Đất Hà Thành, nỗi lo 'gì cũng có mà khách thì không có'
Rà soát, cơ cấu lại để có sản phẩm du lịch đủ mạnh, Hà Nội đang tìm cách thu hút và giữ chân du khách, tránh bị 'mang tiếng' chỉ là điểm dừng chân, nơi trung chuyển khách cho các tỉnh phía Bắc.
Gì cũng có mà khách thì không có
Tại Hội nghị xây dựng sản phẩm du lịch kích cầu nội địa TP. Hà Nội sáng 18/3, do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Công Hoan, Giám đốc công ty du lịch Flamingo Redtours, cho rằng, dịch Covid-19 hiện cơ bản được kiểm soát, nhu cầu đi du lịch của người dân lớn hơn. Qua việc khách đổ đi du lịch Tam Chúc, chùa Hương,... ngành du lịch cần chứng minh cho khách thấy 3 vấn đề: Du lịch đã an toàn, ngành du lịch sẵn sàng phục vụ du khách, thời điểm này đi du lịch là phù hợp nhất với nhiều ưu đãi.
Để làm được điều đó, theo ông Hoan, cần có lễ hội kích cầu lớn với việc tung ra hàng loạt sản phẩm ưu đãi, song song đó là đẩy mạnh tuyên truyền tới du khách, đẩy thông tin lên để tạo hiệu ứng. Ông Hoan góp ý, Hà Nội nên có chính sách như Đà Nẵng trong việc kích cầu du lịch MICE. Tiếp theo, cần phát động các cơ sở ung ứng dịch vụ thủ đô giảm giá.
“Những nhà hàng nào xung phong giảm 30-50% thì thành phố công khai và phải giảm giá thật sự. Như khu phố cổ, các khách sạn, hoạt động dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nếu Sở Du lịch làm việc với quận Hoàn Kiếm thì việc cam kết giảm giá sẽ triển khai tốt”, ông Hoan nói.
Ngoài ra, theo ông Hoan, muốn du khách đến Hà Nội thì người Hà Nội cũng phải đi du lịch, phải có cơ chế khuyến khích người dân Thủ đô đi du lịch, tạo ra bầu không khí du lịch.
Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, đánh giá, mục tiêu chính là thu hút khách du lịch đến Hà Nội, với hai đối tượng khách: người Hà Nội du lịch Hà Nội, người nơi khác đến Hà Nội du lịch - đây là hoạt động tương hỗ hai chiều.
Do đó, cần rà soát lại sản phẩm du lịch của Hà Nội, cơ cấu lại làm thế nào hấp dẫn hơn, từ đó mới xúc tiến quảng bá như nào cho hiệu quả. Ông Thắng lưu ý, Thủ đô Hà Nội cực kỳ hấp dẫn với nhiều sản phẩm văn hóa, lịch sử. Thế nhưng, phần lớn DN lữ hành lại làm tour đi các tỉnh thành khác. Ngoài ra, Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế đêm, với cơ cấu dịch vụ 70% ăn, 20% uống, 10% chơi. Đây chính là điểm nổi bật nữa của Hà Nội khác với các tỉnh thành khác.
Đánh giá chung về du lịch Hà Nội hiện nay, ông Nguyễn Văn Tài, CEO của Vietsense Travel, cho rằng du lịch Hà Nội cái gì cũng có, mỗi khách không có.
Ông đề xuất, Hà Nội cần chọn mục tiêu truyền thông, phải có tư liệu là mẫu mã, sản phẩm để marketing. Hà Nội chưa có một câu chuyện để kế với du khách như Đà Nẵng. Ngoài ra, cần ứng dụng công nghệ số. Thủ đô hiện chưa có ứng dụng để khách cập nhật thông tin. Chưa kể, xúc tiến du lịch cần trọng điểm, tập trung vào thị trường tiềm năng, thị trường mục tiêu, thị trường mới như Tây Nguyên, ĐBSCL,...
Hà Nội đâu chỉ có tour xích lô
Ông Chu Ngọc Quân - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì, cho hay trong tháng 2 vừa qua, lượng du khách đến Vườn Quốc gia tăng 170% so với năm trước, lũy kế hai tháng đầu năm tăng tới 126% cùng kỳ.
Ông tính toán, khu vực này hoàn toàn có thể thu hút được lượng khách đông đảo hơn, đó là bởi Ba Vì - Suối Hai nằm liền một dải đất đậm đặc dấu tích văn hóa. Vì thế, làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây có có thể hình thành điểm du lịch. 7 xã miền núi Ba Vì có làng thuốc của người Dao khá độc đáo nhưng hiện vẫn phát triển bột phát. Theo ông Quân, nếu cần khu du lịch nào đó thể hiện bản sắc đồng bào dân tộc thì địa điểm này xứng đáng được lựa chọn.
Ông Quân góp ý Sở Du lịch Hà Nội nên và các DN nên xây dựng tour đi bộ leo núi kết nối với làng dân tộc Dao, có thể là tour trong ngày kết hợp khai thác văn hóa nghệ thuật của đồng bào.
Đây là hướng đi mới cần thiết cho du lịch Hà Nội trong bối cảnh khách đã hờ hững với các tuyến điểm truyền thống như phố cổ, hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, các điểm di tích Văn Miếu Quốc tử giám,...
Ngoài ra, nhiều DN lữ hành cho rằng Hà Nội cần sử dụng tài nguyên của các tỉnh, thành xung quanh để xây dựng sản phẩm.
Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng giám đốc Công ty Hanoitourism, dẫn chứng như phối hợp với Hà Nam có chùa Tam Chúc; liên tuyến đưa khách từ TP.HCM - Hạ Long - Bình Liêu - Hà Nội; kết nối với Nam Định, Hải Phòng, có thể tour trong ngày hoặc ngắn ngày thưởng thức ẩm thực truyền thống... Ngoài ra có thể kết nối là đầu cầu đi xe đạp, mặc áo truyền thống, thay đổi cách làm cũ là đi xích lô. Đây là du lịch xanh, du lịch cộng đồng mới. Bằng cách đó, sẽ giữ khách ở lại 1-2 đêm và tăng lượng khách đến Thủ đô.
Bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel, bày tỏ mong muốn Hà Nội có sản phẩm du xuân với “đặc sản” mưa phùn, mùa hoa loa kèn đặc trưng; không chỉ kích cầu trong tuần mà cả cuối tuần, có combo ưu đãi giảm giá,...
Ghi nhận các ý kiến đóng góp, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cho biết có 4 vấn đề Hà Nội cần tập trung tháo gỡ, đó là xây dựng sản phẩm du lịch, đẩy mạnh truyền thông, tính kết nối và cơ chế chính sách hỗ trợ. Trong khó khăn, sẽ càng tăng cường liên kết để tạo sản phẩm tốt, giá rẻ. Để thu hút và giữ chân khách, tới đây Hà Nội triển khai nhiều sự kiện lớn như lễ hội quà tặng, lễ hội áo dài, lễ hội ẩm thực, với quy mô lớn...
Lễ hội kích cầu du lịch Thủ đô
Với chủ đề "Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội", từ 16-18/4 sẽ diễn ra Lễ hội kích cầu du lịch và giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2021 nhằm quảng bá du lịch Thủ đô "An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn"; đồng thời khôi phục hoạt động của du lịch nội địa sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Một không gian chung được thiết kế 2D, 3D để giới thiệu điểm đến của du lịch Hà Nội và các tỉnh, thành, đây cũng là điểm check-in cho du khách. Ngoài ra là khu gian hàng giới thiệu các sản phẩm tour, combo du ịch, khách sạn, vé máy bay và khu không gian ẩm thực Hà Nội giới thiệu một số món ăn đặc sắc, nổi bật của Thủ đô, như phở Hà Nội, chả cá, bún thang, phở, bánh tôm Hồ Tây, nem Phùng, bánh dân gian, trà sen Hồ Tây...
Sự kiện diễn ra tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, nhà Bát Giác, đường Lê Thạch, đường Lê Lai và Cung Thiếu nhi Hà Nội (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).