DAP - Vinachem (DDV) lợi nhuận nửa đầu năm giảm gần bằng 0 do giá hàng hóa sụt giảm mạnh
DAP - Vinachem (DDV) giải trình kết quả kinh doanh yếu kém nửa đầu năm do giá bán ra hàng hóa giảm mạnh, lợi nhuận nửa đầu năm gần như bằng 0.
Lãi sụt giảm về gần như bằng 0, DAP Vinachem vẫn trả cổ tức tỷ lệ 5%
CTCP DAP Vinachem (Mã DDV) vừa ra thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để trả cổ tức đợt cuối năm 2022 vào ngày 21/8/2023 tới đây.
Theo phương án chi trả cổ tức ban đầu, công ty sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%. Đồng nghĩa với việc mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 500 đồng tiền cổ tức. Thời gian thực hiện chi trả dự kiến vào ngày 8/9/2023.
Hiện tại trên thị trường đang có 146 triệu cổ phiếu DDV được lưu hành, tương đương với việc DDV sẽ cần phải chi ra khoảng 73 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Trong đó, cổ đông nắm lượng cổ phần lớn nhất là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Vinachem sở hữu hơn 93,5 triệu cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 64% vốn điều lệ sẽ nhận về cổ tức khoảng 46,75 tỷ đồng.
Phương án chi trả nốt cổ tức 5% của DAP Vinachem diễn ra trong bối cảnh đơn vị này ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa từ quý 4/2022 và cả trong nửa đầu năm 2023.
Liên tiếp 4 quý tăng trưởng âm, DAP Vinachem nói gì?
Giai đoạn tăng trưởng âm của DAP Vinachem bắt đầu từ quý 3/2022 khi doanh thu đơn vị ghi nhận 741,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 16,9% xuống chỉ còn 56,9 tỷ đồng so với cùng kỳ. So với quý 2 ngay liền trước, lợi nhuận của DDV chỉ bằng 1/3.
Sang đến quý 4/2022, doanh thu công ty tăng lên 807,6 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế giảm sâu tới 78,5% so với cùng kỳ, chỉ còn 7,1 tỷ đồng. Bước sang quý 1/2023, kết quả kinh doanh của DAP Vinachem thậm chí còn gây thất vọng hơn nữa khi lãi sau thuế chỉ còn vỏn vẹn 144 triệu đồng dù doanh thu vẫn ở mức 737,1 tỷ đồng.
Sang quý 2/2023, DDV đạt doanh thu thuần 814,4 tỷ đồng trong khi giá vốn hàng bán tăng tới 15,3%, lên mức 779,4 tỷ đồng. Giá vốn tăng khiến cho lợi nhuận gộp công ty giảm hơn 5 lần, từ 181,8 tỷ cùng kỳ xuống chỉ còn 35 tỷ đồng dù doanh thu không giảm sâu.
Đa phần các chi phí khác của DDV đều không thay đổi quá nhiều nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng gấp 3 lần, từ 6,2 tỷ lên tới 20,3 tỷ đồng. Lãi sau thuế của DDV sau khi trừ hết các chi phí còn lại ở mức tượng trưng chỉ 885 triệu đồng.
Giải trình về kết quả kinh doanh bết bát này, DDV cho biết sản lượng hàng tiêu thụ trong quý 2 tăng thêm 24,9 tấn, lên mức 67 tấn. Lượng tiêu thụ tăng 59,2% so với cùng kỳ. Tuy sản lượng tiêu thụ cao nhưng doanh thu mang về vẫn giảm hơn so với cùng kỳ bởi giá bán liên tục giảm sâu. Giá bán bình quân đã trừ chiết khấu kỳ này là 12,1 triệu đồng/tấn trong khi cùng kỳ lên tới 20,1 triệu đồng/tấn.
Điều này dẫn tới tình trạng hàng bán được, nhưng doanh thu không tăng, chi phí giá vốn lại đội lên khiến lợi nhuận gộp giảm rất sâu. Ngoài ra, công ty cũng phát sinh thêm chi phí 2 tỷ đồng tiền phạt vi phạm về công tác môi trường và thuế.
Kinh doanh sụt giảm nửa đầu 2023, cổ phiếu DDV vẫn hồi phục nhẹ so với đáy từ tháng 11/2022
Dù kết quả kinh doanh bết bát kéo dài từ quý 4/2022 đến hết quý 2/2023 vừa qua nhưng giá cổ phiếu DDV vẫn có những nhịp hồi phục so với đáy tạo lập vào tháng 11/2022.
Từ mức đỉnh 18.842 đồng/cổ phiếu ghi nhận vào ngày 29/8/2022, DDV đã lao dốc xuống chỉ còn 7.101 đồng/cổ phiếu vào ngày 7/11/2022. Kể từ đó đến nay, DDV hồi phục tương đối chậm và đạt ngưỡng 11.700 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 14/8/2023, vẫn thấp hơn 37,9% so với đỉnh tạo lập cách đây 1 năm.
Sự hồi phục nhẹ của DDV được nhiều nhà đầu tư đánh giá là nhờ tin tức xung quanh việc thuế xuất khẩu các loại phân bón DAP, NPK sẽ giảm xuống 0% kể từ ngày 15/7/2023. Điều này giúp cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón như DDV được hưởng lợi.
Với DAP Vinachem, doanh thu từ việc bán phân bón DAP xuất khẩu đóng góp tới 60%. Tuy nhiên, trước những biến động khó lường của nền kinh tế thế giới hiện tại, vẫn sẽ còn một con đường dài phía trước để cổ phiếu DDV "leo" lại mức đỉnh từng tạo lập cách đây gần 1 năm.