Đánh thuế tài sản, thuế nhà: Sao cho 'vừa lòng nhau'
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tháng 3 này Bộ Tài chính lấy ý kiến về các chính sách thu thuế bất động sản (BĐS), bao gồm việc đánh thuế nhà và tài sản nhằm xây dựng đề cương báo cáo rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi. Nhiều ý kiến đồng tình đánh thuế nhà và tài sản vì cho rằng việc này cần thiết trong bối cảnh BĐS sốt giá, tuy nhiên cần thận trọng khi đánh thuế vì có thể tác động tiêu cực đến thị trường.
Đừng để lỡ hẹn
Bộ Tài chính đã có công văn gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc nghiên cứu rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi các Luật thuế.
Đáng chú ý, trong lần này Bộ Tài chính cũng có đề nghị các bộ, ngành, địa phương đưa ý kiến đề xuất sửa đổi nội dung cụ thể tại Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Đồng thời bổ sung nội dung mới cần quy định tại Luật, bao gồm đề xuất có gộp 2 Luật thuế kể trên hay không; bổ sung đánh thuế đối với nhà và nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hay BĐS (nếu có).
Bộ Tài chính cũng lưu ý trong góp ý cần có đánh giá tác động của nội dung đề xuất sửa đổi đối với kinh tế - xã hội, doanh nghiệp, người dân, ngân sách nhà nước và tính cấp thiết của nội dung đề xuất.
Từ cuối năm 2009, Dự án Luật Thuế nhà, đất gồm 15 điều đã được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, dự án luật này đã “lỡ hẹn”. Cho đến năm 2018, dự thảo Luật Thuế tài sản cũng không nhận được sự đồng tình của nhiều người dân, doanh nghiệp, thậm chí cả cơ quan nhà nước nhưng sau đó lại bị trôi vào quá khứ. Cũng trong kịch bản năm 2018, tại dự thảo Luật thuế tài sản trình Chính phủ, Bộ Tài chính dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên. Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng hai phương án đánh thuế: một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên, đề xuất này không nhận được sự đồng thuận của dư luận nên chưa đưa vào chương trình xây dựng Luật.
TS Nguyễn Ngọc Tuyến- nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, muốn thực hiện được Luật Thuế tài sản, đánh thuế nhà ở này cần giải quyết vấn đề bất đồng bộ giữa các bộ luật, nhất là đối với vấn đề xác định giá đất để tính thuế.
Theo TS Trần Đình Thiên- nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhiều người có nhiều tài sản, đánh thuế sẽ lộ ra sở hữu nhiều BĐS. Việc đánh thuế tài sản là để bảo vệ lợi ích cho người dân chứ không phải điều tiết xã hội.
Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng, với người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Với người chậm đưa đất vào sử dụng cũng bị đánh thuế cao nhằm triệt tiêu ý chí “găm giữ” đất, chống đầu cơ đất đai. Trong trường hợp thị trường BĐS bị đầu cơ thì có thể áp dụng thuế suất rất cao để triệt tiêu ý chí đầu cơ.
Không vin vào thuế để đẩy giá bất động sản lên cao
Một số chuyên gia BĐS thừa nhận, sốt đất vẫn lặp lại, thị trường chưa xử lý triệt để được chuyện sốt đất, mặc dù đã có nhiều biện pháp xử lý. Thậm chí, các chuyên gia đề xuất rất nhiều lần đánh thuế BĐS căn nhà thứ 2 để ngăn ngừa đầu cơ, tích trữ BĐS dưới dạng có BĐS nhưng để hoang hóa, giữ đất nhưng đầu tư cầm chừng, sử dụng đất không hiệu quả.
Theo GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, kinh nghiệm của các nước công nghiệp, thuế BĐS được tính theo thuế suất cơ bản 1% tính trên giá trị đất đai theo thị trường, chiếm tỉ trọng 50%-90% nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Tại đô thị và nông thôn đóng thuế cao thấp khác nhau, tùy theo từng vùng. Do đó, mỗi người tùy theo khả năng thu nhập của mình mà lựa chọn nơi ở cho phù hợp.
Tại Việt Nam, thu thuế BĐS hiện nay chỉ với thuế suất cơ bản 0,03% giá đất của nhà nước, tức là chỉ khoảng 0,01% giá đất thị trường. Tổng thu từ thuế sử dụng đất chiếm khoảng 3% tổng thu ngân sách từ đất, tức là chỉ chiếm 0,6% tổng thu ngân sách địa phương. “So với các nước công nghiệp, quả là một trời một vực”- ông Võ nhấn mạnh.
Giới chuyên gia cho rằng, đánh thuế BĐS là cần thiết, không nên để lỡ hẹn nhiều nhưng cần cân nhắc, lo sợ các chủ đầu tư sẽ vin vào thuế má để đẩy giá BĐS lên. Do vậy khi xây dựng dự thảo, có thể xem xét xây dựng hệ thống biểu phí, thuế lũy tiến đối với việc sở hữu BĐS thứ hai trở đi và lũy tiến theo diện tích sử dụng, giá trị BĐS; hoặc mục đích sử dụng.
Mới đây, Bộ Tài chính cũng vừa có công văn về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS.