Đảo chiều nhập khẩu sẽ là chỉ dấu tích cực cho phục hồi sản xuất

Do những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu, nhu cầu thế giới giảm nên việc sụt giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu và máy móc phục vụ sản xuất trong nửa năm qua là lẽ đương nhiên. Tuy vậy, vẫn có những kỳ vọng sớm cải thiện sản xuất trong các tháng tới, cũng như việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng hướng về Việt Nam sẽ hỗ trợ sự phục hồi mạnh mẽ hơn. Và sự đảo chiều của nhập khẩu sẽ là chỉ dấu hiệu tích cực cho sự phục hồi này.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch nhập khẩu (NK) hàng hóa hồi tháng 6/2023 ước đạt 26,71 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước. Tuy chỉ tăng khiêm tốn nhưng có thể thấy đó là một chỉ dấu tích cực nếu như các doanh nghiệp (DN) tăng NK nguyên phụ liệu và máy móc để phục vụ cho sản xuất trong các tháng tới.

Đơn hàng nhích lên, nhập khẩu sẽ trở lại

Bởi lẽ, trước đó vào quý 1/2023 kim ngạch NK ước đạt 76 tỷ USD, giảm tới 22,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch NK hàng hóa ước đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 53,22 tỷ USD, giảm 19%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 98,98 tỷ USD, giảm 17,8%.

Việt Nam được đánh giá là thị trường có nhu cầu cao về nhập khẩu máy móc thông minh để phục vụ sản xuất.

Việt Nam được đánh giá là thị trường có nhu cầu cao về nhập khẩu máy móc thông minh để phục vụ sản xuất.

Lý giải về việc kim ngạch NK sụt giảm mạnh trong nửa năm qua, Bộ Công Thương chỉ rõ do những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu, nhu cầu thế giới giảm nên nhu cầu NK nguyên liệu phục vụ sản xuất để xuất khẩu giảm.

Tuy vậy, Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng điểm đảo chiều của NK sẽ là dấu hiệu sớm về sự phục hồi sản xuất. Như hồi tháng 5/2023, sự cải thiện trong NK của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) so với tháng trước cũng như tốc độ giảm so với cùng kỳ đã đưa ra tín hiệu tích cực giữa những dữ liệu đáng thất vọng.

Điều này cần đặt giữa bối cảnh có nhiều tác động tiêu cực đến cả sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm nay. Hoạt động sản xuất các mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu cũng đã chậm lại suốt thời gian qua.

Trao đổi với VnBusiness, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp.HCM, cho biết sau thời gian hoạt động sản xuất đình đốn vì thiếu đơn hàng trầm trọng thì các DN trong ngành đang kỳ vọng đơn hàng sẽ nhích lên 20% trong quý 3/2023. Khi đó, hoạt động NK nguyên phụ liệu để phục vụ cho sản xuất sẽ trở lại khả dĩ hơn.

Còn những tháng vừa qua, theo ông Hồng, khi thiếu đơn hàng xuất khẩu, sản phẩm làm ra bán không được thì lẽ đương nhiên NK nguyên phụ liệu, máy móc của DN sụt giảm theo. Họ không thể nào mạo hiểm NK nhiều rồi lại phải chịu cảnh tồn kho.

Bước vào quý 3 này các DN trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo hy vọng việc phục hồi sản xuất sẽ tốt so với giai đoạn ảm đạm vừa qua nếu như đơn hàng xuất khẩu được cải thiện và tăng sức mua ở thị trường tiêu thụ trong nước. Khi đó, hoạt động NK hàng hóa, nguyên phụ liệu và máy móc phục vụ sản xuất sẽ tăng trưởng tốt hơn.

Triển vọng từ tái cấu trúc chuỗi cung ứng hướng về Việt Nam

Chẳng hạn như việc NK máy móc, thiết bị. Số liệu nửa năm qua cho thấy NK máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 19,7 tỷ USD, giảm 12,3% so cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, xét về triển vọng NK máy móc, thiết bị trong thời gian tới được đánh giá sẽ tích cực hơn. Tại Triển lãm và Hội thảo Quốc tế lần thứ 19 về Cơ khí Chính xác và Sản xuất Chế tạo (MTA Vietnam 2023) tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 4/7, bà Karen Yu, Giám đốc Hiệp hội phát triển ngoại thương Đài Loan (TAITRA) tại Tp.HCM, nhận định Việt Nam sẽ vẫn là thị trường phát triển nhanh, các DN ở đây đang có nhiều cơ hội phục hồi sản xuất trong thời gian tới.

Vì thế, theo bà Karen Yu, các nhà cung cấp máy móc của Đài Loan vẫn đang nhắm vào lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam. Nhất là cần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng các loại máy móc có những công nghệ, giải pháp nhất và tốt nhất cho DN Việt để cải thiện sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Còn theo Tổng giám đốc Công ty Informa Markets Việt Nam - ông BT Tee, Việt Nam đang chiếm một vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều mà các DN Việt cần trong lúc này là làm sao đầu tư được các loại máy móc mới có tính chất tự động hóa để phục vụ sản xuất tốt hơn, nhanh hơn, cho ra sản phẩm với giá thành rẻ hơn, nhằm tăng sức cạnh tranh trong hoạt động XK và cả trên thị trường nội địa.

Đứng ở góc độ của một nhà cung cấp máy móc tự động hóa hàng đầu châu Âu cho các DN, ông Lê Hoàng Việt - Tổng giám đốc Bosch Rexroth Việt Nam, nhận định thị trường Việt Nam nắm giữ chìa khóa để mở ra các cơ hội cho mô hình Nhà máy thông minh ở Đông Nam Á.

“Nhất là khi bối cảnh công nghiệp của Việt Nam đang ngày càng phát triển, rất cần hỗ trợ tối đa cho nền công nghiệp địa phương với các giải pháp toàn diện và công nghệ tiên tiến, trong đó có việc tối ưu hóa hoạt động, nâng cao năng suất và dẫn đầu trong cuộc đua cạnh tranh toàn cầu”, ông Việt nói.

Cần nói thêm, trong nhận định về triển vọng nửa cuối năm 2023 và liên quan đến vấn đề xuất khẩu, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán MayBank (MBKE) có lưu ý việc tái cấu trúc chuỗi sản xuất cung ứng hướng về Việt Nam sẽ hỗ trợ sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong xuất khẩu và sản xuất khi nhu cầu toàn cầu tăng lên do năng lực sản xuất cao hơn.

Nhất là Việt Nam đang tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vì được hưởng lợi trước động lực ngày càng tăng đối với việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Dòng vốn FDI được dự đoán sẽ mang lại “làn gió mát” cho chuỗi cung ứng, để thúc đẩy sự phục hồi xuất khẩu khi nhu cầu toàn cầu tăng lên.

Do đó, điều hy vọng là những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu sẽ dần trôi qua, sức mua thị trường tiêu dùng trong nước dần cải thiện. Khi đó, việc tăng nhập khẩu máy móc, nguyên phụ liệu sẽ là một trong những chỉ dấu tích cực cho phục hồi sản xuất.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/dao-chieu-nhap-khau-se-la-chi-dau-tich-cuc-cho-phuc-hoi-san-xuat-1093657.html