Danh vị hão

Buổi sáng thứ hai, vừa vào tham dự cuộc họp đầu tuần triển khai nhiệm vụ của cơ quan, bất chợt tôi nhận được tin nhắn từ một người mời đến dự buổi bảo vệ luận án tiến sĩ. Ngạc nhiên vì thấy số máy lạ, tôi gửi tin nhắn nhã ý hỏi lại danh tính người gửi, thì ít phút sau có tiếng chuông điện thoại, mở máy ra mới biết người gọi là bạn học cùng khóa từ thời đại học cách đây khoảng hai chục năm.

Sau một chút ngẫm ngợi, hình dung, tôi nhận ra người bạn-cậu ta từng mang biệt danh gắn với chữ “bụi”. Chả là thời đại học, cậu ta rất ngại việc học, mà hay lang thang ở đường phố, vỉa hè, quán cóc để chơi bời, “chém gió”. Trong mấy năm đại học, hầu như năm học nào cậu ta cũng “dính” vài ba môn phải thi lại, thậm chí năm cuối suýt không có bằng tốt nghiệp vì cái tội chơi nhiều hơn học. Ra trường, nhờ có ông chú họ “bảo lãnh”, cậu ta may mắn được về công tác tại một cơ quan trên địa bàn thành phố. Hoạt ngôn, lanh lợi, lại thêm chút la cà, chơi thân với dân “cò mồi” bất động sản nên cậu ta sớm trở nên giàu có hơn so với bạn bè đồng môn. Sau hơn chục năm công tác, nhìn thấy bạn bè phần lớn đều thăng chức, thăng quyền, còn mình thì vẫn lẹt đẹt ở cái thế chuyên viên, thế là cậu ta làm hồ sơ đi học cao học, rồi sau đó tiếp tục làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Mất đâu hơn bảy năm, vừa rồi cậu mới bảo vệ cũng gọi là “thành công” luận án tiến sĩ một chuyên ngành thuộc ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Sau khi bảo vệ xong, cậu ta tổ chức bữa tiệc hoành tráng mời thầy cô, bạn bè, gia đình, người thân đến dự. Lúc là ngà, giọng cậu ta “thăng hoa” đầy vẻ tự hào: “Phần lớn các bạn phấn đấu có chức vụ, chức danh. Còn tớ chẳng có gì ngoài cái mác chuyên viên thường, nhưng từ nay tớ có học vị tiến sĩ rồi. Các bạn chớ coi thường tớ nhé!”. Rồi cậu ta nổi hứng đọc câu thơ của cụ Nguyễn Công Trứ: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. Tiến sĩ cũng danh giá đấy chứ, đúng không các bạn?”.

Không nói ra thì hầu như bạn bè tôi có mặt hôm đó cũng đều ngầm hiểu cái danh tiến sĩ mà cậu ta vừa sở hữu, phần nhiều không phải do cậu tự tích lũy, nghiên cứu kiến thức mà có được. Vì cậu ta chỉ thích buôn bán, kinh doanh bất động sản, chứ đâu đủ sức kiên trì, miệt mài với việc “sôi kinh nấu sử” ngày đêm để có được tấm bằng học vị danh giá ấy. Thôi thì, như một người bạn tôi nói, được cái tính tình cậu ta xởi lởi, mồm mép hơi ba hoa song cũng chả hại ai bao giờ; chắc xã hội có thêm một tiến sĩ như cậu ta thì thiên hạ vẫn hưởng thái bình!

Làm tiến sĩ dễ hay khó? Có người bảo khó vô cùng, chỉ người có tư duy tốt, trí tuệ thông minh, vốn liếng tri thức đầy đặn và phải thật sự đam mê, tâm huyết với công việc nghiên cứu khoa học mới có thể đi theo con đường học vấn cao cấp này. Song từ câu chuyện có thật của một người bạn, lại nghĩ đến chuyện mấy chục người (trong đó có cả quan chức) vừa mới đây bị phát hiện mua văn bằng, chứng chỉ tiếng Anh từ một trường đại học để làm luận án tiến sĩ, tôi mới thấy cái học vị cao quý này thời nay cũng “rẻ rúng” làm sao!

Không thể phủ nhận đại đa số những người đã, đang làm tiến sĩ ở nước ta thật sự là những bậc trí thức chân chính, góp phần thúc đẩy sự nghiệp nghiên cứu khoa học của nước nhà phát triển tiến bộ, lành mạnh. Còn một số người nào đó tìm mọi cách để có bằng tiến sĩ nhằm mục đích tiến thân trong bộ máy công quyền, hay đơn giản chỉ muốn tô điểm cho cái danh hào nhoáng của cá nhân mình, thì họ không xứng đáng với cái danh kẻ sĩ giàu khí tiết và trọng danh dự, liêm sỉ!

NGÔ DƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/danh-vi-hao-648274