Đập Đồng Cam, kiệt tác về xây dựng

Lãnh đạo tỉnh mở nước hệ thống thủy nông Đồng Cam phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: PV

Đập Đồng Cam trên sông Ba ở Phú Yên là công trình thủy lợi tiêu biểu do người Pháp khảo sát, thiết kế và xây dựng, là kiệt tác về xây dựng trong thế kỷ XX.

Ý tưởng thiết kế

Đập Đồng Cam là bầu sữa mẹ không bao giờ cạn, là mạch sống quê hương, là thắng cảnh, là điểm du lịch hấp dẫn. Đến đây, bạn chiêm ngưỡng sự vĩ đại, nhưng lại rất dung dị không tưởng của công trình. Nơi đây còn nét hoang sơ, huyền bí, núi rừng, nước non... là một thể thống nhất. Hàng năm, lễ hội đập Đồng Cam tổ chức vào mùng 8 tháng Giêng thu hút nhiều du khách, đặc biệt đón nhiều vị nguyên thủ quốc gia đến tham quan, thắp hương và trồng cây lưu niệm.

Trước khi có đập Đồng Cam, người dân đồng bằng Tuy Hòa cũng đã biết làm kênh mương dẫn thủy nhập điền để sản xuất nông nghiệp, nhưng toàn bộ cánh đồng Tuy Hòa chỉ sản xuất được một vụ lúa, hoàn toàn trông chờ vào nước trời. Mùa khô, cả cánh đồng rộng lớn biến thành vùng thảo nguyên khô cằn, các giếng đào sâu hàng chục mét cũng khô cạn; giá ruộng mật lúc bấy giờ rẻ, chỉ khoảng 20 đồng Đông Dương/ha.

Đập Đồng Cam có đập tràn dài 680m, cao 5-15m; hệ thống kênh dài 165km, tưới cho 19.000ha (hữu ngạn 11.000ha, tả ngạn 8.000ha). Thời gian khảo sát, thiết kế 14 năm, thi công từ năm 1924-1932; kinh phí hơn 3,6 triệu đồng Đông Dương.

Nhóm khảo sát, thiết kế đập Đồng Cam gồm 64 người, có người Pháp, người Việt, đặc biệt có cả ông Xu Pha Nu Vông, sau là Chủ tịch nước CHDCND Lào; kỹ sư trưởng Autoine Fayard gắn bó với việc tạo ý tưởng công trình. Ông Autoine Fayard vượt đèo lội suối, ăn ở, uống rượu cần với đồng bào, có khi ở lại làng Phú Sen phác họa đồ án con đập. Hơn 20 năm gắn bó với công trình đập Đồng Cam, ông để lại dấu ấn tốt đẹp, làm việc hết mình vì sự ấm no của người nông dân.

Qua khảo sát, người Pháp chọn đập đầu mối xây dựng ở thôn Mặc Hàn. Mặc Hàn sách chữ Hán viết là Thạch Hãn. “Hãn” có nghĩa là chống cự, ở đây nước phải chống cự với đá để vượt qua trườn tới, còn đá phải chống cự lại với nước để tồn tại. Phía nam là núi Quy Hậu, phía bắc là núi Trù Cát; sông Ba từ cao nguyên đổ về đến Mặc Hàn đột ngột thu hẹp lại, dưới lòng sông là đá nguyên khối, tạo nền móng vững chắc cho con đập.

Đập Đồng Cam có hình dáng như khuỷu tay chống vào hai bên sườn núi, tạo thành thế vững chắc. Chiều cao mặt đập là 22,4m so với mặt nước biển, là con số cực kỳ quan trọng vì liên quan tới mực nước từ sông Ba đổ về tràn qua đập, quyết định khối lượng, mực nước dâng để vào kênh chính. Có những năm nắng hạn kéo dài, mực nước hạ xuống 1,5m so với mặt đập, ta có thể đi bộ từ bờ nam sang bờ bắc và ngược lại, nhưng nước lúc nào cũng vào đầy 2 kênh chính. Hai đầu con đập là 14 cửa lấy nước và 2 cửa xả cát, xả sạn, có hệ thống van điều khiển đóng mở dễ dàng.

Du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại đập Đồng Cam. Ảnh: PV

Du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại đập Đồng Cam. Ảnh: PV

Huy động sức người, sức của

Toàn con đập được xây dựng bằng đá hộc, bên ngoài là đá lăng trụ được gọt đẽo rất tinh xảo, khai thác, gia công từ nơi khác rồi mang đến, bề mặt hình lục giác, các mạch vữa rộng đều nhau khoảng 2cm, trông xa như mặt tổ ong khổng lồ, một loại hình kết cấu đá siêu bền.

Trong diễn văn Toàn quyền Đông Dương Pasquier đọc ngày 7/9/1932 khánh thành đập Đồng Cam có đoạn viết: “Tôi nhớ hồi ấy, một dịp đến thăm công trường, tôi nói đùa bằng cách so sánh công việc của các kỹ sư chúng ta với công việc của một nhà trồng răng khỏe mạnh phi thường, nhằm bịt các lỗ răng sâu nằm trong chiếc quai hàm vĩ đại này, sau khi đã nạo sạch đến tận đá cứng bằng các máy khoan đá có công suất rất mạnh. Và phải mất hết 6 năm mới chinh phục được dòng sông này; chỉ còn lại việc xây dựng hệ thống các kênh chính và kênh phụ”.

Đập có 2 dòng kênh chính xuôi theo bờ sông Đà Rằng, các kênh nhánh cấp 1, cấp 2, tỏa khắp cánh đồng Tuy Hòa (trừ phía nam sông Bánh Lái); theo dòng chảy bên tả, các kênh nhánh mang tên số lẻ như kênh N1, kênh N3; bên hữu là số chẵn như kênh N2, kênh N4.

Kênh chính nam dài 9km, phía bắc dài 18km không có tưới, trên là núi cao, dưới là sông hiểm trở, có nhiều sông suối chia cắt; khi vượt qua suối phải làm lù ngầm, lúc thì làm cầu máng dẫn nước; kỹ thuật thiết kế, thi công hai đoạn kênh này vô cùng phức tạp, nhiều đoạn phải xử lý chống thấm nhiều lần. Tháng 11/1930, một trận lũ lớn phá vỡ hoàn toàn đoạn kênh chính nam, phải thay đổi từ kênh hở thành đường dẫn kín bằng bê tông cốt thép, khi lũ lớn, kênh ngập hoàn toàn trong nước. Vì thế, đội giá thành công trình lên cao.

Trên các tuyến kênh xây dựng nhiều đập dâng (ga). Vị trí ga là nơi thay đổi độ cao, nơi phân chia dòng chảy từ kênh lớn sang kênh nhỏ, có tác dụng điều phối nước cho từng dòng kênh, đoạn kênh để tưới cho các cánh đồng và hạn chế sạt lở bờ kênh. Mặt nước trong kênh mùa tưới luôn đầy ắp, có khi sát mép lề đường tưởng như lững lờ không chảy, chỉ gợn xao khi làn gió thổi qua.

Đập đầu mối khi xây dựng đã sử dụng 19.000m3 đá xây, phá 22.000m3 đá và 300.000m3 đất đá làm đường thi công, vận chuyển thủ công; với hơn 5,3 triệu ngày công, trung bình hàng ngày có 1.200 người, ngày cao điểm lên tới 5.000 người trên công trường; chủ yếu là người địa phương. Trong quá trình xây dựng xảy ra 20 lần sự cố, do mưa lũ làm sập vỡ hạng mục công trình, mất 3 năm thử tải, xử lý kỹ thuật. Nhiều tai nạn thi công, đắm đò, nổ mìn, bệnh tật làm 54 người chết. Khi hoàn thành công trình trên sườn núi Trù Cát thì tạo lập miếu thờ Sơn Vân, thờ thần núi, thần sông; lập bia tưởng niệm ghi danh 54 người mất và con đường dốc có 54 bậc thang, theo kiến trúc miếu mộ Huế thời nhà Nguyễn.

Ngày 7/9/1932 đi vào lịch sử, đập Đồng Cam được khánh thành, đưa nước về đồng, cây cối xanh tươi, xóm làng yên vui. Nhìn những dòng kênh nước trong xanh tự chảy như phép màu biến cánh đồng Tuy Hòa từ khô cằn thành thâm canh 2-3 vụ, mùa màng bội thu; giá ruộng lúc này tăng gấp 10 lần.

Trên đầu kênh bắc, nước trườn qua mặt đập như dải lụa vắt ngang tung bọt trắng xóa; phía trên đập nước trong xanh, phẳng lì như mặt gương rộng hàng trăm hécta; phía dưới đập nước chảy róc rách qua các khe đá, từng đàn cá bơi lội tung tăng, những hòn đá to nhỏ có hình thù kỳ thú do sự bào mòn của nước; những bụi cây xanh tốt qua mùa mưa lũ đang đâm chồi nảy lộc, những con chim chuyền cành hót líu lo. Dưới chân ta là cửa xả cát sùng sục làm việc hối hả suốt ngày đêm, bên cạnh là dòng nước êm ả trườn vào kênh chính. Thoang thoảng hương rừng, lòng ta xao động nhớ về quá khứ, mường tượng lại công lao những người tạo dựng, cao sừng sững như núi Trù Cát sau lưng.

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/234401/dap-dong-cam-kiet-tac-ve-xay-dung.html