Đất giao khoán có nguồn gốc nông, lâm trường có được cấp 'sổ đỏ'?

Một số trường hợp sử dụng đất (SDĐ) giao khoán có nguồn gốc từ các nông, lâm trường được Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn (có hiệu lực từ ngày 1-8-2024) cho phép cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ và tài sản gắn liền với đất (gọi tắt 'sổ đỏ').

Nông dân ấp 8, xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) sản xuất trên đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường đã giải thể và được giao về cho địa phương quản lý. Ảnh minh họa: Đ.PHÚ

Nông dân ấp 8, xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) sản xuất trên đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường đã giải thể và được giao về cho địa phương quản lý. Ảnh minh họa: Đ.PHÚ

Một khi đất được cấp “sổ đỏ”, người dân sẽ thuận lợi hơn trong việc chuyển nhượng, tặng cho, vay vốn đầu tư sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.

Điều kiện để được cấp “sổ đỏ”

Trong quá trình di cư vào Đồng Nai tìm nơi an cư lập nghiệp, không ít người dân được các nông, lâm trường giao khoán đất để sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi ổn định cuộc sống. Sau một thời gian dài nhận giao khoán và thực hiện nghiêm nghĩa vụ của hộ nhận giao khoán đối với các nông, lâm trường, nhưng khi các nông, lâm trường giải thể hoặc không sử dụng thì quỹ đất này được giao lại cho địa phương quản lý mà vẫn chưa được cấp “sổ đỏ” cho dân. Khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực (từ ngày 1-8-2024), những trường hợp này muốn biết họ có thuộc trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cấp “sổ đỏ” hay không?

Trao đổi về nội dung này, luật gia Đỗ Văn Gọn, Phó ban Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và xây dựng pháp luật, Hội Luật gia tỉnh, cho biết Luật Đất đai năm 2024 quy định, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức quản lý, sử dụng quỹ đất do các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương vào mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Khoản 4, Điều 26 Nghị định 101 có quy định trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã SDĐ trước ngày giao đất, giao rừng cho các nông, lâm trường, ban quản lý rừng, khu bảo tồn, vườn quốc gia, công ty nông, lâm nghiệp thì người đang SDĐ được cấp “sổ đỏ” theo quy định tại Điều 138 của Luật Đất đai năm 2024.

Đồng thời, điểm a, khoản 2, Điều 181 của Luật Đất đai năm 2024 quy định, công nhận cho người đang SDĐ nông nghiệp, lâm nghiệp mà có nguồn gốc là đất được giao, giao khoán, khoán trắng, thuê đất, mượn của nông, lâm trường trước ngày 1-2-2015 theo hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền SDĐ đối với diện tích đất đang sử dụng nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp cho cá nhân quy định tại Điều 176 Luật Đất đai năm 2024, thời hạn SDĐ tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; phần diện tích vượt hạn mức (nếu có) thì ưu tiên giao cho đối tượng theo quy định tại các điểm c, d và đ, khoản 2, Điều 181 Luật Đất đai năm 2024 hoặc phải chuyển sang thuê đất.

Luật gia Đỗ Văn Gọn lưu ý, việc cấp “sổ đỏ” đối với đất giao khoán có nguồn gốc từ nông, lâm trường được giao về cho địa phương quản lý chỉ thực hiện được nếu người đang SDĐ đáp ứng đầy đủ các điều kiện: thứ nhất, đất được giao khoán trước ngày 1-2-2015; thứ hai, đất được giao khoán theo hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền SDĐ; thứ ba, phần diện tích được cấp “sổ đỏ” là diện tích đất đang sử dụng nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.

Quy định chi tiết, cụ thể

Để tạo điều kiện cấp “sổ đỏ” cho người dân nhận giao khoán đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường sau khi giao về cho địa phương quản lý, tại Điều 26 Nghị định 101/2024/NĐ-CP ngày 29-7-2024 của Chính phủ quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai (gọi tắt Nghị định 101, có hiệu lực từ ngày 1-8-2024) quy định rất cụ thể việc cấp “sổ đỏ” đối với hộ gia đình, cá nhân đang SDĐ có nguồn gốc nông, lâm trường.

Nhằm giúp người dân hiểu đúng vấn đề, tránh hiểu sai ảnh hưởng tới công tác quản lý đất đai của các nông, lâm trường và chính quyền địa phương, luật gia Dương Văn Tín (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, việc cấp “sổ đỏ” đối với hộ gia đình, cá nhân đang SDĐ có nguồn gốc nông, lâm trường phải căn cứ vào phương án SDĐ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cụ thể, theo Điều 26 Nghị định 101, hộ gia đình, cá nhân đang SDĐ có giấy tờ về quyền SDĐ quy định tại khoản 2, Điều 137 Luật Đất đai năm 2024 thì diện tích, mục đích SDĐ khi cấp “sổ đỏ” được thực hiện theo điểm a, b, c khoản 1, Điều 26 Nghị định 101. Tức là, trường hợp đất đã được sử dụng trước ngày
15-10-1993 thì diện tích đất ở khi công nhận quyền SDĐ được xác định theo quy định tại Điều 141 của Luật Đất đai năm 2024. Trường hợp đất đã được sử dụng từ ngày 15-10-1993 đến trước ngày 1-7-2004 mà trên giấy tờ về quyền SDĐ đã ghi rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được xác định theo giấy tờ đó…

Còn hộ gia đình, cá nhân đang SDĐ theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 139 Luật Đất đai năm 2024 và người đang SDĐ có nguồn gốc được giao, giao khoán, khoán trắng, thuê đất, mượn đất của nông, lâm trường quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 181 Luật Đất đai năm 2024 mà đã tự ý làm nhà ở thì diện tích, mục đích SDĐ khi cấp “sổ đỏ” được thực hiện theo điểm a, b, c khoản 2, Điều 26 Nghị định 101.

Nghĩa là, đất đã được sử dụng trước ngày 15-10-1993 mà tại thời điểm cấp “sổ đỏ” có nhà ở, nhà ở và công trình xây dựng phục vụ đời sống thì diện tích đất ở được công nhận theo quy định tại khoản 5, Điều 141 của Luật Đất đai năm 2024. Đất đã được sử dụng từ ngày 15-10-1993 đến trước ngày 1-7-2014 mà tại thời điểm cấp “sổ đỏ” có nhà ở, nhà ở và công trình xây dựng phục vụ đời sống thì diện tích đất ở được công nhận là hạn mức giao đất ở theo quy định tại khoản 2, Điều 195 và khoản 2, Điều 196 Luật Đất đai năm 2024…

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202411/dat-giao-khoan-co-nguon-goc-nong-lam-truong-co-duoc-cap-so-do-4a3104a/