Đáp ứng nhu cầu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Hoạt động dạy học 2 buổi/ngày ở cấp Tiểu học (TH) được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai, thực hiện từ năm học 2000 – 2001. Hoạt động trên đáp ứng sự phát triển giáo dục (GD), nhu cầu chăm sóc, GD trẻ em, giải quyết một phần tình trạng dạy thêm, học thêm.

Học sinh Tiểu học tại TX.Hồng Ngự tham gia lớp học 2 buổi/ngày

Học sinh Tiểu học tại TX.Hồng Ngự tham gia lớp học 2 buổi/ngày

Tổ chức hoạt động dạy học 2 buổi/ngày, Sở GD&ĐT đã vận động, tuyên truyền đến phụ huynh học sinh (HS), cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thống nhất về chủ trương. Ngành GD cũng có các bước chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân sự, các nguồn xã hội hóa trước khi triển khai, thực hiện. Sở GD&ĐT xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, theo đó mỗi đơn vị trường xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt, tự chủ, sát đối tượng, điều kiện dạy học; lấy ý kiến phụ huynh HS trên tinh thần tự nguyện.

Chương trình giảng dạy điều chỉnh phù hợp với lứa tuổi, thời lượng, không gây quá tải, tập trung GD kỹ năng sống, tuyệt đối không được dạy trước chương trình, bồi dưỡng HS gặp khó khăn trong học tập. Khối lớp TH được ưu tiên mở 2 buổi/ngày là khối lớp đầu cấp (lớp 1), cuối cấp (lớp 5). Hoạt động thu chi đối với việc dạy học 2 buổi/ngày phải thống nhất, công khai tại đơn vị. Phòng GD&ĐT các địa phương tham mưu xây dựng cơ sở vật chất, tận dụng các phòng, lớp học hiện có đảm bảo đủ số lớp, tiết kiệm chi phí cho phụ huynh HS. Các đơn vị trường thực hiện dạy 2 buổi/ngày chọn những giáo viên có nghiệp vụ chuyên môn giỏi, nhiệt tình, kỹ năng soạn giảng bài đáp ứng yêu cầu của Ban giám hiệu, Tổ chuyên môn. Giáo viên nắm vững chất lượng học tập của HS, mức độ tiếp thu bài của từng em và có cách phân bổ thời gian bồi dưỡng phù hợp.

Đa số phụ huynh HS ủng hộ việc cho con học 2 buổi/ngày. Chị Nguyễn Thị Thu ngụ đường Lê Anh Xuân, phường 2, TP. Cao Lãnh cho biết: “Vợ chồng tôi đều bận công việc, sáng cho con ăn, đưa con đến trường. Buổi trưa đăng ký cơm cho con ăn tại trường, sau đó con vào học, chiều mới rước con về. Để chăm sóc con tốt hơn, thỉnh thoảng tôi cũng rước con về nhà. Học 2 buổi/ngày rất tiện vì con được học, sinh hoạt nề nếp, biết tự vệ sinh cá nhân...”. Trọng tâm chương trình học được giáo viên dạy vào buổi chính khóa, vào buổi chiều các em được rèn thêm kỹ năng ngoại khóa, học ngoại ngữ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục. Đối với những HS yếu, trung bình, giáo viên tranh thủ thời gian buổi chiều để kèm HS những môn học còn yếu.

Toàn tỉnh hiện có 268/311 trường TH thực hiện việc dạy học 2 buổi/ngày, tỷ lệ hơn 86%. Trong đó các trường có 100% lớp học thực hiện 2 buổi/ngày, trường có một số lớp thực hiện 2 buổi/ngày, trường có số lớp học thực hiện trên 5 buổi/tuần, trường tổ chức bán trú chiếm tỷ lệ từ trên 16% - 72,99%. Bên cạnh những thuận lợi vẫn tồn tại những khó khăn như các điểm trường thiếu phòng học, phòng chức năng, thiếu sân chơi, nơi sinh hoạt chuyên biệt dành cho bộ môn âm nhạc, ngoại ngữ, HS tan trường chưa phù hợp với giờ làm việc của các cơ quan nhà nước gây khó khăn trong việc đưa, rước.

Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là một trong những nội dung chuẩn bị triển khai Chương trình GD phổ thông mới. Theo lộ trình đến năm 2024 sẽ dạy học 2 buổi/ngày cho tất cả các lớp TH. Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng chức năng trực thuộc Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các địa phương quan tâm rà soát, sắp xếp các đơn vị, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, áp dụng Chương trình GD phổ thông mới. Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng phối hợp với sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh phân bổ các nguồn vốn theo lộ trình, đào tạo, tuyển dụng, bố trí đội ngũ giáo viên đủ tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo quy định.

C.PHƯƠNG

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/newsdetails/1d3fe18ff1d/dap_ung_nhu_cau_gop_phan_nang_cao_chat_luong_giao_duc_toan_dien.aspx