Đất cho trường học: Sắp xếp trường lớp - Không thể bằng mọi giá
Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đẩy mạnh sắp xếp trường lớp bậc phổ thông. Nhiều tỉnh đã xóa, sáp nhập hàng trăm trường học. Việc sắp xếp trường lớp bước đầu ghi nhận những kết quả khả quan nhưng cũng còn không ít khó khăn đòi hỏi địa phương có giải pháp phù hợp.
Xóa dần trường, lớp nhỏ lẻ
Do đặc thù địa hình sông nước, trước đây việc đi lại còn khó khăn nên hệ thống trường lớp phải về tận xóm, ấp. Cũng từ đó hệ thống trường mầm non, tiểu học có số lượng rất lớn; ngoài ra còn có điểm lẻ của các trường. Đến nay, hệ thống giao thông, đặc biệt là giao thông nông thôn phát triển, việc đi lại thuận tiện hơn nên đường đến trường của học sinh vùng sông nước không còn nhiều khó khăn.
Chủ trương sắp xếp lại trường lớp có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới trường học nhằm từng bước khắc phục tình trạng trường, lớp nhỏ lẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở vật chất, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, tập trung công tác chỉ đạo chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục.
Một trong những địa phương đi đầu trong việc rà soát, sắp xếp hệ thống trường lớp ở ĐBSCL là tỉnh Cà Mau. Theo ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT, tỉnh tập trung sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo hướng phù hợp với điều kiện của từng địa bàn; sáp nhập cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ đóng trên địa bàn gần nhau. Xóa các điểm trường lẻ không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phù hợp với điều kiện địa phương… Năm học 2019 – 2020, tỉnh xóa thêm 35 điểm trường nhỏ, lẻ không còn phù hợp, nâng số điểm trường lẻ đã xóa từ năm 2018 đến nay lên 234.
Trường THPT Cái Nước (huyện Cái Nước, Cà Mau), đơn vị đầu tiên cấp THPT thực hiện chủ trương sáp nhập. Theo đó, sáp nhập Trường THPT Nguyễn Mai và Trường THPT Cái Nước thành Trường THPT Cái Nước.
Thầy Nguyễn Xuân Lai, Hiệu trưởng Trường THPT Cái Nước cho biết: Việc sáp nhập trường học trên địa bàn được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường học được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tình hình thực tế của địa phương. Trường đã ổn định cơ cấu tổ chức, bộ máy, thành lập chi bộ, chi ủy, đoàn thể chính trị, phân công nhiệm vụ, sắp xếp cơ sở vật chất phục vụ tốt công tác dạy học và nhiệm vụ đề ra, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương.
Tỉnh Tiền Giang cũng đẩy mạnh sắp xếp lại trường lớp trên địa bàn. Toàn tỉnh có 2 trường sáp nhập mầm non – tiểu học, 7 trường sáp nhập bậc học - THCS… Tại tỉnh Đồng Tháp, chủ trương sáp nhập điểm lẻ về điểm chính, gom các điểm ít học sinh lại để phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương cũng được triển khai hiệu quả trong thời gian qua. Tỉnh tiến hành theo hướng sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo cụm trường, liên trường, các điểm trường chính, điểm trường lẻ bảo đảm hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương. Đến nay toàn tỉnh đã sắp xếp lại trên 50 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và THCS. Tỉnh đặc biệt chú trọng đặc thù ở vùng khó khăn, biên giới, khu đông dân cư, khu công nghiệp.
Đi đầu trong việc thực hiện sắp xếp trường lớp ở Đồng Tháp là TP Cao Lãnh, địa phương đã sáp nhập một số trường tiểu học có quy mô nhỏ trên địa bàn: Phường 6 sáp nhập Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến vào Trường Tiểu học Thực hành Sư phạm. Xã Mỹ Tân sáp nhập Trường Tiểu học Mỹ Tân vào Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm… TP Cao Lãnh tiếp tục thực hiện sáp nhập một số trường tiểu học có quy mô nhỏ, định hướng mỗi xã, phường, thị trấn còn từ 1 - 2 trường tiểu học. Nguyên nhân, các trường tiểu học có quy mô nhỏ, việc xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa được tập trung, khai thác chưa hiệu quả. Việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn và các hoạt động tại trường này chưa sâu do mỗi khối lớp chỉ có từ 1 - 2 giáo viên…
Dựa trên thực tế
Theo ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, khi tiến hành sắp xếp lại giáo viên, xóa điểm lẻ, sáp nhập trường sẽ căn cứ vào lợi ích thiết thực, nhu cầu thực tế, số lượng học sinh/lớp, khoảng cách giữa các trường… Qua đó, giúp công tác quản lý chặt chẽ hơn, cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, việc quy hoạch trường lớp ở Cà Mau gặp khó khăn do địa hình, hệ thống trường học còn phân tán, dàn trải, manh mún thiếu tập trung. Việc đến trường của trẻ mầm non và học sinh tiểu học một số nơi còn gặp khó khăn do xóa điểm trường lẻ nên có hiện tượng học sinh bỏ học.
Mặc dù đẩy mạnh sắp xếp trường lớp nhưng tỉnh Cà Mau vẫn thiếu phòng học ở cấp mầm non (hiện nay có 187 lớp mầm non đặt tại trường tiểu học và THCS). Những địa bàn khó khăn ở huyện Phú Tân, Đầm Dơi phải dạy lớp ghép (còn 6 trường dạy lớp ghép với 10 lớp, 201 học sinh với nhiều hình thức ghép: lớp 1+2, 2+3, 3+4...). Tỷ lệ bình quân học sinh/lớp toàn tỉnh chưa đồng đều, các trường trên địa bàn TP Cà Mau và trung tâm huyện cao so với quy định, nhất là cấp tiểu học. Công tác xây dựng đề án sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học, thống kê số liệu còn chậm, thiếu chuẩn xác. Một số huyện chưa chú trọng đến quy hoạch phát triển các nguồn lực, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục...
Một vấn đề đặt ra với việc sáp nhập trường lớp là sĩ số học sinh ở các trường tăng lên. Nhiều điểm chính sau khi sáp nhập điểm lẻ, sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định, lên tới hơn 40 học sinh/lớp, thậm chí nhiều trường ở TP Cà Mau đến 50 học sinh/lớp. Thực tế này gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, chất lượng dạy và học.
Trong quá trình triển khai sắp xếp, rà soát lại trường, lớp, nhiều địa phương gặp khó khăn, trở ngại về tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Một bộ phận người dân chưa hiểu chủ trương sắp xếp trường lớp, chỉ muốn con em được học ở gần nhà nên không ủng hộ việc xóa điểm lẻ...