Đạo lý của người xưa - phép tắc để giữ thân

Nhận biết các quy luật của cuộc sống để ứng xử và đối đãi với mình, với người - đó là những giá trị cơ bản được đúc kết trong các bài học của cổ nhân cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cuốn 'Đạo lý của người xưa' nằm trong bộ 4 cuốn của Cổ học kỳ thư có thể được ví von là 'túi khôn', cẩm nang sống của cổ nhân.

Sách chọn lọc những câu chuyện kể, hoặc thông qua đối đáp của những nhân vật nổi tiếng của Trung Hoa xưa được đúc kết trong các bộ sách kinh điển như Đại học, Luận ngữ, Mạnh Tử, Đạo đức kinh...

Sách được chia thành 7 phần, như một chặng hành trình của một quân tử tu thân, tề gia bằng các mối quan hệ cha con, vợ chồng, thầy trò, ứng xử trong làng, bản, với láng giềng và rộng ra là đạo lý trị nước.

Tu thân “phải biết đến nơi tận cùng của điều thiện sau đó ý chí kiên định, tâm tư tĩnh lặng, nghĩ suy thông suốt và mới đạt được điều mong muốn”. Người quân tử giữ được ý niệm chân thành, giữ được trung dung. Nói như Khổng Tử, người nhân đức thì sẽ không cô độc, nhất định sẽ có người tìm đến với mình. Nguyên tắc để hành động đó là: việc không hợp lễ thì đừng nhìn, nói không hợp lễ thì đừng nghe, lời không hợp lễ thì đừng nói và chuyện không lễ thì đừng làm.

Một tinh thần có lẽ đến nay trong đạo đức công vụ cũng cần suy ngẫm đó là: khi giữ chức vụ thì không oán trách công việc, ngay cả lúc về nhà cũng không ai oán trách gì.

Còn theo Mạnh Tử, tâm của mọi người giống nhau ở điểm đó là lẽ phải đó là đạo nghĩa. Ai cũng có lương tâm nhưng quả thực theo thời gian ít ai biết gìn giữ. Con đường để trị khí dưỡng tâm là theo lễ, không gì thiết yếu hơn người thầy giỏi, không gì thần diệu hơn là tập trung một cách kỹ lưỡng. Vậy nên, “người nông phu giỏi không bỏ bê cày cấy vì lũ lụt hay hạn hán, thương nhân giỏi không từ bỏ buôn bán vì hàng hóa mất giá, kẻ sĩ và quân tử không biếng nhác đạo nghĩa vì đời sống bần cùng”.

Cổ nhân rất quan tâm đến việc giữ gìn thân tâm ý của người quân tử. Đó là một hành trình gian nan phải dùng đạo nghĩa chung để chiến thắng dục vọng riêng. Hành trình ấy là kết quả của việc tu dưỡng 3 đức hạnh: kính trọng người già, không coi khinh kẻ khốn cùng và âm thầm làm việc tốt. Nếu sở hữu 3 quả phúc ấy, chắc chắn sẽ được trời đất chở che.

Trong sách cũng có nhắc tới những lời gia huấn của Tăng Quốc Phiên - một trí thức đại tài và suốt một đời trăn trở với gia đạo. Từ cuốn sách “Đại học” của Khổng Tử, Tăng Quốc Phiên đã suy xét với tinh thần: suy xét đến cùng quy luật của sự vật là để hiểu biết thấu đáo, thành ý là để gắng sức thi hành.

Tinh thần của cuốn cổ học kỳ thư này chính là sự linh hoạt, quyền biến. Ngay ở những lời người xưa, đều có sự đúc kết, chiêm nghiệm phù hợp với hoàn cảnh, tình hình chứ không cứng nhắc và giáo điều. Cụ thể, đạo tu thân, đạo hiếu hạnh, cổ nhân có ý: tuân theo đạo chứ không tuân lệnh vua, vâng theo nghĩa chứ không vâng lời cha. Từ phụng dưỡng đến cung kính, khiến cha mẹ an lòng, phải duy trì đến cùng tinh thần ấy ấy mới vẹn tròn đạo hiếu. Khi mẹ cha qua đời, đừng gieo tiếng xấu cho mẹ cha, như vậy mới là có trước có sau.

Các mối quan hệ như đạo vợ chồng - đạo lý dạy con, đạo lý học hành; những nguyên tắc ứng xử trong gia đình, nguyên tắc ứng xử ngoài xã hội; nguyên tắc kết giao bằng hữu luôn lấy sự chân thành làm gốc trong sự đối đãi. Sự chân thành đó không cầu ở nhiều, không cầu ở lợi, không cầu ở sự hoa mỹ bóng bẩy mà là thiện ý. Một lời thiện ấm hơn cả chăn bông, một việc thiện quý hơn cả ngàn vàng.

Đạo lý trị nước được xem là phép thử cao nhất của bậc quân tử khi đã hoàn thành tu chỉnh với chính mình, với người thân.

Phẩm chất cao nhất của người nắm quyền chính là chính trực. Theo luận giải của Khổng Tử thì chữ “chính” trong chính trị là chính trực. Các phẩm chất biểu hiện của người có khả năng đảm đương lo liệu chính sự: ban ơn mà không hao tốn, bắt dân lao động mà không ai oán hận, ham muốn mà chẳng tham lam, thư thái mà không kiêu ngạo, uy nghiêm mà không hung mãnh.

Có lẽ từ xưa tới nay, hoàn cảnh dẫu có khác nhau, thời thế triều đại dẫu có khác biệt, song các mối lo trong trị nước cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị: thành quách không giữ mà lo xây lâu đài; quân địch sát biên nhưng lân bang thờ ơ, hao phí sức dân vào việc vô ích; quan thì ham bổng lộc, vua thì lập pháp trong chuyên chế thiếu ý kiến phản hồi, phản biện; vua tự cho mình sáng suốt, không phòng bị dẫn đến họa từ các nước lân bang; kẻ vua tin thì bất trung, người trung thì không được tin tưởng; lương thực không tích trữ đủ, bề tôi không đủ sức chăm lo việc nước.

Thiết nghĩ những việc: khoan thư sức dân, dưỡng dân, tin dùng hiền tài, chăm lo xây dựng bảo vệ đất nước từ sớm từ xa, liêm chính vì dân đều là những kế hay gìn giữ xã tắc tổ tông muôn đời.

Người Việt luôn tôn kính bậc cao niên, trân quý kinh nghiệm của những người đi trước. Tri thức, hiểu biết của người xưa chính là di sản khắc phục nhanh nhất những lỗi sai thường gặp trên hành trình trải nghiệm của cả một đời người.

Đọc một cuốn sách hay, như gặp người thầy giỏi. Trong cuốn sách ấy lại có vô vàn tinh hoa của cổ nhân đã đúc kết, chiêm nghiệm qua thực tiễn, thì đúng là càng ngẫm càng thấm thía. Những điều tưởng như xưa cũ nhưng hoàn toàn có thể làm mới tâm trí bản thân, để mỗi người có thể giữ gìn tu dưỡng phẩm chất và sự kiên định của mình.

Nguyễn Hường

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/dao-ly-cua-nguoi-xua-phep-tac-de-giu-than-33473.htm