sử, văn hóa của các dân tộc bản địa và cả du lịch truyền thống với việc thưởng ngoạn, trải nghiệm văn hóa, cuộc sống, ẩm thực của người dân tộc thiểu số vùng thượng nguồn sông Đà.

Để biến tiềm năng thành hiện thực, ngày 7/4/2021 lãnh đạo tỉnh Sơn La và Công ty Cổ phần Quỹ đầu tư thế giới đã lập dự án đầu tư phát triển khu du lịch lòng hồ Thủy điện Sơn La. Theo đó, dự án sẽ phát huy giá trị cảnh quan, giá trị văn hóa của toàn bộ mặt nước lòng hồ Thủy điện Sơn La trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai rộng 10.520 ha và diện tích mặt đất bao quanh lòng hồ, bao gồm cả các đảo, bán đảo nằm trên lòng hồ từ xã Pá Ma Pha Khinh đến xã Mường Chiên. Trong đó, phạm vi đề xuất đầu tư là diện tích mặt nước khoảng 3.000 ha và diện tích mặt đất khoảng 500 ha.

Những lễ hội đặc sắc được tổ chức trên dòng Đà giang thu hút khách du lịch - Ảnh Chính Tới

Những lễ hội đặc sắc được tổ chức trên dòng Đà giang thu hút khách du lịch - Ảnh Chính Tới

Với những lợi thế sẵn có khi lòng hồ Thủy điện Sơn La trở thành “Vịnh Hạ Long” thu nhỏ của Tây Bắc, những năm qua, Sơn La đã tập trung đầu tư đưa huyện Quỳnh Nhai - một huyện miền núi phía Bắc của tỉnh này trở thành điểm sáng thu hút khách du lịch. Bởi khu vực này đang sở hữu nhiều tiềm năng về du lịch tự nhiên (cầu Pá Uôn có trụ cao nhất Việt Nam với tổng chiều dài 1.418 m; hệ thống hang động hoang sơ với cấu tạo địa chất khác biệt chưa từng được công bố hay khai thác…), khoáng sản phục vụ du lịch (các mạch nước nóng có lượng nước dồi dào có thể khai thác thành suối khoáng nóng), du lịch tâm linh (đền thờ Linh Sơn - Thủy Từ và Nàng Han), du lịch văn hóa xã hội gồm các bản người Thái trắng ven sông Đà, lễ hội Gội đầu, Đua thuyền, lễ hội Nàng Han của dân tộc Thái và khôi phục một số lễ hội khác của dân tộc thiểu số vùng thượng nguồn sông Đà...

Từ nguồn “tài nguyên” vô giá này, Sơn La đã đưa mục tiêu phát triển du lịch lòng hồ Thủy điện Sơn La vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai lần thứ XXI; phấn đấu đến năm 2025 đạt 250.000 lượt khách, tổng doanh thu từ các dịch vụ du lịch đạt 110 tỷ đồng, khu du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành khu du lịch quốc gia.

Không chỉ phát huy lợi thế về du lịch, để khai thác tối đa giá trị của lòng hồ Thủy điện Sơn La, những năm qua, tận dụng vùng lòng hồ rộng lớn với nguồn lợi thủy sản tự nhiên, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, khuyến khích thành lập các hợp tác xã thủy sản. Bắt đầu từ năm năm 2010, chỉ có 20 lồng cá được nuôi thí điểm trên lòng hồ thủy điện. Tới nay đã có hàng nghìn hộ dân tham gia nuôi trồng thủy sản, tạo thành nguồn sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc nơi đây.

Đập thủy điện Sơn La sáng rực rỡ trong đêm (nhìn từ phía hạ lưu) - Ảnh Chính Tới

Đập thủy điện Sơn La sáng rực rỡ trong đêm (nhìn từ phía hạ lưu) - Ảnh Chính Tới

Dòng Đà giang hùng vĩ với biết bao thác ghềnh giờ đây đã không còn những “cửa sinh, cửa tử” bắt con người phải lựa chọn mà đã trở thành “cơm gạo” mạch nguồn của ấm no. Lòng hồ Thủy điện Sơn La trở thành món hồi môn, là tặng vật mà sông Đà trao tặng cư dân đôi bờ, khi dòng sông đến đây bắt đầu một dòng chảy phóng khoáng, bỏ lại phía sau những vực - ghềnh hiểm trở nơi thượng nguồn. Bởi giờ đây, nhờ vào con sông Đà, những dòng điện 500KV không chỉ được vươn dài thắp sáng lên những hi vọng của biết bao vùng đất mà ngay đôi bờ con sông ấy, đời sống của người dân các xã như Chiềng Bằng, Chiềng Ơn, Cà Nàng, Mường Chiên, Mường Giàng, Pá Ma Pha Khinh… cũng đã có nhiều khởi sắc.

Dòng Đà giang vẫn lung linh màu xanh của huyền thoại, màu xanh của sắc xuân với bao hy vọng và từ nay, thác sâu, suối ghềnh sẽ tiếp tục viết lên “những câu chuyện nay, đời ghi trang mới”.

Thái Bình – Ngọc Trâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/danh-thuc-sac-xuan-tu-long-ho-thuy-dien-son-la-239808.html