Đánh thức tiềm năng cây dược liệu Phú Yên (kỳ 1)

Vườn thuốc nam tại Trạm Y tế xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa trồng nhiều loại cây thuốc nam phục vụ chữa bệnh. Ảnh: THÁI HÀ

Phú Yên có nguồn cây thuốc nam phong phú với những thành phần thảo dược chữa bệnh quý hiếm, độc đáo. Tuy nhiên qua thời gian khai thác, sử dụng bất hợp lý, nguồn dược liệu ngày càng mai một và mất mát. Việc giữ gìn, phát triển nguồn dược liệu có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, mang đến lợi ích sức khỏe cho cộng đồng và góp phần giữ gìn vốn quý cho mai sau.

Kỳ 1: Tiềm năng lớn “ngủ quên”

Nguồn dược liệu phong phú

Theo nguồn tư liệu Báo cáo kế hoạch hành động bảo vệ đa dạng sinh học, an toàn sinh học đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Phú Yên và Sách đỏ Việt Nam 2007, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có hơn 13 loài thực vật (trong đó có nhiều cây dược liệu quý) đang đứng trước nguy cơ đe dọa cần được bảo tồn.

Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang quay về với xu hướng sử dụng các sản phẩm thuốc, chăm sóc sức khỏe… có nguồn gốc tự nhiên bởi sự lành tính, ít tác dụng phụ, thì Phú Yên, dù được các chuyên gia đánh giá có nguồn cây thuốc nam phong phú, quý hiếm nhưng vẫn chưa được khai thác hợp lý dẫn tới mai một dần. TS Nguyễn Bá Hoạt, nguyên Viện phó Viện Dược liệu cho rằng, cây thuốc nam Phú Yên đang “ngủ quên”.

Năm 2018, tạp chíAnnales Botanici Fennici uy tín của Phần Lan chuyên về dược liệu đã đưa tên của kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh gắn cho loại cây cam thảo Đá Bia (Jasminanthes Tuyetanhiae T.B.Trần & Rodda Apocynaceae), loài cây đặc hữu của Phú Yên lần đầu tiên được phát hiện trên thế giới và định danh bởi Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu Miền Trung… Đây làmột trong số những cây dược liệu quý sinh trưởng và phát triển trên vùng đất Phú Yên, vốn được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn cây dược liệu phong phú.

Làmột thợ rừng có thâm niên 30 năm, từng có nhiều thời điểm, việc thu hái dược liệu tự nhiên trở thành nguồn sinh kế, ông Nguyễn Văn Bích xã Hòa Xuân Đông, TX Đông Hòa vànhiều thợ rừng khác đã từng đi qua hết mùa lan kim tuyến đến mùa hạt ươi, rồi sa nhân tím, bách bệnh ở vùng núi đèo Cả (TX Đông Hòa), Sơn Hòa. Khi cơn sốt cam thảo Đá Bia rộ lên, ông Bích cùng cả đoàn người kéo nhau lên núi để khai thác. “Trên núi, mỗi mùa lại có những loại cây dược liệu khác nhau sinh trưởng, phát triển. Qua một mùa khai thác, mùa sau chúng lại tự mọc lên, chúng tôi chỉ cần lần theo những địa điểm cũ để thu hái. Cây dược liệu tự nhiên có giá rất đắt, nên vào các thời điểm cây phát triển rộ, chúng tôi có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày”, ông Bích cho biết.

Xác định vùng đất Phú Yên lànơi sinh trưởng và phát triển của nhiều cây dược liệu đặc hữu, năm 1987, Công ty Dược liệu Trung ương 2 chọn vùng đất “cát bay, cát nhảy” ở phường Hòa Hiệp Nam, TX Đông Hòa để thành lập Trại nghiên cứu cây dừa cạn. Có mặt trong đoàn nghiên cứu trong các chuyến đi khảo sát khắp các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên để chọn vùng đất phù hợp phát triển cây dược liệu, kỹ sư Tuyết Anh nhận thấy Phú Yên là vùng đất đầy tiềm năng. Vì vậy, năm 2007, khi Công ty Dược liệu Trung ương 2 tiến hành cổ phần hóa, kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh đã mua lại cổ phần vàtrởthành Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu Miền Trung.

Bằng bàn tay, khối óc và tình yêu với cây dược liệu, trung tâm trởthành nơi nghiên cứu và sản xuất dược liệu hàng đầu của Việt Nam, là đối tác uy tín của những công ty dược phẩm lớn trong nước như Traphaco, Bidiphar, Nam Dược…. Từ trung tâm này, cây dừa cạn trồng tại Phú Yên lần đầu tiên xuất khẩu thành công sang Hungary và tiếp đó là hàng chục loài dược liệu khác xuất khẩu sang Đức, Nhật, Pháp, Đài Loan. Trung tâm hiện cung cấp cho thị trường hơn 10 sản phẩm chất lượng cao từ thảo dược, trong đó sản phẩm trà diệp hạ châu được trồng theo tiêu chuẩn GACP-WHO vừa được công nhận làsản phẩm OCOP của tỉnh Phú Yên.

Đánh giá cao sự phong phú của cây dược liệu Phú Yên, TS Nguyễn BáHoạt, nguyên Viện phó Viện Dược liệu, cho biết: Phú Yên là địa phương được thiên nhiên ưu đãi, có hơn 2.000 loại cây thuốc nam, trong đó nhiều loại cây có giá trị làm dược liệu như bình vôi, hoàng đằng, dó gạch, hà thủ ô đỏ, bách bệnh, xạ đen, gừng dó, vàng đắng, đinh lăng lá xẻ, sâm cau, bạch hoa xà thiệt thảo, bạch hạc, ba kích tím, cà gai leo, xáo tam phân, sa nhân...; nhiều loại trong đó tích lũy các hoạt chất tương đối cao.

Phú Yên có nguồn cây dược liệu phong phú. Trong ảnh: Bác sĩ Lê Văn Thức (bên phải), nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền sưu tầm cây thuốc tại rừng Ea Trol (huyện Sông Hinh). Ảnh: THÁI HÀ

Phú Yên có nguồn cây dược liệu phong phú. Trong ảnh: Bác sĩ Lê Văn Thức (bên phải), nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền sưu tầm cây thuốc tại rừng Ea Trol (huyện Sông Hinh). Ảnh: THÁI HÀ

Đứng trước nguy cơ suy giảm

Những năm gần đây, dưới áp lực của sự phát triển kinh tế và sự gia tăng dân số, nguồn tài nguyên rừng nói chung, cây thuốc nói riêng đang bị suy giảm nghiêm trọng. Những cây thuốc có giá trị được thương mại hóa, cung cấp cho thầy thuốc đông y, công ty dược phẩm với giá thành ngày càng cao và đang bị khai thác cạn kiệt. Những cây ít giá trị hoặc chưa được nghiên cứu cũng bị tàn phá nhường chỗ cho việc sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Tại Phú Yên, không hiếm những lần cơn sốt dược liệu nổi lên để sau đó, mỗi đợt thu hái đi qua, số cây thuốc còn lại trong tự nhiên ngày càng ỏi.

Còn nhớ, hơn 10 năm trước, người dân TX Đông Hòa đổ xô đi hái diệp hạ châu về phơi khô bán cho các vựa thu mua với giá vài chục ngàn đồng/ký. Chỉ trong một thời gian ngắn, cây diệp hạ châu vốn rất dễ sinh sôi, phát triển cũng trở nên hiếm hoi. Kịch bản này tiếp tục lặp lại với cây nhàu dùng ngâm rượu chữa xương khớp, cây bách bệnh, cây xáo tam phân, lan kim tuyến. Ở các huyện miền núi, các cây dược liệu truyền thống như sa nhân, hạt ươi bay cũng bị khai thác cạn kiệt. Năm 2015, vùng núi Sơn Hòa sốt xình xịch với cây hoa cỏ vàng được mua cả triệu đồng/kg để xuất khẩu, phục vụ nghiên cứu điều trị bệnh parkinson… Đến nay, dù được thu mua với giácao nhưng người dân không còn để bán.

Sau nhiều năm gắn bó với núi rừng, ông Bích nghỉ hẳn để vào TP Hồ Chí Minh làm bảo vệ cho một công ty vì không thể tiếp tục sống được với nghề này. Ông Bích chia sẻ: “Ban đầu, tôi làm thợ đục đá, đốt than, hái củi nhưng sau đó, các hoạt động này bị cấm nên tôi chuyển sang hái dược liệu. Thời gian đầu khi phát hiện núi đèo Cả có lan kim tuyến, một người có thể hái được 2-3kg lan, bán được tầm 2 triệu đồng mỗi ngày. Sức hút từ sản vật quý của núi rừng lôi kéo rất nhiều người lên núi nên sau một thời gian ngắn, sốlượng lan kim tuyến giảm đi hẳn, muốn tìm một nhánh lan cũng khó. Tương tự, cây ươi cũng vậy, mất 4 năm mới ra trái một lần nhưng mỗi lần khai thác là người ta chặt cả cây. Qua nhiều đợt khai thác ồ ạt như vậy, rừng mai một dần, không còn là sinh kế của những người dân sống dưới chân núi đèo Cả”.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, khoảng 10 năm gần đây, nhu cầu về cây dược liệu ngày càng tăng trong khi nhận thức của người dân chưa được trang bị đầy đủ, cộng với công tác quản lý chưa chặt chẽ đã khiến cho việc khai thác tài nguyên dược liệu thường diễn ra bừa bãi, làm giảm khả năng tái sinh của các loài. Việc thu hái mang tính tự phát, thiếu căn cứ khoa học về mùa vụ, độ tuổi, bộ phận thu hái, khả năng hồi phục; khai thác quá mức, tận diệt vì mục đích thương mại đã khiến cây dược liệu ngày càng khan hiếm.

Kỳ cuối: Chung sức bảo tồn cây thuốc

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/89/261962/danh-thuc-tiem-nang-cay-duoc-lieu-phu-yen-ky-1.html