Đào tạo nghề - 'Chìa khóa' giảm nghèo ở vùng cao Sơn Động

Chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề đang ngày càng khẳng định ý nghĩa quan trọng trong hành trình thoát nghèo, giảm nghèo bền vững ở huyện vùng cao Sơn Động. Thông qua chương trình giúp nhiều lao động nông thôn có kiến thức, việc làm, thu nhập ổn định.

Cách đây hơn 10 năm, gia đình anh Hoàng Văn Quyết, dân tộc Nùng là một trong những hộ nghèo nhất thôn Trại Răng, xã Cẩm Đàn. Từ năm 2019 trở lại đây, vợ chồng anh lần lượt được tham gia các lớp đào tạo nghề trồng cây ăn quả, nuôi ong mật, được vay Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất.

 Mô hình nuôi ong dưới tán vải thiều của gia đình anh Hoàng Văn Quyết, thôn Trại Răng, xã Cẩm Đàn cho thu nhập ổn định.

Mô hình nuôi ong dưới tán vải thiều của gia đình anh Hoàng Văn Quyết, thôn Trại Răng, xã Cẩm Đàn cho thu nhập ổn định.

Mới đầu, anh Quyết mua 10 đàn ong mật đặt chuồng nuôi dưới tán vải thiều và trồng hơn 2 ha đất rừng. Nhờ có kỹ thuật chăm sóc, đến nay đàn ong phát triển lên gần 30 đàn, mỗi năm bán ra thị trường khoảng 200 lít mật, cho thu nhập hơn 30 triệu đồng. Ngoài ra, anh Quyết nhận thêm công việc chăm sóc vườn keo, bạch đàn cho các chủ rừng ở xa. Còn chị Nga - vợ anh Quyết sau khi học nghề được doanh nghiệp may mặc ở thị trấn tuyển vào làm việc. Anh Quyết kể: “Giờ đây gia đình tôi không còn nghèo đói nữa. Thu nhập hằng tháng từ các nguồn đủ để nuôi 2 con ăn học, trang trải chi phí sinh hoạt và một phần để đầu tư sản xuất”.

Những năm gần đây, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Sơn Động xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu thoát nghèo nhờ được đào tạo nghề cộng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: Anh Bế Văn Ân, thôn Sản, xã Hữu Sản được vay 100 triệu đồng để sản xuất các sản phẩm cơ khí, điện dân dụng; anh Trịnh Duy Thịnh, thôn Đông Bảo Tuấn, xã Tuấn Đạo với mô hình chăn nuôi trâu, bò...

Theo ông Triệu Ngọc Năm, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện Sơn Động, trong thực hiện chính sách an sinh xã hội nói chung, đào tạo nghề nói riêng, huyện có nhiều khó khăn bởi tỷ lệ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số khá đông. Nhiều người còn tư duy canh tác theo kinh nghiệm, thói quen xưa, chưa được đào tạo nghề bài bản nên hiệu quả sản xuất không bền vững.

 Thực hành sữa chữa điện dân dụng tại Nhà văn hóa thôn Thia Tu Nim, xã Lệ Viễn (Sơn Động).

Thực hành sữa chữa điện dân dụng tại Nhà văn hóa thôn Thia Tu Nim, xã Lệ Viễn (Sơn Động).

Thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, hằng năm từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, Phòng phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu với UBND huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề, hỗ trợ cây, con giống cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số hoàn cảnh khó khăn. Cùng đó, tiếp tục hỗ trợ cho người dân có điều kiện xây dựng mô hình sản xuất sau khi học nghề bằng nguồn vốn ưu đãi, các chương trình tập huấn, chuyển giao kỹ thuật thâm canh...

Thống kê của cơ quan chức năng huyện, giai đoạn 2021-2023, hơn 81% người lao động tốt nghiệp sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng có việc làm sau đào tạo. Đến hết năm 2023, địa phương đã hoàn thành vượt mức kế hoạch thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo của năm với 17/17 xã, thị trấn đều hoàn thành kế hoạch...

Năm nay, huyện Sơn Động phấn đấu đào tạo nghề cho khoảng 700 lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm đạt hơn 75%. Để đạt mục tiêu đề ra, Phòng LĐTBXH huyện đã và đang phối hợp với các cơ sở đào tạo mở lớp dạy nghề theo nhu cầu của người dân. Các lớp học tiếp tục đưa về thôn, bản, tổ dân phố và thực hành ngay trên đồng ruộng, ao cá, đàn vật nuôi để dễ áp dụng vào thực tế sản xuất. Cùng đó, thông qua hình thức tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tiếp, huyện kết nối với nhiều doanh nghiệp sử dụng nhân lực hoặc cung ứng nhân lực xuất khẩu lao động, tạo thêm nhiều cơ hội được học nghề, nâng cao kiến thức, kỹ năng, thêm cơ hội việc làm, thu nhập cho người lao động.

Bài, ảnh: Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/dao-tao-nghe-chia-khoa-giam-ngheo-o-vung-cao-son-dong-150615.bbg